Dự án có tổng ngân sách 42 triệu USD, do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ cùng với nguồn vốn đối ứng của Việt Nam
Được triển khai từ năm 2017 - 2024, dự án có tổng ngân sách 42 triệu USD, do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ cùng với nguồn vốn đối ứng của Việt Nam, đã mang lại những tác động tích cực rõ nét trong việc tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển trước những thách thức ngày càng lớn của biến đổi khí hậu.
Dự án được thực hiện tại 7 tỉnh ven biển dễ bị tổn thương, bao gồm Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau. Mục tiêu chính là bảo vệ và hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua các giải pháp tích hợp như xây dựng nhà an toàn, phục hồi rừng ngập mặn, và tăng cường hệ thống thông tin rủi ro thiên tai.
Sau hơn 7 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả vượt kỳ vọng. Với 4.966 ngôi nhà an toàn được xây dựng, Dự án đã mang lại nơi ở vững chắc cho hơn 25.000 người dân tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ. Những ngôi nhà này không chỉ bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân mà còn trở thành hình mẫu được lồng ghép vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo Bền vững.
Ngoài ra, Dự án đã tái sinh 4.028 ha rừng ngập mặn, đóng vai trò như những "lá chắn tự nhiên" bảo vệ cộng đồng trước triều cường và bão biển, đồng thời hấp thụ hơn 1,1 triệu tấn CO2, góp phần tích cực vào cam kết của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, Dự án còn hỗ trợ phát triển các mô hình sinh kế bền vững như nuôi ong lấy mật tại Thanh Hóa, giúp người dân tăng thu nhập, đồng thời khuyến khích việc bảo vệ rừng ngập mặn.
Dự án đã tái sinh 4.028 ha rừng ngập mặn, đóng vai trò như những "lá chắn tự nhiên" bảo vệ cộng đồng trước triều cường và bão biển, đồng thời hấp thụ hơn 1,1 triệu tấn CO2
Trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai, Dự án thiết lập hệ thống cảnh báo sớm tại 24 xã có nguy cơ cao và tổ chức đào tạo cho hơn 62.000 cán bộ và người dân, trong đó gần 50% là phụ nữ. Những chương trình này đã góp phần nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng trong ứng phó với thiên tai, giúp giảm thiểu thiệt hại trong các tình huống khẩn cấp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được lắng nghe câu chuyện thực tế từ những người hưởng lợi. Ông Vũ Tấn Sửu, một hộ dân tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ nhờ mô hình nuôi ong lấy mật được hỗ trợ từ dự án, gia đình ông không chỉ có sinh kế ổn định hơn mà còn hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng ngập mặn. Tương tự, bà Hoàng Thị Thoàn, 75 tuổi, tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết ngôi nhà chống chịu bão lụt mà dự án hỗ trợ đã giúp bà an tâm hơn trong mùa mưa bão, mang lại sự ổn định và hy vọng trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Giám đốc dự án nhấn mạnh Dự án này là minh chứng rõ ràng cho sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, vượt qua nhiều khó khăn để đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là làm thế nào để những khu vực dễ bị tổn thương khác của Việt Nam cũng có được khả năng chống chịu tương tự. Ông Tiến hy vọng UNDP và các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục phối hợp để nhân rộng sáng kiến này trên toàn quốc, mang lại sự an toàn và bền vững cho người dân Việt Nam trước những thiên tai ngày càng khắc nghiệt.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, chia sẻ các cộng đồng ven biển Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu. UNDP cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam để xây dựng những cộng đồng bền vững, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị không chỉ là dịp nhìn lại những thành tựu đạt được mà còn mở ra các thảo luận quan trọng về cơ hội nhân rộng và đảm bảo tính bền vững của những kết quả đã đạt được. Các đại biểu nhấn mạnh rằng sự thành công của dự án, từ các giải pháp kỹ thuật và sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Phương Thảo