Bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên - vì thành phố phát triển xanh

Bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên - vì thành phố phát triển xanh
2 giờ trướcBài gốc
Rừng bần chạy dọc sông Phủ có hệ sinh thái phong phú, là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật tự nhiên.
Mới đây, chính quyền phường Đại Nài phối hợp với lực lượng công an xã đã lập biên bản xử lý vi phạm đối với một người đàn ông trú ở xã Thạch Long (Thạch Hà) vì có hành vi đánh bắt loài ong tự nhiên trên địa bàn. Theo biên bản, người đàn ông này đã dùng nước đường và một số dụng cụ như: vợt lưới, bếp ga mini để dẫn dụ đàn ong tự nhiên và bắt bẫy. Cơ quan chuyên môn đã nghiêm khắc nhắc nhở hành vi trái phép, đồng thời tuyên truyền về các quy định pháp luật, mức xử phạt khi thực hiện hành vi bắt, bẫy các động vật tự nhiên.
Ông Trần Trọng Dũng - Bí thư Đảng ủy phường Đại Nài cho biết: “Trên địa bàn phường có 7,6 km tuyến đê dọc sông Phủ có rừng bần - một trong những “lá phổi xanh” của thành phố, vừa có tác dụng giữ đê, chống sạt lở. Vào thời điểm này, cây bần đang ra hoa nên thu hút đàn ong về hút mật và tạo ra quá trình thụ phấn tự nhiên, việc bảo vệ đàn ong và các loài sinh vật có lợi chính là bảo vệ sự phát triển của hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng thực vật, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu phát triển xanh của thành phố”.
Theo ông Dũng, cấp ủy, chính quyền phường thường xuyên quan tâm công tác chống săn bắt, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài động vật hoang dã trái pháp luật như: các loại chim di cư, động vật tự nhiên… Đồng thời, tuyên truyền đến tận người dân về các quy định pháp luật, lợi ích, hiệu quả của việc bảo vệ động vật tự nhiên, nhất là chim trời… Nhờ vậy, trong suốt nhiều năm qua, trên địa bàn không xảy ra vụ việc nghiêm trọng về đánh bắt, tàng trữ động vật hoang dã.
Gia đình anh Nguyễn Công Lục đầu tư nuôi 20 đàn ong để tận dụng nguồn hoa ở rừng bần và các loài thực vật hoang dã.
Hiện nay, phường Đại Nài cũng đã xây dựng thêm nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái như: mô hình sản xuất lúa kết hợp với rươi tự nhiên, cua lông với diện tích 5 ha; 2 mô hình nuôi ong lấy mật; mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch… Những mô hình này bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá, cải thiện môi trường sản xuất hướng đến thân thiện và bền vững; đồng thời góp phần củng cố đa dạng hơn hệ sinh thái sinh học, tự nhiên.
Anh Nguyễn Công Lục - tổ dân phố 8 cho biết: “Gia đình tôi sản xuất nông nghiệp tổng hợp, lúa, cá, vịt, lươn, cua đồng. Để phù hợp với sự phát triển chung, tôi đã chủ động chuyển hướng dần sang “thuận tự nhiên”, sử dụng các loại chế phẩm, thức ăn sinh học, giảm dần các yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường. Mới đây, gia đình tôi còn được Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi thành phố hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật với 20 đàn để tận dụng nguồn hoa, nhựa cây ở rừng bần và loài thực vật hoang dã. Khoảng 10 ngày nữa, lứa mật đầu tiên sẽ được thu hoạch, dự kiến đạt 1-1,2 lít/lần lấy mật”.
Sông Đông sở hữu hệ sinh thái phong phú, đa dạng, tạo không gian xanh giữa lòng đô thị.
Lợi thế của TP Hà Tĩnh là có những con sông bao quanh tạo ra dải rừng ngập mặn nối dài từ các vùng đất: Hộ Độ, Thạch Hạ, Đồng Môn, Đại Nài, Thạch Hưng, Tượng Sơn…; phường Trần Phú với hệ sinh thái sông Đông phong phú, đa dạng nhiều loài động thực vật. Đây là những vành đai xanh che chắn đê điều, làng mạc, khu vực sản xuất của người dân.
Xuất phát từ mục tiêu cải tạo đất đai, khôi phục các giống sen, TP Hà Tĩnh đã xây dựng chuỗi sản xuất và sản phẩm về sen theo chuỗi giá trị.
Toàn thành phố đã xây dựng gần 20 ha sản xuất rau, củ, quả, lúa hữu cơ, hơn 25 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, trên 30 ha sản xuất chuỗi giá trị sen, hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản mặn lợ… Các mô hình đã góp phần nâng cao thu nhập của người sản xuất, tăng cao hiệu quả kinh tế cộng đồng; đồng thời góp phần cải tạo nhiều vùng đất hoang hóa, làm đẹp cảnh quan môi trường.
Thôn Trang Liên Nhật (phường Thạch Hạ) - mô hình sản xuất "3 trong 1" gắn với du lịch sinh thái đang thu hút rất nhiều du khách đến trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực đồng quê.
Cùng với sự chuyển dịch của các ngành KT-XH gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh, đầu năm 2024, TP Hà Tĩnh triển khai xây dựng vườn chim nhân tạo tại khu vực sông Đông (phường Trần Phú) như một điển hình trực quan về hành trình xanh hóa; nâng cao ý thức của toàn thể người dân trong việc bảo vệ, bảo tồn tự nhiên, giữ cân bằng sinh thái và hướng đến triển vọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Sau hơn 1 năm bắt tay thực hiện ý tưởng, vườn chim đã thu hút hàng chục loài chim, động vật tự nhiên về trú ngụ.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, người dân phường Trần Phú cho biết: “Tôi thực sự háo hức chờ đợi vườn chim hoàn thiện, đây sẽ là không gian trong lành để mỗi người dân có thể thụ hưởng, trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên ngay giữa lòng đô thị. Từ khi thực hiện dự án này, người dân chúng tôi cũng ý thức hơn về việc bảo vệ động vật tự nhiên, dặn dò người nhà không săn bắt chim trời, không mua bán, tiêu thụ chim trời và động vật hoang dã”.
Hằng năm, Phòng TN&MT cũng tham mưu UBND thành phố thực hiện chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, chim di cư trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, xanh hóa không gian, hành vi, lối sống.
TP Hà Tĩnh cũng tổ chức các đợt thả cá, cua đồng… tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các con sông, hồ sinh thái; lan tỏa ý thức, sự chung tay của toàn dân về bảo vệ môi trường, vì thành phố phát triển xanh.
Tuệ Anh
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/bao-ve-he-sinh-thai-tu-nhien-vi-thanh-pho-phat-trien-xanh-post286885.html