Chè Thái Nguyên không chỉ là một loại nông sản mà còn là kết tinh của truyền thống, kinh nghiệm canh tác và bí quyết chế biến độc đáo của người dân địa phương.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường
Nhận thấy giá trị to lớn này, nhiều HTX đã chủ động tiếp cận và ứng dụng các công cụ SHTT, đặc biệt là việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" và chỉ dẫn địa lý "Tân Cương".
Đây được xem là bước đi chiến lược, tạo “hàng rào” pháp lý vững chắc, ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm phạm, làm giả, làm nhái sản phẩm, bảo vệ uy tín và chất lượng trứ danh của chè Thái Nguyên trên thị trường.
Tại HTX Chè Hảo Đạt, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã mang lại lợi ích thiết thực cho HTX. Sản phẩm của các thành viên được người tiêu dùng tin tưởng hơn, dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính và giá trị sản phẩm cũng được nâng lên đáng kể.
Sở hữu trí tuệ là "vũ khí" nâng tầm sản phẩm của HTX Hảo Đạt.
Đăng ký nhãn hiệu tập thể là một hình thức bảo vệ SHTT mạnh mẽ, khẳng định nguồn gốc và chất lượng đặc biệt sản phẩm của HTX. Đây cũng là nền tảng để HTX Chè Hảo Đạt đã đạt được chứng nhận OCOP với nhiều sản phẩm trà.
Còn tại HTX chè Tuyết Hương, từ khi thành lập vào năm 2012, các thành viên đã quan tâm bảo hộ thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm. HTX cũng tự tin đưa sản phẩm ra thị trường với đầy đủ thông tin, truy xuất nguồn gốc, có địa chỉ và số điện thoại chi tiết, rõ ràng, giúp người tiêu dùng nhận diện đúng sản sản phẩm, tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái.
Không dừng lại ở việc bảo vệ sản phẩm, các HTX chè ở Thái Nguyên còn tích cực xây dựng và phát triển thương hiệu riêng, tạo dấu ấn khác biệt cho sản phẩm của mình. Thông qua việc thiết kế bao bì bắt mắt, tem nhãn độc đáo, đồng thời sử dụng hiệu quả nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" giúp các HTX đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nhờ được bảo hộ SHTT, thương hiệu “Chè Thái Nguyên” đã có những bước tiến quan trọng trong việc mở rộng thị trường. Nhãn hiệu tập thể này đã được đăng ký bảo hộ ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc, mở ra cơ hội lớn cho các HTX đưa sản phẩm chè chất lượng cao của tỉnh vươn ra thế giới.
Hỗ trợ từ các cấp, chủ động từ HTX
Theo thống kê đến hết năm 2024, toàn tỉnh Thái Nguyên có 194 công ty, HTX, doanh nghiệp, hộ dân, cơ sở đăng ký và được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 77941 năm 2006 và có thời hạn là 10 năm. Ngày 25/8/2016 nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tiếp tục được gia hạn đến ngày 21/8/2026.
Tính đến nay, có 20 HTX đã đăng ký nhãn hiệu “Chè Thái Nguyên” như HTX Tâm Trà Thái, HTX trà Sơn Dung, HTX chè Tân Hương, HTX chè Thịnh An, HTX chè an toàn Khe Cốc, HTX chè La Bằng, HTX chè Hải Yến…
Sở hữu trí tuệ giúp chè Thái Nguyên vươn ra thị trường quốc tế.
Việc các HTX chè ở Thái Nguyên chú trọng đến SHTT là một xu hướng tích cực, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm đặc sản của vùng đất "Đệ nhất danh trà".
Thời gian qua, các cấp chính quyền, ban ngành ở trung ương và địa phương, trong đó có Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh đã phối kết hợp triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các HTX trong lĩnh vực SHTT. Các hoạt động như tư vấn, tập huấn, hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thiết kế bao bì, quảng bá sản phẩm đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng SHTT cho các HTX.
Tuy nhiên, sự chủ động từ chính các HTX vẫn đóng vai trò quyết định. Nhiều HTX đã chủ động đầu tư vào việc xây dựng câu chuyện thương hiệu độc đáo, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường, từ đó tạo dựng niềm tin vững chắc với người tiêu dùng.
Tránh giả mạo nhãn hiệu tập thể
Dù đã chú trọng đến vấn đề SHTT nhưng một số HTX chè Thái Nguyên vẫn còn đối mặt với không ít thách thức, như tình trạng xâm phạm nhãn hiệu, nhận diện thương hiệu chưa đồng đều giữa các HTX.
Như HTX chè Tuyết Hương đã đăng ký nhãn hiệu tập thể và khi sản phẩm của HTX có thương hiệu uy tín thì bị tình trạng hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng.
Nguyên nhân có thể là do HTX gửi sản phẩm cho khách hàng qua bưu điện, đơn vị vận chuyển thì thông tin của HTX và khách hàng bị lọt ra ngoài, nên một số đối tượng đã lợi dụng thương hiệu của HTX để làm giả, làm nhái sản phẩm bán ra thị trường. Khi được khách hàng phản hồi lại về vấn đề này, HTX đã có cảnh báo đến khách hàng về các thông tin chính thức của HTX và sản phẩm để khách hàng nắm bắt.
Trong tương lai, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ SHTT, nâng cao nhận thức cho người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời xây dựng các chuỗi giá trị chè bền vững sẽ là những yếu tố then chốt giúp thương hiệu chè Thái Nguyên ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ trà thế giới, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người trồng và sản xuất chè của tỉnh. Và SHTT thực sự đang trở thành “chìa khóa vàng” mở ra cánh cửa phát triển bền vững cho ngành chè Thái Nguyên.
Do đó, để vấn đề giả mạo nhãn hiệu tập thể, tài sản SHTT về các sản phẩm chè của HTX ở Thái Nguyên không còn xảy ra, các chuyên gia cho rằng cần thiết phải xây dựng Bộ nhận diện "Chè Thái Nguyên" bằng “Công nghệ số” (tem đặc biệt) độc quyền đối với các cơ sở đăng ký chế biến, đóng gói nhằm truy xuất nguồn gốc, xác nhận chính xác sản phẩm khi tiêu thụ trên thị trường. Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng lạm dụng thương hiệu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng và cũng tạo thuận lợi trong công tác quản lý.
Minh Nhương