Bảo vệ môi trường nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Bảo vệ môi trường nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
13 giờ trướcBài gốc
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, làng nghề. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn ngày càng được đổi mới, đời sống người dân từng bước được nâng lên.
Người dân xóm Chùa, xã Tử Nê, huyện Tân Lạc thường xuyên vệ sinh đường làng và xây dựng tuyến đường hoa nhằm xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Với các phong trào thi đua như "nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh", mô hình "5 không, 3 sạch", "đoạn đường tự quản", "hàng rào xanh"... nhiều gia đình, khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã hình thành nếp sống hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường nông thôn. Trong đó, tập trung vào các tiêu chí: nhà cửa sắp xếp gọn gàng, đường làng phát dọn phong quang sạch sẽ, bố trí chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Thực hiện chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch sinh hoạt nông thôn, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 11 nghìn nhà tiêu hợp vệ sinh, nâng tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh khu vực nông thôn lên hơn 88,7%. Đặc biệt, các lực lượng trong tỉnh đã tham gia làm mới 45,5 km đường bê tông theo tiêu chuẩn NTM; sửa chữa, phát quang 55 km đường liên xóm; xây dựng 46 bể chứa nước sạch; di chuyển 352 chuồng gia súc, gia cầm ra khỏi khu vực nhà ở...
Tại nhiều địa phương, việc phân loại chất thải tại nguồn, nhất là chất thải sinh hoạt đã được triển khai thực hiện tại các khu dân cư với nhiều cách làm sáng tạo. Nhiều địa phương đã bố trí các điểm thu gom rác, xây dựng lò đốt rác mi ni, tăng cường tái chế để hạn chế lượng rác chôn lấp. Từ năm 2021 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng 32 lò đốt rác mini, hàng trăm hố rác và tiến hành thu gom rác, khơi thông cống, rãnh. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng 1.789 làn nhựa và thùng đựng rác cho các gia đình hội viên; xây dựng 105 hố rác tại gia đình. Tỉnh Đoàn đã xử lý được 70 điểm nóng môi trường, thu gom và xử lý hơn 40 tấn rác. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ cùng cộng đồng dân cư nơi đóng quân làm vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, rác thải; tổ chức tổng vệ sinh doanh trại và ra quân làm vệ sinh môi trường công cộng, khơi thông 13.170m cống, rãnh.
Đồng chí Hoàng Văn Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT cho biết: Để bảo vệ môi trường nông thôn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp đẩy mạnh sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn, tham gia chuẩn hóa sản phẩm OCOP, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, đã triển khai chương trình hỗ trợ tư vấn và chứng nhận quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP), hữu cơ cho 87 cơ sở (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nhóm, hộ sản xuất) nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Quy hoạch vùng hạn chế phát thải, gồm tiểu vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt, tiểu vùng đất ngập nước, tiểu vùng khu dân cư tập trung nông thôn; nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V theo quy định về phân loại đô thị. Trong đó, phải đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất mới có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 70/2021/NQ-HĐND, ngày 09/12/2021 quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di rời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Thực hiện chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ sang chăn nuôi quy mô lớn, vừa và nhỏ; chăn nuôi theo chuỗi khép kín, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn. Chăn nuôi nông hộ từng bước tổ chức lại sản xuất và phát triển theo hướng an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh, thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường.
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường nông thôn, đến nay, tỉnh Hòa Bình có 111/129 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trong xây dựng NTM, đạt 86%. Đối với tiêu chí về tỷ lệ cơ sở chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường thuộc xã NTM, xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, tính đến ngày 30/8/2024, toàn tỉnh có 129 xã với khoảng 107.279 hộ chăn nuôi, trong đó 79.788 hộ đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường.
P.L
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/nong-thon-moi/bao-ve-moi-truong-nong-thon-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi