Bảo vệ nền tảng tư tưởng trong thời kỳ đổi mới mô hình chính quyền địa phương

Bảo vệ nền tảng tư tưởng trong thời kỳ đổi mới mô hình chính quyền địa phương
9 giờ trướcBài gốc
Từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (gồm cấp tỉnh và cấp xã) đã chính thức triển khai trên toàn quốc. Đây không chỉ là điều chỉnh hành chính, mà còn là dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách hệ thống chính trị, thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược và sự nhất quán của Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Tuy nhiên, cùng với kỳ vọng từ mô hình này, các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng không gian mạng để tung ra các luận điệu sai trái, bóp méo bản chất cải cách của Nhà nước ta. Chúng cố tình gieo rắc hoài nghi trong nhân dân, xuyên tạc rằng sáp nhập là hành động “vội vàng”, “đấu đá quyền lực” hay “hình thức, không hiệu quả”… nhằm làm suy giảm lòng tin vào Đảng và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hình ảnh minh họa
Nhìn nhận thực tế, mô hình chính quyền 2 cấp là một chủ trương lớn của Đảng. Việc sắp xếp lại hệ thống chính quyền theo hướng bỏ cấp huyện, giữ cấp tỉnh và cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, đồng thời tập trung nguồn lực phục vụ trực tiếp cho người dân ở cơ sở, nơi gần dân và sát dân nhất.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nhấn mạnh: Việc tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình 2 cấp là bước đi có tính lịch sử, không chỉ nhằm sắp xếp bộ máy, cán bộ, mà còn mở ra không gian phát triển mới, tăng cường phân cấp, phân quyền và đặc biệt là đưa Đảng ủy cấp tỉnh xuống chỉ đạo trực tiếp cơ sở. Điều này góp phần nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong toàn hệ thống chính trị, bảo đảm chính quyền phục vụ dân tốt hơn
Hình ảnh minh họa
Trong khi Đảng và Nhà nước đang quyết liệt thực hiện cải cách vì lợi ích nhân dân, các thế lực phản động như Việt Tân, RFA, RFI… lại lan truyền luận điệu xuyên tạc rằng cải cách là để “tập trung hóa quyền lực”, “loại bỏ cấp trung gian để triệt hạ phe phái”, tốn ngân sách, tiền của của Nhân dân… Đây là thủ đoạn nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm phá hoại từ bên trong nền tảng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.
Thực chất, việc tinh giản bộ máy không làm giảm vai trò của nhân dân mà trái lại, đặt người dân ở trung tâm trong quy trình phân bổ nguồn lực và giám sát hoạt động của chính quyền. Mô hình mới không có nghĩa là “trống quản lý” mà là kết nối trực tiếp giữa cấp chỉ đạo và cấp hành động, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý và phục vụ.
Mỗi người dân cần là một “người lính thông tin” trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh: Cải cách lớn luôn đi kèm thách thức lớn, nhưng nếu có sự đồng thuận của toàn dân, sẽ tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ. Việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp không chỉ là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, mà cần sự tham gia giám sát, phản hồi từ nhân dân – như một biểu hiện sinh động của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Trước bối cảnh thông tin đa chiều trên không gian mạng như hiện nay, điều quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên và công dân cần giữ vững bản lĩnh chính trị, cảnh giác và có khả năng nhận diện đúng - sai, thật - giả. Mỗi người dân cần trở thành “lá chắn tư tưởng”, phản bác các quan điểm sai trái bằng lý lẽ và hiểu biết đúng đắn về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, các tổ chức cơ sở Đảng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương cải cách đến từng thôn, bản, tổ dân phố, góp phần hình thành tuyến thông tin vững chắc trong nhân dân. Đồng thời, kịp thời nắm bắt dư luận, giải thích những vấn đề còn vướng mắc để tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin vào đường lối đổi mới của Đảng.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, địa phương có diện tích rộng nhất cả nước, dân cư đa dạng càng cần phát huy tinh thần cảnh giác, đoàn kết và chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Lâm Đồng cần tỉnh táo, không bị dẫn dắt, không chia sẻ các thông tin sai lệch, kích động trên mạng xã hội. Đồng thời, chủ động tham gia đóng góp ý kiến, giám sát quá trình triển khai mô hình chính quyền 2 cấp tại địa phương, kịp thời phản ánh những bất cập để điều chỉnh, hoàn thiện.
Có thể khẳng định, mỗi lần cải cách đều là một bước tiến mới trong công cuộc đổi mới đất nước. Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao từ nhân dân, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chắc chắn sẽ được hiện thực hóa thành công. Qua đó, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, minh bạch, đúng với tinh thần “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Và trên mặt trận tư tưởng, mỗi người dân cần là một “người lính thông tin”, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, giữ vững nền tảng tư tưởng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng Lâm Đồng ngày càng phát triển bền vững, văn minh và hiện đại.
Thanh Nhàn
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-trong-thoi-ky-doi-moi-mo-hinh-chinh-quyen-dia-phuong-381347.html