Bảo vệ người bệnh, không quên bảo vệ người chữa bệnh

Bảo vệ người bệnh, không quên bảo vệ người chữa bệnh
7 giờ trướcBài gốc
Trước thực trạng gia tăng các vụ việc hành hung nhân viên y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành, yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Theo Bộ Y tế, chỉ tính từ đầu năm 2025 đến nay, đã ghi nhận liên tiếp ba vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Cụ thể, các vụ việc xảy ra tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (Gia Lai) vào ngày 31/3/2025; Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) vào ngày 28/4/2025 và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định vào ngày 3/5/2025.
Những hành vi này không chỉ gây mất trật tự, an ninh, an toàn bệnh viện mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khám chữa bệnh, đe dọa tính mạng, tinh thần, sức khỏe của đội ngũ y bác sĩ, làm giảm động lực và sự tận tâm của nhân viên y tế.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai một loạt giải pháp cấp thiết. Trước hết, cần khẩn trương rà soát, củng cố và thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự theo quy định tại Điều 114 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Các cơ sở cần chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó với các tình huống gây rối, hành hung; đồng thời thực hiện nghiêm các hướng dẫn đã ban hành, như Công văn số 4245/BYT-KCB ngày 09/8/2022 và Công văn số 855/KCB-QLCL&CĐT ngày 05/7/2023 của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần khẩn trương rà soát và lắp đặt hệ thống camera an ninh tại các khu vực trọng điểm như khoa Khám bệnh, Cấp cứu, phòng trực, hành lang hành chính, lối vào bệnh viện… Đồng thời, tăng cường lực lượng bảo vệ, đảm bảo trực 24/7 tại các vị trí then chốt nhằm xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường phối hợp với cơ quan công an và chính quyền địa phương. Các đơn vị cần chủ động trao đổi thông tin, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, thường xuyên đánh giá tình hình an ninh, trật tự để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Công tác này cần bám sát Quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-BYT giữa Bộ Công an và Bộ Y tế ký ngày 18/11/2024.
Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh rà soát quy trình tiếp nhận và xử trí cấp cứu, khám bệnh, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh như triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đăng ký khám trực tuyến, khám theo khung giờ... nhằm giảm tải, rút ngắn thời gian chờ đợi, hạn chế nguy cơ xung đột giữa nhân viên y tế và người bệnh.
Công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử cũng cần được chú trọng. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống cho cán bộ, nhân viên y tế; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Bộ Y tế nhấn mạnh, việc đảm bảo an ninh, an toàn trong cơ sở khám chữa bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, nhằm xây dựng môi trường khám chữa bệnh văn minh, an toàn, thân thiện vì người bệnh và vì đội ngũ nhân viên y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng ghi nhận có từ 8 - 40% nhân viên y tế bị bạo lực thể chất trong quá trình làm việc. Sau đại dịch Covid-19, tình trạng bạo hành y tế có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các cơ sở công lập vốn đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Việc thiếu thời gian giao tiếp và tương tác khiến người bệnh và người nhà dễ nảy sinh bức xúc, giảm sự tin tưởng vào hệ thống y tế.
Thông tin từ lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho hay, để ứng phó với tình trạng bạo hành nhân viên y tế, Sở đã chỉ đạo các bệnh viện triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm siết chặt an ninh và cải thiện chất lượng chăm sóc người bệnh.
Tại khoa cấp cứu - nơi dễ xảy ra căng thẳng các bệnh viện được yêu cầu tổ chức quy trình sàng lọc chặt chẽ, hạn chế tiếp nhận những trường hợp không có chỉ định cấp cứu. Thay vào đó, bệnh viện có thể cho nhập viện nếu người bệnh đủ tiêu chuẩn, hoặc bố trí phòng lưu bệnh để theo dõi ngắn hạn đối với các ca chưa đủ điều kiện.
Lực lượng bảo vệ cũng được tăng cường tại khoa cấp cứu để hỗ trợ phân luồng, hướng dẫn thân nhân thực hiện đúng quy định "mỗi bệnh nhân chỉ có một người chăm sóc".
Các bệnh viện được khuyến khích trang bị tủ có khóa để thân nhân gửi vật dụng cá nhân trước khi vào khu vực điều trị. Trong tình huống xảy ra gây rối, nhân viên bảo vệ phải ngay lập tức liên hệ công an địa phương để được hỗ trợ kịp thời.
Song song với các giải pháp bảo vệ nhân viên y tế, TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh đến việc cải thiện giao tiếp trong bệnh viện. Các bệnh viện được yêu cầu tăng cường trao đổi thông tin với thân nhân người bệnh trong thời gian điều trị tại khoa cấp cứu nhằm giảm bớt lo lắng và ngăn ngừa hiểu lầm không đáng có.
Sở Y tế cũng khuyến khích các phòng công tác xã hội cử nhân viên phối hợp cùng y tế tham gia hỗ trợ tại khoa cấp cứu - một cách tiếp cận mềm để giữ vững sự an toàn nhưng vẫn duy trì sự gần gũi, nhân văn trong môi trường khám chữa bệnh.
Ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay đã có nhiều quy định về nâng cao thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp, nhấn mạnh nguyên tắc "lấy người bệnh làm trung tâm".
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận ngành y tế đang chịu áp lực rất lớn: mỗi năm có khoảng 200 triệu lượt khám, điều trị, với số lượng bệnh nhân lên tới hàng trăm nghìn mỗi ngày. Nhiều bệnh viện quá tải, có nơi một ngày tiếp nhận tới gần chục nghìn lượt khám vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở vật chất và nhân lực hiện có.
“Áp lực quá lớn dễ khiến cả nhân viên y tế lẫn người bệnh đều rơi vào căng thẳng. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ, đồng cảm từ người dân, để hoạt động khám chữa bệnh được duy trì một cách hiệu quả và an toàn”, ông Đức nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định, mục tiêu trong thời gian tới là giảm thiểu tối đa các áp lực không đáng có cho cả hai phía. Để làm được điều đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp: từ xây dựng quy trình tiếp đón chuyên nghiệp hơn, đào tạo kỹ năng xử lý tình huống cho nhân viên y tế, cho đến tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng khi cần thiết.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/bao-ve-nguoi-benh-khong-quen-bao-ve-nguoi-chua-benh-d283032.html