Bảo vệ người dân, khách hàng tránh 'bẫy' lừa đảo trực tuyến

Bảo vệ người dân, khách hàng tránh 'bẫy' lừa đảo trực tuyến
3 giờ trướcBài gốc
Tiếp nhận hơn 22.000 phản ánh lừa đảo
Thời gian qua, tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng trên không gian mạng. Đặc biệt, thực trạng nhiều người dùng chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân, thiếu kiến thức và chủ quan trước các mối đe dọa lừa đảo trực tuyến cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, đòi hỏi cần phải đề cao hơn nữa bài toán nâng cao giải pháp bảo vệ chính khách hàng của mình.
Quang cảnh hội nghị.
Trước những thách thức này, ngày 22/10, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức hội nghị “Bảo vệ người dân, khách hàng trước thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng”.
Hội nghị là cơ hội cho các cơ quan, tổ chức được chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực, mang tới bức tranh toàn diện về các thách thức và giải pháp trong việc phòng, chống lừa đảo trực tuyến, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ.
Thông tin cụ thể hơn về tình hình lừa đảo trực tuyến hiện nay, ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết, trong 9 tháng năm 2024, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam nhận hơn 22.200 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet Việt Nam gửi đến.
Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư... Mục tiêu cuối cùng của các đối tượng nhắm đến là tài sản. Ứng dụng nhắm đến nhiều nhất là ngân hàng, ví điện tử, ứng dụng chứng khoán… Trong khi đó, việc truy vết rất khó khăn do dòng tiền được luân chuyển qua các ngân hàng, ví điện tử. Trên 1.200 vụ án tạm đình chỉ điều tra, tương đương trên 75% số vụ không thể điều tra tiếp.
Có 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng hiện nay. Các bước thực hiện chung của đối tượng lừa đảo là thao túng tâm lý, tạo lòng tin. Mô hình chung các giai đoạn lừa đảo trực tuyến là tiếp cận nạn nhân thông qua gọi điện, nhắn tin, thư điện tử, mạng xã hội. Sau đó sử dụng phương thức lừa đảo cài ứng dụng độc hại, link website lừa đảo, để lấy thông tin, mã giao dịch, tác động tâm lý trực tiếp. Cuối cùng chiếm đoạt tài sản thông qua các cổng thanh toán, tài khoản ngân hàng rác hoặc thông qua tiền ảo.
Ông Phạm Thái Sơn cho rằng, có 4 trụ cột để giải quyết vấn đề lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng đó là: Nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường tin cậy, giảm thiểu tác động của lừa đảo, ngăn ngừa lừa đảo.
Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin tới mỗi người dân
Để giảm thiểu tình trạng lừa đảo trực tuyến, đến nay nhiều biện pháp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai như: Hoàn thành chuẩn hóa thuê bao, xử lý 17 triệu SIM có thông tin không trùng khớp; xử lý tập thuê bao một giấy tờ đứng tên nhiều SIM; hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia…
Theo Cục An toàn thông tin bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu tại hội nghị.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin nhấn mạnh: “Công nghệ số phát triển cùng với đó kéo theo nguy cơ về lừa đảo trực tuyến. Lừa đảo trực tuyến đang diễn ra hiện hữu trước mắt không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Để chống lừa đảo có nhiều cách thức, tuy nhiên an toàn thông tin khởi đầu là nhận thức, cần triển khai các chiến dịch tuyên truyền hướng tới từng nhóm đối tượng để tuyên truyền đúng và trúng và đây là nhiệm vụ thường xuyên phải thực hiện.
Ngoài ra các giải pháp của các các doanh nghiệp Việt Nam đang rất tiềm năng. Cục An toàn thông tin sẽ đồng hành với các doanh nghiệp để đưa triển khai các ý tưởng, giải pháp tạo ra các sản phẩm Make in Việt Nam giải quyết bài toán phòng, chống lừa đảo trực tuyến”.
Từ phía các doanh nghiệp, câu chuyện đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao giải pháp bảo vệ người dân trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến luôn được đặt lên hàng đầu. Song song với các giải pháp truyền thống, nhiều doanh nghiệp cũng nghiên cứu và áp dụng các giải pháp mới để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc bảo vệ khách hàng.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Công ty An ninh mạng Viettel khẳng định bên cạnh những thách thức thời cuộc khi các đối tượng xấu lợi dụng lỗ hổng và sự tiện lợi của công nghệ cũng tạo ra cho tổ chức, doanh nghiệp nhiều cơ hội như nghiên cứu và áp dụng các công nghệ xử lý dữ liệu lớn và AI để phát hiện các hoạt động lừa đảo; hợp tác giữa các tổ chức và cơ quan thực thi pháp luật; triển khai các giải pháp an toàn số tiên tiến để cung cấp cho khách hàng nhằm phòng, chống các hành vi lừa đảo.
Về phía đại diện Ngân hàng Nam Á cũng cho biết, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều lớp bảo mật, bao gồm xác thực đa yếu tố và kiểm soát chặt chẽ các giao dịch có dấu hiệu bất thường, triển khai hệ thống bảo vệ thông tin khách hàng thông qua việc triển khai các thiết bị bảo mật, giám sát hoạt động và sao lưu định kỳ.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của khách hàng, ngăn chặn lừa đảo trực tuyến. Đơn vị tích cực phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước để phát hiện, điều tra và xử lý các hành vi lừa đảo.
N.Hoa
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/bao-ve-nguoi-dan-khach-hang-tranh-bay-lua-dao-truc-tuyen-179537.html