Bảo vệ tài nguyên nước ngầm trước nguy cơ suy giảm

Bảo vệ tài nguyên nước ngầm trước nguy cơ suy giảm
một ngày trướcBài gốc
Nhân viên Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra hoạt động khai thác nước dưới đất của doanh nghiệp
Siết chặt cấp phép khai thác
Theo các chuyên gia, việc khai thác nước ngầm quá mức còn có thể gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, sụt lún. Các tầng chứa nước ngầm ở Bình Dương rất mỏng và dễ bị ô nhiễm nếu có sự xâm nhập của các chất ô nhiễm từ mặt đất, đặc biệt là khi các giếng khoan không được bảo vệ đúng cách. Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, tình trạng ô nhiễm nước ngầm sẽ lan rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết năm 2023 Bình Dương đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Bình Dương ưu tiên bảo vệ các tầng chứa nước quan trọng, khoanh vùng hạn chế khai thác ở những nơi có dấu hiệu sụt lún và ô nhiễm. Song song đó, công tác cấp phép khai thác nước dưới đất cũng được siết chặt. Bình Dương đã tạm dừng cấp phép khai thác mới ở những nơi đã có hệ thống cấp nước tập trung. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu sử dụng lớn, tỉnh yêu cầu chuyển sang dùng nước mặt hoặc đấu nối với hệ thống cấp nước đô thị. Việc gia hạn, điều chỉnh giấy phép khai thác cũng được rà soát kỹ, không để tình trạng khai thác tràn lan.
Bên cạnh quy hoạch, Bình Dương đang đầu tư mạnh vào hệ thống quan trắc tài nguyên nước dưới đất. Theo Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường, việc duy trì quan trắc liên tục giúp kịp thời phát hiện những thay đổi bất thường, từ đó kiến nghị các biện pháp điều chỉnh trong khai thác hoặc xử lý ô nhiễm nếu có dấu hiệu suy thoái chất lượng nước. Hiện trên địa bàn tỉnh có 24 doanh nghiệp với 76 giếng và 24 trạm cấp nước tập trung nông thôn với 100 giếng đã lắp đặt thiết bị quan trắc nước dưới đất tự động, kết nối truyền dữ liệu về Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Từ năm 2024, Bình Dương cũng tiến hành kiểm kê tài nguyên nước định kỳ 5 năm/lần theo quy định mới tại Luật Tài nguyên nước 2023. Việc kiểm kê nhằm đánh giá trữ lượng nước dưới đất thực tế, từ đó làm cơ sở quản lý và cấp phép phù hợp với khả năng cung ứng của từng vùng.
Tăng cường sử dụng hệ thống cấp nước
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm quản lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất hiện nay là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân, doanh nghiệp về việc sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên nước, khuyến khích sử dụng nguồn nước mặt.
Điển hình như tại huyện Phú Giáo, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm phụ thuộc vào nước ngầm, từng bước chuyển đổi sang sử dụng nguồn nước mặt và hệ thống cấp nước tập trung để phục vụ sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, ở khu vực nông thôn, địa phương hạn chế tình trạng người dân tự khai thác nước ngầm, thay vào đó đẩy mạnh mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, với mục tiêu mỗi xã xây dựng từ 1-2 trạm cấp nước sạch quy mô nhỏ, phục vụ hiệu quả cho các cụm dân cư tập trung. Đối với những khu vực dân cư rải rác, chưa có điều kiện tiếp cận nước máy, người dân được khuyến khích lắp đặt hệ thống lọc nước hộ gia đình theo chương trình nước sạch nông thôn nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt đạt chuẩn trong điều kiện thực tế.
Đối với khu vực đô thị thị trấn Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo), Nhà máy nước Phước Vĩnh đang được nâng công suất. Sau năm 2025, huyện sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy nước Phước Vĩnh 2 tại xã Vĩnh Hòa (quy mô 2,89 ha, công suất 60.000m³/ ngày đêm vào năm 2040), sử dụng nguồn nước mặt từ suối Giai và sông Bé. Bên cạnh đó, tại xã Tam Lập, một nhà máy nước mới cũng được quy hoạch với quy mô gần 8 ha nhằm phục vụ khu công nghiệp và dân cư phụ cận, bảo đảm cấp nước ổn định, bền vững.
Thực tế cho thấy, việc tiếp cận nguồn nước sạch mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống người dân. Chị Đinh Thị Mai, ngụ ấp 1A, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, chia sẻ: “Gia đình tôi sử dụng nước từ công trình cấp nước sạch, chất lượng rất bảo đảm, nước luôn trong mát, không có mùi, rất thuận tiện”.
Ông Lê Văn Tân cho biết, bên cạnh đầu tư hạ tầng, đối với cộng đồng cần nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà máy, Bình Dương khuyến khích áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và xử lý nước thải đạt chuẩn nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Chỉ khi toàn xã hội cùng chung tay thực hiện những hành động thiết thực, tài nguyên nước mới có thể được bảo vệ một cách bền vững.
Tính đến năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 185.653 lỗ khoan khai thác nước ngầm, trong đó phần lớn thuộc hộ gia đình (181.074 lỗ), còn lại là của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22-3) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn nước. Qua tuyên truyền giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm nước, tránh lãng phí và bảo vệ nguồn nước dưới đất khỏi bị ô nhiễm, đồng thời đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn nước dưới đất, bao gồm việc điều tra xác định các vùng có nguy cơ ô nhiễm và trám lấp các giếng hư hỏng không sử dụng.
TIẾN HẠNH
Nguồn Bình Dương : https://baobinhduong.vn/bao-ve-tai-nguyen-nuoc-ngam-truoc-nguy-co-suy-giam-a345515.html