Khu vực thờ Cửu Thiên Vũ Đế được xây dựng đơn giản
Nhiều giá trị
Núi Trán Rồng có 3 đỉnh. Đỉnh ở giữa là Trán Rồng, đỉnh Nam Tào ở phía nam, đỉnh phía bắc là Mâm Xôi và chạy sang bên cạnh là núi Dược Sơn (nơi có đền Bắc Đẩu nên được gọi là núi Bắc Đẩu).
Giữa núi Mâm Xôi và núi Bắc Đẩu ngăn cách bởi một khe núi, thời Trần gọi là đường Gánh Gạch, đi từ đền Kiếp Bạc vào Sinh Từ.
Toàn bộ khu vực thung lũng Kiếp Bạc, các núi Trán Rồng, Mâm Xôi, Nam Tào, Bắc Đẩu, các hồ nước đều là nơi cấm địa không được xâm phạm. Rừng trồng thông, tre, nứa… không được phép chặt cây, san đất. Cảnh quan nơi đây sơn thủy, hữu tình rất tươi đẹp.
Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", năm 1427, khi cuộc kháng chiến chống quân Minh đại thắng, Lê Lợi đã cắt ngân quỹ, cử Dương Thái Nhất về tu sửa thái miếu đền Kiếp Bạc, ra sắc chỉ nghiêm cấm chặt cây quanh đền và xâm phạm đất đai di tích. Trên núi Trán Rồng, Mâm Xôi và Nam Tào, Bắc Đẩu còn nhiều dấu tích kiến trúc thời Trần, đó là những kè đá, những nền móng kiến trúc xếp thành các cấp trên núi.
Đường lên núi Mâm Xôi vẫn là đường đất, khó đi
Từ năm 1945 đến những năm đầu thế kỷ XXI, khu vực này bị đào xới làm đồn bốt, đường đi và đào hố trồng cây vải, cây keo. Gần đây, nhân dân ở xung quanh núi đã san gạt mặt bằng, đào hố trồng, thay thế cây đã tác động đến núi Mâm Xôi, ảnh hưởng đến các dấu tích kiến trúc và mộ táng thời Trần.
Trên núi Mâm Xôi có miếu thờ Cửu Thiên Vũ Đế Trần Hưng Đạo, là một trong những điểm di tích quan trọng của khu di tích Kiếp Bạc. Tương truyền đây là nơi Đức Thánh hóa về trời, để lại dấu hài là vật chứng mang dấu ấn tâm linh gắn với chuỗi sự tích, huyền thoại. Miếu thờ Cửu Thiên Vũ Đế trên núi Mâm Xôi đã bị hủy hoại từ lâu. Đầu thế kỷ XXI, nhân dân đã xây lại bệ và khoảng sân nhỏ, đặt bát hương thờ lộ thiên. Hằng năm, vào ngày 20/8 âm lịch, đều tổ chức lễ dâng hương, cúng giỗ Đức Thánh và làm lễ tạ hội.
Một số nhà dân lấn sâu vào chân núi, làm biến dạng khu di tích
Đến nay, kiến trúc miếu Cửu Thiên Vũ Đế không còn, nhưng cảnh quan và các nghi lễ cổ truyền diễn ra trên núi Mâm Xôi đã khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của khu vực này. Miếu thờ Cửu Thiên Vũ Đế trên núi Mâm Xôi là một thành tố văn hóa tâm linh quan trọng để hoàn thiện cấu trúc thờ tự ở khu di tích Kiếp Bạc.
Chính quyền vào cuộc, người dân đồng tình
Đỉnh núi Mâm Xôi cao gần 70 m, rộng khoảng 20 m, dài khoảng 100 m. Sườn núi được hạ cấp như ruộng bậc thang. Xung quanh chân núi có 42 hộ dân sinh sống.
Gia đình anh Phạm Văn Hậu ở thôn Bắc Đẩu sống dưới chân núi Mâm Xôi cho biết sẵn sàng dời đi để bảo tồn khu di tích
Năm 2019, khi mở đường dân sinh dưới chân núi Mâm Xôi, một số hộ dân đầu tuyến đã hiến đất làm đường. Tuy nhiên, nhiều hộ tổ chức san gạt, đào bới, mở rộng diện tích, tạo thành vách taluy dựng đứng ở một số vị trí thuộc núi Mâm Xôi, làm thay đổi hiện trạng, ảnh hưởng cảnh quan khu di tích.
Hiện nay, toàn bộ khu vực núi Mâm Xôi giao khoán cho các hộ dân trông coi, chăm sóc cây và thu hoạch. Hoạt động này cũng ảnh hưởng đến sự ổn định của núi Mâm Xôi, tiềm ẩn nguy cơ tác động đến núi.
Để bảo vệ núi Mâm Xôi, HĐND tỉnh Hải Dương đã quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, tu bổ núi Mâm Xôi và hồ phía bắc đền Kiếp Bạc với tổng kinh phí 193 tỷ đồng. Theo đó, sẽ thu hồi, đền bù, di dời 5 hộ dân ảnh hưởng lớn tới khu vực núi Mâm Xôi, di dời 3 hộ để phục hồi đường Gánh Gạch.
Một ngôi nhà xây sâu vào bên trong chân núi
Mở rộng đường Gánh Gạch từ đường tỉnh 398 đến chân núi Mâm Xôi dài khoảng 250 m, rộng 10,5 m, trồng cây xanh hai bên. Tôn tạo đường dạo từ đường Gánh Gạch lên núi Mâm Xôi. Xây dựng hệ thống kè bảo vệ quanh khu vực chân núi, đắp đất, trồng cây xanh phục hồi cảnh quan núi…
Chủ trương này được chính quyền địa phương và nhân dân khu vực quanh núi Mâm Xôi đồng tình, ủng hộ.
Ông Phạm Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo cho biết, để thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, địa phương đã quy hoạch khu tái định cư cho các hộ dân ở vị trí nhà văn hóa thôn Bắc Đẩu với diện tích 1.200 m2. Vị trí này cách nơi các hộ sinh sống hiện nay khoảng 500 m, rất thuận tiện cho người dân đi lại, sinh hoạt.
Trước chủ trương di chuyển, dành đất để mở rộng, cải tạo các hạng mục của núi Mâm Xôi, anh Phạm Văn Hậu, một trong những hộ dân nằm trong diện di chuyển thuộc thôn Bắc Đẩu cũng rất đồng thuận. Anh Hậu cho biết: “Diện tích đất hiện nay của gia đình tôi hơn 1.000 m2. Nếu di chuyển ra chỗ ở mới thì diện tích sẽ nhỏ hẹp hơn. Tuy nhiên, chúng tôi bằng lòng dành toàn bộ diện tích này để cơ quan chức năng thực hiện dự án”.
Khu vực nhà văn hóa thôn Bắc Đẩu được dự kiến sử dụng để tái định cư cho các hộ dân nhường đất thực hiện dự án núi Mâm Xôi
Là một phần không thể thiếu của khu di tích Kiếp Bạc, với sự vào cuộc của các cấp, ngành và đồng thuận của người dân, các hạng mục tôn tạo núi Mâm Xôi sẽ được thực hiện trong thời gian tới, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa cũng như làm đẹp cảnh quan nơi đây.
THANH HÀ