Bảo vệ và phát huy di sản võ cổ truyền Bình Ðịnh

Bảo vệ và phát huy di sản võ cổ truyền Bình Ðịnh
3 giờ trướcBài gốc
Võ đường Phan Thọ (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) tổ chức đón khách du lịch nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu về võ đường. (Ảnh: Nguyễn Dũng)
Với chiều sâu lịch sử, văn hóa và triết lý sống, võ cổ truyền Bình Định không chỉ là một môn võ thuật, mà còn là kết tinh của tinh thần thượng võ, ý chí tự cường và văn hóa ứng xử cao đẹp của người Việt.
Ý thức được tầm quan trọng của di sản này, từ rất sớm, chính quyền và nhân dân Bình Định luôn nâng niu, bảo tồn, giữ gìn. Tỉnh đã ban hành và triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định.
Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí duy trì, trao truyền, phát triển các lò võ tiêu biểu, các câu lạc bộ võ thuật; tổ chức biên soạn và đưa võ cổ truyền vào truyền dạy trong trường học, tạo điều kiện để phát triển thể dục, thể thao phong trào, qua đó, tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ để kịp thời bồi dưỡng, đưa vào các đội tuyến của tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các ngành liên quan tổ chức khảo sát, sưu tầm các bài quyền, binh khí, chân dung các cố võ sư, võ sư tiêu biểu tại các võ đường trong và ngoài tỉnh; tổ chức thành công tám kỳ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, quảng bá, giới thiệu võ cổ truyền đến đông đảo công chúng.
Đặc biệt, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định”, tập hợp được ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể phục vụ cho việc hoàn thiện hồ sơ Võ cổ truyền Bình Định đệ trình UNESCO xem xét ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại hội thảo này, ông Frank Proschan, nguyên chuyên gia cao cấp của UNESCO tin rằng võ cổ truyền Bình Định có tiềm năng lan tỏa ra toàn cầu, trở thành một hình mẫu trong việc bảo tồn và phát triển di sản sống, đồng thời nhấn mạnh một trong những yếu tố then chốt là “trao quyền tự quyết cho cộng đồng” và duy trì tính bền vững của di sản qua các thế hệ.
Tuy nhiên, Tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa dân gian, nhà văn Trần Thị Huyền Trang cho rằng việc bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Những thay đổi của thời đại và nhu cầu xã hội đối với võ thuật có tác động sâu rộng đến việc phát triển đội ngũ kế thừa. Bên cạnh đó, nguồn tài liệu về võ cổ truyền chủ yếu mang tính truyền miệng, hạn chế về độ chính xác và đầy đủ.
Để phát huy giá trị di sản, GS.TS Weonmo Park - Giám đốc Trung tâm Mạng lưới và Thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể ở châu Á - Thái Bình Dương dưới sự bảo trợ của UNESCO (ICHCAP), nhấn mạnh “đối thoại và đổi mới là chìa khóa thành công trong hợp tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể”.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cũng khẳng định việc xây dựng hồ sơ ghi danh Võ cổ truyền Bình Định vào di sản UNESCO sẽ mang lại niềm tự hào lớn lao đi cùng với trách nhiệm bảo vệ và phát huy di sản một cách bền vững.
Với vai trò là cơ quan quản lý văn hóa, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, cộng đồng chủ thể, và các chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
PHƯƠNG LINH
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/bao-ve-va-phat-huy-di-san-vo-co-truyen-binh-inh-300357.html