Sau khi đổ bộ lần đầu vào thành phố Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông lúc khoảng 17h50 chiều ngày 20/7, theo cơ quan khí tượng tỉnh này, bão Wipha tiếp tục đổ bộ lần hai vào bờ biển đảo Hải Lăng, thành phố Dương Giang vào khoảng 20h15 cùng ngày với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm từ cấp 12 xuống cấp 10.
Các phương tiện di chuyển trên đường phố Thâm Quyến ngày 20/7. Ảnh: Tân Hoa xã
Sáng 21/7, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc tiếp tục duy trì cảnh báo bão màu vàng và cảnh báo mưa lớn màu cam, mức nghiêm trọng thứ 3 và thứ 2 trong 4 cấp theo màu. Theo dự báo của cơ quan này, sau khi bão đổ bộ, mưa lớn sẽ tấn công nhiều tỉnh ở Trung Quốc trong 24h tới, nhất là các tỉnh miền Đông và miền Nam.
Cơ quan khí tượng tỉnh Quảng Đông cho biết, thời điểm mưa lớn chính tại đây sẽ từ đêm Chủ nhật đến thứ Hai. Dự kiến sẽ có mưa to đến rất to ở phía Tây Quảng Đông và các huyện thị phía Nam Đồng bằng sông Châu Giang.
10 đoàn công tác đã được tỉnh này cử đến các thành phố trọng điểm để chỉ đạo các nỗ lực phòng chống bão. Bốn thành phố - Châu Hải (Chu Hải), Dương Giang, Giang Môn và Mậu Danh - cùng 15 quận, huyện đã kích hoạt ứng phó khẩn cấp phòng chống bão cấp độ I. Tính đến 13h ngày 20/7, 669.162 người đã được sơ tán trên toàn tỉnh Quảng Đông.
Mưa lớn gây ngập lụt ở Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc ngày 20/7. Ảnh: Tân Hoa xã
Trước đó, các chuyên gia khí tượng từng dự báo, bão Wipha có thể đổ bộ vào Quảng Đông nhiều lần, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng về gió mạnh và mưa lớn.
Các chuyên gia khí tượng cũng cho biết, việc cơn bão đổ bộ không có đồng nghĩa với mối nguy hiểm đã qua. Không giống hầu hết các cơn bão sẽ suy yếu nhanh chóng sau khi đổ bộ, Wipha sẽ tiếp tục “lướt qua” bờ biển và di chuyển về phía Tây với cường độ tăng trở lại. Do đó, ngay cả khi bão đã đổ bộ, mối đe dọa của gió mạnh và mưa lớn vẫn chưa được loại bỏ.
Theo ông Tín Hân (Xin Xin), chuyên gia trưởng về phân tích khí tượng của mạng Thời tiết Trung Quốc, khu vực gió mạnh sẽ chủ yếu ở vịnh Bắc Bộ trong ngày 21 và 22/7, do tốc độ di chuyển của bão chậm lại nên gió mạnh ở vịnh Bắc Bộ có thể kéo dài tới hai ngày.
Trong khi đó, theo thông tin trên tài khoản WeChat chính thức của Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc, Ủy ban Phòng chống, Giảm nhẹ và Cứu trợ Thiên tai Quốc gia nước này ngày 20/7 đã kích hoạt ứng phó khẩn cấp cứu trợ thiên tai cấp độ IV cấp quốc gia trước ảnh hưởng nghiêm trọng của bão Wipha tại Quảng Đông, đồng thời cử một nhóm công tác đến kiểm tra tình hình, hướng dẫn và hỗ trợ chính quyền địa phương cứu trợ thiên tai.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh