Dự báo, cường độ của bão Wipha (bão số 3) tiếp tục mạnh lên và dự kiến đổ bộ vào vùng ven biển miền Bắc Việt Nam trong ngày 22/7. (Nguồn: NCHMF)
Theo cơ quan này, bão Wipha đã đổ bộ vào vùng ven biển đảo Hải Lăng, thành phố Dương Giang, tỉnh Quảng Đông vào lúc 20h15 ngày 20/7. Khi đổ bộ, sức gió lớn nhất gần tâm bão đạt cấp 10 (90km/h), áp suất thấp nhất tại tâm bão là 980 hPa.
Sau khi đổ bộ, Wipha suy yếu xuống cấp bão nhiệt đới tại địa bàn thành phố Liêm Giang, tỉnh Quảng Đông. Vào lúc 5h ngày 21/7, tâm bão ở tại Liêm Giang, với sức gió lớn nhất đạt cấp 8 (72km/h), áp suất tại tâm là 982 hPa.
Dự báo, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây chếch Nam, mỗi giờ đi được từ 15-20km và sẽ tiến vào vùng biển vịnh Bắc Bộ vào sáng 21/7.
Cường độ của bão tiếp tục mạnh lên và dự kiến đổ bộ vào vùng ven biển miền Bắc Việt Nam trong ngày 22/7 với cấp độ bão nhiệt đới mạnh (cấp 10-11, 90-108km/h).
Trung tâm này tiếp tục phát đi cảnh báo màu cam về mưa to đến rất to tại nhiều khu vực như Trung - Đông và Tây Nam tỉnh Quảng Đông, Hong Kong (Trung Quốc), Macao, đảo Hải Nam, phía Nam và phía Tây tỉnh Quảng Tây...
Trong đó, một số khu vực như bán đảo Lôi Châu của tỉnh Quảng Đông, Trung - Tây và phía Bắc đảo Hải Nam, vùng ven biển phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây, Đông Nam tỉnh Liêu Ninh, phía Bắc tỉnh Sơn Đông sẽ xuất hiện mưa rất to.
Cục bộ tại Tây Bắc đảo Hải Nam có thể xảy ra mưa đặc biệt lớn với lượng mưa từ 250-320mm. Một số nơi còn xảy ra giông, gió giật mạnh và các hình thái thời tiết đối lưu nguy hiểm khác.
Trung tâm Khí tượng trung ương trung Quốc cảnh báo, chính quyền và các cơ quan liên quan cần thực hiện đầy đủ công tác ứng phó khẩn cấp phòng chống mưa lớn.
Cắt nguồn điện ngoài trời nguy hiểm, tạm dừng các hoạt động ngoài trời. Các đơn vị nằm trong vùng nguy hiểm cần tạm dừng việc dạy học, dừng làm việc và có biện pháp chuyên biệt để bảo đảm an toàn cho học sinh, trẻ nhỏ và người đi làm đã có mặt tại trường/nơi làm việc.
Tăng cường công tác thoát nước cho khu vực thành thị và nông nghiệp, đề phòng các thảm họa có thể phát sinh như lũ quét, sạt lở đất.
Ngày 20/7, Ủy ban Quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai Trung Quốc cũng kích hoạt phản ứng khẩn cấp cấp quốc gia nhằm đối phó với ảnh hưởng nghiêm trọng do bão Wipha gây ra tại tỉnh Quảng Đông.
Một tổ công tác được cử đến khu vực thiên tai để khảo sát trực tiếp tình hình, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc bảo đảm cuộc sống cơ bản cho người dân vùng bị ảnh hưởng, cũng như thực hiện công tác cứu trợ thiên tai.
(theo TTXVN)