Ảnh: Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia trong bản tin lúc 8h sáng 22/7
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 10h sáng nay (22/7), vị trí tâm bão số 3, có tên quốc tế là Wipha, ở khoảng 20.2 độ Vĩ Bắc; 106.4 độ Kinh Đông, nằm trên đất liền ven biển giữa Hưng Yên và Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9, tương đương 62-88 km/h, giật cấp 11.
Dự báo, trong 3 giờ tới, bão Wipha di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10-15 km/h và dự kiến suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trong tối cùng ngày.
Tại các điểm đảo và khu vực ven biển, gió giật mạnh đã được ghi nhận sáng nay: Bạch Long Vĩ hứng gió cấp 10, giật cấp 12; Cô Tô cấp 8, giật cấp 11; Cửa Ông cấp 9, giật cấp 12; Bãi Cháy và Quảng Hà đều có gió mạnh cấp 8. Sâu trong đất liền, các địa phương như Thái Bình, Phủ Liễn và Móng Cái cũng ghi nhận gió giật cấp 8–9.
Mưa lớn lan rộng từ đồng bằng Bắc Bộ đến Nghệ An. Lượng mưa phổ biến 70–150 mm, nhiều nơi vượt ngưỡng 200 mm. Từ ngày 22 đến 23/7, khu vực này tiếp tục hứng mưa to đến rất to, cường suất có nơi vượt 150 mm trong 3 giờ. Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại các vùng núi và ngập úng ở vùng trũng thấp được đưa ra với mức độ nguy cơ cao.
Trên biển, sóng cao 3–5 m, biển động rất mạnh tại bắc vịnh Bắc Bộ, đặc biệt ở các khu vực như Hòn Dấu, Bạch Long Vĩ và đảo Cát Bà. Tại nam vịnh Bắc Bộ, sóng biển cao đến 4 m, gió giật cấp 11. Nước dâng do bão tại các cửa sông và ven biển từ Hưng Yên đến Quảng Ninh ở mức 0,5–1 m, khiến mực nước tại các trạm đo như Hòn Dấu, Ba Lạt, Cửa Ông lên cao bất thường, chạm ngưỡng 4–5 m.
Cơ quan khí tượng cảnh báo các hoạt động trên biển và ven biển không an toàn. Tàu thuyền, lồng bè, công trình ven bờ có nguy cơ bị phá hủy do gió mạnh, sóng lớn và triều cường. Trên đất liền, gió giật cấp 9 có thể làm gãy đổ cây xanh, tốc mái nhà và gây thiệt hại cho hệ thống hạ tầng tại nhiều địa phương.
Đến 19 giờ cùng ngày, tâm áp thấp nhiệt đới được dự báo nằm trên đất liền giữa Hải Phòng và Thanh Hóa, với sức gió giảm còn cấp 6, giật cấp 8. Trong 24 giờ tới, hoàn lưu bão Wipha sẽ tiếp tục gây mưa diện rộng trước khi tan dần trên khu vực Thượng Lào.
Chính quyền các địa phương đã kích hoạt phương án ứng phó, yêu cầu tàu thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn và sẵn sàng phương án sơ tán dân ở vùng nguy hiểm. Dự báo thời tiết cho thấy đợt mưa lớn kéo dài đến hết ngày mai, khiến rủi ro thiên tai tiếp tục ở mức cao tại nhiều khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Các địa phương ven biển và nội địa chịu ảnh hưởng rõ rệt. Tại Quảng Ninh, gió giật cấp 12, cây xanh gãy đổ, mái tôn và biển quảng cáo bị lật hư hỏng, chắn ngang lòng đường gây nguy cơ tai nạn và cản trở cứu hộ.
Ghi nhận tại toàn bộ 54 xã, phường, đặc khu trong tỉnh cho thấy chưa có thiệt hại lớn. Từ 4 giờ sáng, lực lượng PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh đã chia nhiều mũi phối hợp xử lý hàng chục điểm có cây đổ, giải phóng các tuyến đường trọng yếu, nhất là khu vực dân cư, bệnh viện, trường học.
Một số xã, phường bị mất điện cục bộ, việc khắc phục đang được triển khai khi thời tiết cho phép. Một số điểm có sạt lở nhẹ đã được khoanh vùng, rào chắn.
Trên các tuyến quốc lộ 18, 279, 18C và tỉnh lộ 326, sạt lở taluy dương làm tràn đất ra mặt đường với khối lượng khoảng 900m3. Các đơn vị chức năng đang khẩn trương dọn dẹp.
Cầu Bãi Cháy bị cấm xe máy và xe thô sơ từ 21h30 hôm qua do gió mạnh cấp 6, lực lượng chức năng bố trí xe tải trung chuyển, đến 7h40 sáng nay phương tiện được lưu thông trở lại. Tình trạng ngập sâu tại tỉnh lộ 326 cũng đã rút, giao thông thông suốt.
Tại Hải Phòng, phường Đồ Sơn báo cáo 100% tàu thuyền đã được đưa vào nơi tránh trú an toàn. Tổng số du khách còn lưu trú tại các cơ sở là 1.335 người, trong đó có 55 người nước ngoài. Thành phố hiện có hơn 19.700 người sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, cần theo dõi sát diễn biến bão Wipha.
Đặc khu Cát Hải vẫn còn khoảng 280 khách du lịch đang lưu lại, trong đó có 84 khách quốc tế. Tất cả 75 vị trí đê điều xung yếu đã được lên phương án bảo vệ, lực lượng và vật tư ứng phó thiên tai được bố trí sẵn sàng.
Tại Ninh Bình, ngành du lịch đã tạm dừng toàn bộ hoạt động đón khách bằng phương tiện đường thủy nội địa từ 13h ngày 21/7. Các khu du lịch như Tràng An, Tam Cốc, Thung Nham, Vân Long… đã triển khai neo đậu tàu thuyền, kiểm tra thiết bị cứu sinh và phối hợp với lực lượng chức năng bảo đảm an toàn. Du khách và đơn vị lữ hành được hướng dẫn di chuyển, nghỉ dưỡng tại khu vực an toàn cho đến khi có thông báo mới.
Tại Hà Nội, từ khoảng 9h sáng, trời bắt đầu có mưa lớn, đường phố vắng người, nhiều ngã tư đã có lực lượng ứng trực để xử lý ngập.
Lượng mưa đo được từ 7h sáng 21/7 đến 7h hôm nay phổ biến từ 20–40 mm, dự báo hôm nay và ngày mai có thể vượt 100 mm ở một số nơi. Gió giật cấp 7–8 tại trung tâm thành phố gây nguy cơ gãy cây, hư hại nhà cửa và công trình công cộng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội hôm qua đã có công điện yêu cầu lãnh đạo phường, xã tổ chức kiểm soát đi lại, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường khi bão đổ bộ và tránh giông lốc trước bão. Địa phương chủ động rà soát khu dân cư, tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu.
Nhật Hạ