Ứng phó bão Wipha theo phương châm “4 tại chỗ”
NCHMF dự báo đến 13h ngày 21/7, bão ở khoảng 20,8°N; 108,9°E, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ. Cường độ cấp 11–12, giật cấp 15; đến 13h ngày 22/7: Bão ở khoảng 20,2°N; 106,6°E, trên vùng ven biển Quảng Ninh – Thanh Hóa. Cường độ cấp 10–11, giật cấp 14; đến 13h ngày 23/7: Trên khu vực Thượng Lào, suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Sẵn sàng nhân lực cứu trợ y tế. ảnh: CDC Quảng Ninh
Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông: Gió mạnh cấp 8–10, vùng gần tâm bão cấp 11–12, giật cấp 15. Sóng cao 5,0–7,0m, biển động dữ dội; Bắc vịnh Bắc Bộ (Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Hòn Dấu): Gió mạnh cấp 6–7, tăng lên cấp 8–9, vùng gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14. Sóng cao 3,0–5,0m; Nam vịnh Bắc Bộ (Hòn Ngư): Gió mạnh cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8–9, giật cấp 11. Sóng cao 2,0–4,0m.
NCHMF khuyến cáo, tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao gặp dông, lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn. Vùng ven biển Hải Phòng – Quảng Ninh có nguy cơ ngập úng do nước dâng bão từ 0,5–1,0m, tổng mực nước 4,0–5,0m vào trưa – chiều 22/7. Từ tối và đêm 21/7, ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7–9, gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14. Trong đất liền gió cấp 6–7, giật cấp 8–9. Từ 21–23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An mưa to đến rất to (200–350mm, có nơi >600mm). Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa vừa – to (100–200mm, có nơi >300mm).
Trước đó, tại cuộc họp nhằm ứng phó với bão Wipha, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” và coi ứng phó với bão Wipha là cơ hội để kiểm nghiệm khả năng chỉ huy, vận hành tại cấp xã. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã gửi tin nhắn Zalo tới 29 triệu thuê bao để hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Tại Hà Nội, trên cơ sở nội dung chỉ đạo tại các văn bản, cuộc họp của Trung ương và thành phố, các sở, ban, ngành đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo ứng phó với bão số 3 theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách. UBND Thành phố đề nghị, UBND các xã, phường đã chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó bão, bao gồm chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để xử lý tình huống khẩn cấp; tuyên truyền và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh bão, ứng trực, tổ chức, sẵn sàng ứng phó khẩn cấp ứng phó với bão số 3.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã ban hành Công điện số 3920/CĐ-EVNNPT yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão Wipha.
Theo đó, các đơn vị cần khẩn trương thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 4665/CĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cùng Công điện số 5305/CĐ-BCT của Bộ Công thương và Công điện số 4498/CĐ-BNNMT của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Các công ty truyền tải điện được yêu cầu tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến của bão, tuyệt đối không được chủ quan, đồng thời tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó và khắc phục ảnh hưởng của thiên tai.
Đối với các Ban Quản lý dự án, EVNNPT yêu cầu kiểm tra công trường, theo dõi diễn biến thiên tai, tổ chức ứng phó đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị; yêu cầu các nhà thầu kiểm tra hệ thống thoát nước, khơi thông dòng chảy, che chắn tránh ngập úng, sạt trượt. Các đơn vị cần chuẩn bị sẵn sàng phương án, nguồn lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện để kịp thời xử lý sự cố và thiệt hại nếu có, đảm bảo an toàn cho người, tài sản và hệ thống truyền tải điện... T.X
Sẵn sàng nhân lực y tế và thuốc
Để chủ động ứng phó với bão số 3, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung khẩn trương thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia và Bộ Y tế về việc chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân.
Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa, lũ, thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các phương tiện thông tin đại chúng; chủ động rà soát kế hoạch, phương án phòng chống bão lũ và triển khai công tác phòng, chống, ứng phó bão lũ phù hợp với diễn biến thiên tai, yêu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị.
Trong trường hợp bão ảnh hưởng đến đất liền, các đơn vị tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra; không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; bảo đảm cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ; chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.
Cần hành động khẩn cấp, ứng phó hiệu quả
Ngay sau khi trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường vụ lật tàu QN 7105 tại Quảng Ninh, sáng 20/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, địa phương để ứng phó với bão số 3.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc tới gia đình các nạn nhân bị thiệt hại trong vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Mặc dù triển khai các biện pháp cứu hộ trong điều kiện rất khó khăn, đến nay, các lực lượng chức năng đã cơ bản hoàn thành công tác trục vớt tàu và tìm kiếm nạn nhân nhưng vẫn còn một số trường hợp mất tích. Các lực lượng chức năng đang tích cực huy động nhân lực, phương tiện nhằm tiếp tục tìm kiếm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nguyên nhân của hiện tượng mưa dông mạnh chiều 19/7 ở Bắc Bộ và vịnh Bắc Bộ là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu khu vực Bắc Bộ, kết hợp với điều kiện nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ tăng cao trong 3 ngày qua (hoàn lưu bão số 3 chưa ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ).
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuyên môn đánh giá chính xác quy mô, cường độ, phạm vi ảnh hưởng của bão. Hiện nay, theo nhận định, bão có thể ảnh hưởng tới khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, thậm chí còn rộng hơn do tác động của hoàn lưu sau bão.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Phó Thủ tướng yêu cầu cần huy động đầy đủ lực lượng Trung ương và địa phương, thống nhất hành động khẩn cấp để kịp thời phòng, tránh và ứng phó hiệu quả với bão.
Phó Thủ tướng lưu ý sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, các tỉnh, TP cần rà soát và đánh giá thực chất mức độ sẵn sàng ứng phó thiên tai, đặc biệt là trước cơn bão sắp tới, nhằm bảo đảm bộ máy sau sáp nhập hoạt động hiệu quả, đồng bộ trên mọi lĩnh vực, trong đó có công tác phòng, chống lụt bão. P.V
Thái Nhung - Minh Quang