Bắt đầu sưu tầm hiện vật liên quan đến đời sống Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh từ năm 1993, khi là chàng thanh niên 20 tuổi, đến nay anh Huỳnh Minh Hiệp (tên thân mật là Hai Lúa) đã có hơn 30 năm đam mê cùng cổ vật. Anh là kỷ lục gia với 7 kỷ lục được công nhận; được biết đến là người lưu giữ ký ức Sài Gòn xưa, với hàng ngàn hiện vật phản ánh thăng trầm của lịch sử dân tộc.
“Ông chủ” của hơn 1.000 tờ báo
Trong số những hiện vật sưu tầm được, anh Hiệp luôn nâng niu bộ sưu tập hơn 1.000 tờ báo, gồm cả nhật báo, tuần san, nguyệt san, bán nguyệt san và báo xuân. Tính riêng các báo xuất bản tại Sài Gòn đã có hơn 100 loại. Hầu hết trong số này có tuổi đời hàng chục năm. Tờ báo cổ xưa nhất là Gia Định báo xuất bản ngày 2-9-1890, cách đây 135 năm.
Anh Hiệp công tác ở Trung tâm UNESCO nghiên cứu, bảo tồn cổ vật Việt Nam đến nay đã 20 năm. Có dịp gặp gỡ, giao lưu với rất nhiều nhà sưu tập, nhà nghiên cứu nên rất thuận lợi cho anh trong tìm kiếm các tờ báo, hiện vật của Sài Gòn xưa. Vậy nhưng, để có hơn 1.000 tờ báo như hiện nay, anh cũng phải nhờ đến chữ “duyên” mới sở hữu được.
Anh Huỳnh Minh Hiệp chia sẻ niềm đam mê sưu tầm báo xưa với các bạn sinh viên Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh
Lật giở từng tờ báo, anh Hiệp kể về “nghề chơi cũng lắm công phu” của mình: “Những tờ báo đầu tiên như Gia Định báo của Trương Vĩnh Ký rất khó tìm và tôi chỉ mới tìm được khoảng vài năm nay. Những tờ báo cách mạng tôi cũng đặc biệt tìm kiếm, nhưng rất khó vì chất liệu giấy giòn, dễ hư. Những tờ báo này chủ yếu trong tay các nhà sưu tập, nhà nghiên cứu lâu năm, không dễ thuyết phục họ nhượng lại cho mình. Có những tờ báo phải đi mấy tháng, thậm chí mấy năm mới thuyết phục được, vì họ cũng như mình, cũng muốn giữ lại lịch sử về ngành báo chí rất là quý. Những tờ báo này có duyên mới gặp được!”.
Ngoài tờ Gia Định báo, anh Hiệp rất tâm đắc với tờ Tiếng dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút, xuất bản tại Huế trong giai đoạn 1927-1946. Tờ Tiếng dân mà anh đang lưu giữ in năm 1934, nay cũng hơn 90 năm tuổi.
“Tờ Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng rất hiếm. Tôi đi tìm rất khó khăn. May mắn tôi gặp người bạn - Tiến sĩ Trần Đình Hằng - công tác tại Viện Trao đổi văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Khi biết tôi sưu tầm báo chí cách mạng, anh Hằng đã tặng lại cho tôi. Rất là trân quý!”.
Nhà sưu tập HUỲNH MINH HIỆP
Nơi thời gian dừng lại
Nền báo chí cách mạng Việt Nam do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện từ khi ra đời đến nay đã tròn 100 năm. Trong những năm tháng đấu tranh cách mạng, báo chí đã trở thành vũ khí tuyên truyền, cổ động tinh thần chiến đấu của dân chúng. Trên trang nhất của nhiều tờ báo đã thể hiện rõ tôn chỉ, mục đích rất rõ ràng, như một tuyên ngôn về quyền tự chủ. Điển hình như báo Nước nhà với “Chánh quyền Nam bộ phải về người Việt Nam”, hay Việt bút tân văn với “Dân tộc Việt Nam chỉ muốn tự do và độc lập. Thuyết phân ly và chánh thể tự trị không còn hợp thời nữa”, còn Tiếng dân với “Cái gì có hợp lẽ mới được lâu bền”… Báo chí đã trở thành loại vũ khí sắc bén của các nhà cách mạng, nhà hoạt động chính trị - xã hội trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.
Những tờ báo xưa ố màu, nhiều tờ không còn nguyên vẹn, nhiều chữ đã nhòe không còn đọc rõ nội dung, nhưng giá trị của một thời xưa cũ vẫn còn nguyên vẹn. Ẩn chứa trong những trang báo cũ kỹ, hoen màu đó còn là đời sống đầy sôi động của thành phố Sài Gòn một thuở. Lật mở từng trang báo như mở từng cánh cửa, đưa người đọc ngược về những năm tháng mà báo chí - món ăn tinh thần của cư dân đô thị, luôn được chào đón.
Tờ báo Tiếng dân xuất bản năm 1934, nằm trong bộ sưu tập của anh Huỳnh Minh Hiệp do TS. Trần Đình Hằng trao tặng
Những bài báo không chỉ có thông tin chính trị mà còn là nơi giáo dục đạo đức, tri thức, kinh tế, văn hóa nghệ thuật cho nhân dân. Trên những trang báo còn có quảng cáo những sản phẩm phục vụ tiêu dùng với ngôn ngữ mộc mạc, đậm chất đời thường, ai đọc qua cũng hiểu. Điển hình trên báo Lục tỉnh tân văn, quảng cáo thuốc nước Nhị thiên đường: “Người nào tóc xấu mà ít nên mua nó mà xức cho thường thì tóc sẽ được đen huyền, dài mà tốt lắm…”, quảng bá tờ "Nông - Công - Thương" rất ấn tượng: “Đọc báo mà không đọc tờ "Nông - Công - Thương" là người chưa từng đọc báo”...
Bản thân mỗi tờ báo đã là một giá trị lịch sử. Trên báo xưa có những hình vẽ, hình ảnh mô tả lại đời sống của người dân miền Nam rất sinh động. Qua mỗi tờ báo mình có thể khai thác, tìm hiểu được nhiều câu chuyện, biết được những gì đã diễn ra hàng chục, thậm chí cả trăm năm trước.
Ông MAI PHƯỚC LÂM, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm - Trưng bày, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Sở hữu số lượng báo lên đến cả ngàn tờ, nhưng anh Hiệp nhớ vanh vách đặc điểm, năm xuất bản của từng tờ. “Qua những tờ báo, tôi biết hơn về truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc trải qua từng giai đoạn lịch sử từ thời Pháp thuộc. Những tờ báo như Lạc Việt, Đoàn kết, Cứu quốc… đặc biệt ở Huế có tờ Tiếng dân, mang giá trị lịch sử cả dân tộc. Năm nay, kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, tôi sẽ phối hợp với Bảo tàng thành phố trưng bày bộ sưu tập báo chí của Sài Gòn, những tờ báo đầu tiên như Gia Định báo...” - anh Hiệp chia sẻ về dự định sắp tới.
Báo xưa - giá trị cho mai sau
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân từng khẳng định: “Báo chí là lịch sử của những cái hằng ngày. Cái hằng ngày luôn luôn diễn ra mà cái hôm nay không lặp lại tờ báo hôm qua, nó lưu giữ cái hằng ngày của hôm qua và cho đến 100 năm sau, 1.000 năm sau vẫn còn nguyên giá trị thông tin nếu muốn tìm lại”. Bộ sưu tập những tờ báo xưa cũ thuộc nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước mà anh Hiệp đang lưu giữ là như vậy! Bởi thông tin trên báo không chỉ giúp anh và công chúng quan tâm hiểu thêm về đời sống kinh tế, chính trị thời đó, mà còn là tài liệu quý giá cho sinh viên ngành báo chí. Đặc biệt, ngay cả những người đang làm nghề báo đều học hỏi, kế thừa được rất nhiều từ những trang báo đã nhuốm màu thời gian này.
Tiếp cận những tờ báo xưa, nhà báo Minh Hạnh, công tác tại Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh bày tỏ: "Ấn tượng lớn nhất của mình chính là công nghệ làm báo và nội dung. Về công nghệ, từ thời đó nét mực in tới nay còn rất rõ ràng. Đến giai đoạn sau này, khi báo đã có ảnh rồi, có màu rồi thì đến nay màu đó vẫn sắc nét, ảnh rất đẹp. Còn về nội dung, gần như được cập nhật rất nhanh chứ không như chúng ta nghĩ nội dung phụ thuộc vào công nghệ in ấn mà không thể cập nhật được. Cách làm báo của ngày xưa đến bây giờ những người làm báo như mình vẫn phải học".
Với các bạn sinh viên, không chỉ sinh viên báo chí mà các ngành học khác cũng không khỏi ngạc nhiên khi tiếp cận bộ sưu tập những tờ báo xưa của anh Hiệp.
“Khi nhìn thấy những tờ báo của nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp, em rất tự hào về lịch sử báo chí Việt Nam. Càng khâm phục hơn khi những tờ báo được giữ gìn kỹ lưỡng đến nay” - sinh viên Lê Thị Tuyết Nhi, Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Không chỉ vậy, một số tờ báo xưa của anh Hiệp còn được lựa chọn, trở thành đạo cụ ghi hình trong phim Y Vân - The Lost Sounds Of Saigon của đạo diễn Khoa Hà và phim “Chớp bóng” của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh.
“Đã là cổ vật thì càng để lâu càng có giá trị. Báo chí cũng không ngoại lệ. Không chỉ 10 năm, 20 năm mà thậm chí cả trăm năm sau, báo chí luôn là nguồn cứ liệu quan trọng, cung cấp thông tin chân thật. Muốn biết đời sống ngày xưa như thế nào thì tìm trên báo là đáng tin cậy nhất. Đó là những câu chuyện thật vì báo in thì không thể làm giả được” - ông Mai Phước Lâm, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm - Trưng bày, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ khẳng định.
Nam Phương