Đào, quất khan hiếm
Theo dự báo của các chủ vườn, thị trường hoa đào, quất và các loại hoa Tết 2025 sẽ biến động lớn về giá, vì nguồn cung bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra. Giá đào, quất, hoa tươi Tết 2025 được dự báo sẽ tăng 20% - 30% so với năm trước.
Thời điểm này, các nhà vườn ở Hà Nội đang tất bật chuẩn bị hoàn thiện các khâu cuối cùng để đưa ra thị trường các loại đào, quất cảnh phục vụ thị trường Tết.
Nhưng siêu bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào khu vực miền Bắc hồi tháng 9 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo ước tính của chính quyền địa phương, khoảng 30% - 40% diện tích cây trồng tại các vườn đào, quất ở các phường Nhật Tân, Phú Thượng, Tứ Liên, quận Tây Hồ (TP.Hà Nội) bị thiệt hại nặng nề bởi bão số 3.
Thị trường hoa đào, quất năm nay sẽ khan hiếm.
Đáng chú ý, 105ha trồng đào trên địa bàn quận đã bị ngập do mưa lũ, thiệt hại khoảng 85,26 tỷ đồng. Trong đó, phường Nhật Tân bị ngập 80ha; phường Phú Thượng là 25ha. Bên cạnh đó, 20,6ha hoa màu cũng bị ngập lụt, thiệt hại khoảng 9,87 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở khu vực bãi trũng và bãi đá phường Nhật Tân.
Theo dự báo của các chủ vườn, thị trường hoa đào, quất và các loại hoa tết 2025 sẽ biến động lớn về giá, vì nguồn cung bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra. Giá đào, quất, hoa tươi Tết 2025 được dự báo sẽ tăng 20% - 30% so với năm trước.
Để khôi phục những vườn đào bị tàn phá, ngoài việc chăm sóc số ít cây đào còn sống sót, nhiều gia đình ở Nhật Tân đã bắt đầu trồng lại. Những cây đào con được mang từ Thanh Hóa, Phú Thọ về trồng, chờ khoảng ba, bốn tháng rồi ghép mắt đào Nhật Tân. Do nhu cầu trồng lại đào sau lũ lớn khiến giá cây giống tăng vọt, gấp 7 - 8 lần. Thậm chí, nhiều người không thể mua được vì nguồn cung hạn chế.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân trồng đào ở Nhật Tân, việc khôi phục từng gốc đào không chỉ tốn kém mà còn mất rất nhiều thời gian. Ít nhất ba năm nữa những cây đào con mới cho hoa, tức là đến năm 2026, người dân Nhật Tân mới có thể trở lại với mùa Tết như xưa.
PGS. Đặng Văn Đông, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hoa và cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau quả) cho rằng, Tết Nguyên đán năm nay thị trường Hà Nội chắc chắn sẽ thiếu hoa đào. Theo ông Đông, đợt mưa bão vừa qua hầu hết diện tích trồng đào tại Hà Nội và các vùng lân cận đều bị ngập nước, tỷ lệ chết rất cao.
Trong khi đó, đào rừng tại nhiều tỉnh thành phía Bắc cũng bị chết nhiều do mưa lũ. Để bù lại, chắc chắn lượng lớn hoa mai từ miền Nam chuyển ra để phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, giá hoa Tết cũng sẽ tăng do giá thành sản xuất mỗi năm một tăng, trong đó chủ yếu do chi phí phân bón, nhân công, thuốc trừ sâu… Cùng với đó giá phôi đào, công chăm sóc, phân bón cũng tăng. Do đó, anh nhận định giá đào Tết năm nay có thể sẽ tăng hơn năm ngoái một chút.
Hoa lan, hoa cúc vẫn dồi dào
Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, thống kê đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xuống giống 1.650 ha hoa các loại cho dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025; trong đó, diện tích hoa tập trung chủ yếu tại thành phố Đà Lạt và các vùng lân cận như huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà…, chưa kể số lượng hoa chậu ước khoảng 7 triệu chậu, với một số loại nổi bật như hoa chậu mini, lyly chậu nhiều màu, hoa lan hồ điệp đột biến để cung ứng cho khách hàng trong vụ hoa Tết sắp tới.
Ông Lê Văn Ky, giám đốc Hợp tác xã mai vàng Phú Hưng (Hậu Giang) cho biết mai vàng của Hợp tác xã mai vàng Phú Hưng không những được thị trường các tỉnh thành miền Tây mà các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Trung ưa chuộng do hoa đẹp, nở đều... vào dịp Tết. Theo thống kê, gần 80 thành viên của hợp tác xã đã chuẩn bị 18.000 - 20.000 chậu mai từ 5 - 10 năm tuổi phục vụ cho thị trường Tết Ất Tỵ 2025.
PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, nhu cầu tiêu dùng hoa lan hồ điệp ở nước ta rất lớn (khoảng 18 triệu cây/cành mỗi năm) nhưng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Thế mạnh của lan hồ điệp là không phụ thuộc vào thời tiết do được trồng trong nhà màng, chủ động điều khiển nhiệt độ, ánh sáng. Do vậy dự báo mùa Tết năm nay, thị trường lan hồ điệp vẫn dồi dào do nguồn cung lớn.
Chuyên gia lưu ý, lan hồ điệp Trung Quốc thường có giá khá rẻ, đẹp, cuốn hút khách mua ngay từ khi mới thoáng nhìn bởi dùng nhiều thuốc kích thích sinh trưởng, thúc cho cây phát triển nhanh, nở hoa sớm, rút ngắn thời gian từ trồng đến thu hoạch từ 20 tháng xuống còn 16 - 18 tháng nên giảm được chi phí điện năng và công lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên hoa lan hồ điệp nhập khẩu có nhược điểm độ bền sử dụng thấp, nhanh xuống sắc, các nụ hoa không nở hết, nhất là những nụ hoa ở ngọn cành hay bị mù vì chiều dài đường vận chuyển từ các vựa sản xuất lan hồ điệp về Việt Nam cần 3 - 5 ngày. Trong quá trình vận chuyển đó, cây hoa phải bao gói đóng hộp, xếp trong container, chất lượng bị suy giảm.
Trong khi đó, hoa lan hồ điệp sản xuất ở Lâm Đồng vận chuyển bằng máy bay trong ngày đã tới các vị trí tập kết cung ứng cho người tiêu dùng nên chất lượng hoa luôn tốt hơn hoa nhập khẩu.
"Một cành/cây lan hồ điệp đẹp, gốc cây phải có nhiều rễ, lá xanh dày, láng bóng, không tỳ vết sâu bệnh, trên cành có nhiều bông hoa và nụ hoa, trong đó có 2/3 số bông hoa đã nở, cánh hoa phải dày và đẹp, mang màu đặc trương của giống, độ bền chơi hoa kéo dài từ 2 tháng trở lên, đồng thời các nụ hoa trên cành đều phải nở hết, và phải được người tiêu dùng ưa chuộng", TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa và cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả) phân tích.
GS. TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh hoa lan Việt Nam nhận định, chúng ta rất có tiềm năng để phát triển hoa lan nói chung và hoa lan hồ điệp nói riêng. Chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu về nghiên cứu và sản xuất, tuy nhiên sự đầu tư của nhà nước còn rất hạn chế, nếu được quan tâm hơn nữa. Mỗi năm nhà nước dành khoảng 10 tỷ đồng đầu tư cho nghiên cứu và tạo cơ chế cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoa lan, thì chỉ sau 5 năm, chúng ta sẽ thành 1 trong những cường quốc xuất khẩu hoa lan.
Tô Hội