Cụ thể, qua công tác nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã phát hiện một đường dây tội phạm lợi dụng người dân có trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn để thu thập thông tin cá nhân. Các đối tượng này dùng thông tin thu thập được để lập hồ sơ vay vốn giả, đồng thời thông đồng với một số chuyên viên trong các tổ chức tín dụng nhằm chiếm đoạt tiền từ các tổ chức này. Đáng chú ý, nhiều người dân không được sử dụng số tiền vay nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với các khoản nợ do đứng tên.
Các đối tượng (từ trái sang phải, trên xuống dưới): Lưu Ngọc Thắm, Lê Nhựt Thủy, Lê Nguyễn Quốc Thành, Nguyễn Văn Lập, Lê Nguyên Chất, Phạm Dương Ngọc Nhã.
Dựa trên tài liệu và chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 13 đối tượng, bao gồm: Bùi Đình Trọng; Nguyễn Văn Lập; Lê Nguyên Chất; Lê Nguyễn Quốc Thành; Lê Nhựt Thủy; Ngô So Ny; Ngô Tường Phi; Phạm Bách Tùng; Phạm Dương Ngọc Nhã; Phạm Quốc Trường; Trần Hoàng Khang; Trần Thanh Tuấn; Lưu Thị Ngọc Thắm.
Các bị can đã cấu thành hành vi "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản", quy định tại khoản 4, Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Các đối tượng trong đường dây phạm tội bị khởi tố (từ trái sang phải, trên xuống dưới): Trần Thanh Tuấn, Ngô So Ny, Phạm Quốc Trường, Ngô Trường Phi, Phạm Bách Tùng, Bùi Đình Trọng, Trần Hoàng Khang.
Sau khi Viện KSND Tối cao (Vụ 5) phê chuẩn, Cơ quan CSĐT đã thi hành các quyết định và lệnh bắt giữ, đồng thời thu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án.
Cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can đã bị khởi tố. Đồng thời, mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng liên quan và tiến hành xác minh nhằm thu hồi triệt để tài sản đã bị chiếm đoạt, bảo vệ lợi ích cho Nhà nước và người dân.
Minh Đức