Bất an vì nguy cơ sạt lở

Bất an vì nguy cơ sạt lở
7 giờ trướcBài gốc
Sống trong lo lắng
Theo người dân địa phương, nỗi lo bị vùi lấp do sạt lở núi Các Sơn thực sự bắt đầu khi tuyến đường 13, nối quốc lộ 1A từ huyện Hà Trung đi huyện Nga Sơn, đoạn qua địa bàn thôn Đông Ninh, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung được nâng cấp và mở rộng. Để nhường đất cho dự án giao thông huyết mạch này, nhà cửa của nhiều hộ dân tại thôn Đông Ninh buộc phải lùi sâu vào sát chân núi đá. Nguy cơ đá lở không chỉ đe dọa trực tiếp tính mạng, tài sản của 5 hộ dân với trên 20 nhân khẩu trong thôn Đông Ninh mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác.
Núi Các Sơn tại thôn Đông Ninh, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Chung.
Theo quan sát của chúng tôi, khoảng cách từ tường nhà của các hộ dân đến chân núi chỉ vài mét, thậm chí có những hộ dân xây nhà tựa lưng vào vách núi. Phía bên trên là vách đá dựng đứng, với những tảng đá lớn nằm chênh vênh và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
Trong tâm trạng rất lo lắng, ông Lê Văn Thắng (một trong những hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở ngay dưới chân núi Các Sơn) cho biết: Gia đình có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, bản thân ông lại mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nên phải cố gắng dành dụm mới xây dựng được căn nhà kiên cố. Tuy nhiên, nguy cơ sạt lở đá luôn ám ảnh ông và 5 nhân khẩu khác trong gia đình. “Ở đây, không riêng gì gia đình tôi mà ai cũng sống trong tâm trạng lo sợ. Hôm nào trời có mưa lớn, kéo dài là mọi người đều phải thay phiên nhau nghe ngóng động tĩnh của ngọn núi… Rất mệt mỏi, nhưng do không có điều kiện chuyển đến sinh sống ở nơi khác nên chúng tôi đang phải chấp nhận ở lại nơi này” - ông Thắng chia sẻ.
Cùng có chung nỗi lo như ông Thắng, gia đình chị Lê Thị Tấn với 7 nhân khẩu, trong đó có 3 trẻ nhỏ, chị Tấn cho hay: Mấy năm trước, từng có công ty đưa máy múc, xe tải vào đào bới, xử lý ngọn núi để giảm thiểu nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, họ chỉ lấy đất đưa đi mà không quan tâm đến việc phải hạ sườn núi theo phương án giật cấp, tạo taluy đã khiến vách núi phía sau nhà chị trở nên dựng đứng và tiềm ẩn hiểm họa. “Chúng tôi mong chính quyền các cấp sớm kiểm tra và có biện pháp xử lý nguy cơ sạt lở ở đây. Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì bà con nhân dân trong thôn cũng chẳng biết phải làm cách nào” - chị Tấn nói.
Để giảm thiểu nguy cơ bị đất đá vùi lấp, các hộ dân ở đây đã phải trồng thêm nhiều cây lâu năm, tôn tạo thêm, làm hàng rào ngay phía sau nhà. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm bợ vì mấy ngày qua do có mưa lớn khiến nhiều tảng đá lăn xuống, xuyên qua hàng rào tự tạo, khiến người dân rất hoảng sợ.
Tìm phương án
Ông Nguyễn Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Yến Sơn, cho biết: Nguy cơ sạt lở đất đá ảnh hưởng đến đời sống người dân thôn Đông Ninh đã được cảnh báo nhiều năm qua. Trước đây, chính quyền xã đã có biện pháp xử lý nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ này vẫn luôn rình rập, đặc biệt trong mùa mưa bão. “Với phương châm đặt tính mạng và tài sản của người dân lên hàng đầu, chúng tôi sẽ trực tiếp kiểm tra, đánh giá và báo cáo lên cấp trên để xin phương án xử lý cụ thể trong thời gian tới” - ông Nhân khẳng định.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết: UBND huyện cũng đã nắm được tình hình, trước mắt, huyện đang yêu cầu chính quyền xã theo dõi sát sao, đồng thời phải cảnh báo người dân cũng như sẵn sàng di dời, sơ tán dân ngay nếu thấy cần thiết, trước khi có biện pháp xử lý triệt để, lâu dài.
Trong khi mùa mưa bão năm nay đang đến gần, nỗi lo bị vùi lấp của người dân thôn Đông Ninh cũng lớn dần lên khi nguy cơ sạt lở vẫn treo lơ lửng trên đầu. Hơn ai hết, họ khẩn thiết mong chờ sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng để kiểm tra, đưa ra phương án xử lý triệt để. Nếu không thể di dời, việc triển khai các biện pháp chống sạt lở là vô cùng cấp thiết, nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nguyễn Chung
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/bat-an-vi-nguy-co-sat-lo-10306244.html