Huyện lộ 72 là tuyến đường liên xã huyết mạch, nối xã Mỹ Hội với xã Hậu Mỹ Trinh của huyện Cái Bè. Điểm đầu giao với huyện lộ 71 (đầu chợ Mỹ Hội) và điểm cuối giao với đường tỉnh 869 (tại ngã ba Quan Cư) của xã Hậu Mỹ Trinh với lộ trình dài khoảng 10 km.
Người dân gần 2 cầu này bức xúc khi phải chứng kiến cảnh những cây cầu yếu, xuống cấp mà phải "gồng mình" chịu đựng những dòng xe tải nặng quá tải trọng cầu. Một ngày đêm có khoảng trên 100 lượt xe tải chạy qua cầu này.
Xe tải lưu thông qua cầu Thủ Ngữ.
Ông Nguyễn V.T., người dân ở địa phương cho biết, những cây cầu này được xây dựng cách đây cũng gần 30 năm; ban đầu chỉ để phục vụ cho việc đi lại của người dân địa phương và vận chuyển nông sản bằng các loại xe thô sơ, tải trọng nhỏ. Qua thời gian khai thác, những cây cầu này xuống cấp nghiêm trọng. Nhằm đảm bảo an toàn kết cấu của cầu trong khi chờ đợi các ngành chức năng nâng cấp, sửa chữa, UBND huyện Cái Bè cho gắn biển cảnh báo “cầu yếu” tại 2 đầu cầu Thủ Ngữ và Bà Rằng. Vậy mà, từ khi những nhà máy xay lúa, nhà máy lau bóng gạo, vựa nông sản “mọc” lên, người dân ấp Mỹ Thuận luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.
Ông Nguyễn V.T. chia sẻ, cầu chỉ hơn 3 tấn mà từ khi các nhà máy này "mọc" lên thì xe tải ra vô chở gạo, chở lúa với tải trọng cả chục tấn. Trong khi cầu đã được gắn bản cảnh báo “cầu yếu” nhưng xe tải vẫn chạy như thường. Bà con rất bức xúc, vì sợ sập cầu ảnh hưởng đến việc đi lại của học sinh; nhờ cấp trên nhanh chóng giải quyết để việc đi lại được an toàn.
Hằng ngày có trên 100 lượt xe tải chạy qua "cầu yếu" này.
Cũng bức xúc như ông T., ông Trần H. khẳng định, dòng xe tải nặng này là những xe chở lúa - gạo phục vụ cho các nhà máy gần cầu Cháy. Đoàn xe có hàng chục chiếc, toàn là xe tải nặng. Trong khi, cầu chỉ cho phép xe có tổng trọng tải dưới 3,5 tấn lưu thông. Việc bất chấp nguy hiểm để lưu thông qua cầu yếu của đoàn xe này đã tồn tại nhiều năm nhưng không thấy sự can thiệp, xử lý của chính quyền địa phương.
Ghi nhận thực tế tại hiện trường cho thấy, trên mặt cầu Thủ Ngữ và cầu Bà Rằng đã xuất hiện nhiều lỗ thủng rất rộng, chiếm hết 2/3 mặt cầu. Để khắc phục tạm thời, chính quyền và người dân địa phương đã dùng những tấm thép lớn để lắp lại những chỗ bị thủng cho xe qua lại.
Tuy nhiên, cũng chỉ tạm được ít ngày lại phải sửa tiếp vì lượng phương tiện qua lại quá nhiều, trong khi sức chịu đựng của những tấm thép này lại có giới hạn. Thêm vào đó, bề mặt của những tấm thép rất phẳng làm cho mặt cầu trở nên trơn trượt hơn mỗi khi trời mưa. Đã có rất nhiều trường hợp người dân bị té khi đi qua những tấm thép này.
Đã có rất nhiều trường hợp người dân bị té khi đi qua những tấm thép trên cầu Bà Rằng.
Đem những bức xúc của người dân ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hội phản ánh đến UBND huyện Cái Bè, chúng tôi được lãnh đạo huyện cho biết, tuyến đường này đang trong giai đoạn nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, việc hằng ngày có hàng chục lượt xe tải nặng vượt nhiều lần tải trọng cho phép của cầu đi qua thì huyện chưa nắm được thông tin. Lãnh đạo UBND huyện Cái Bè cũng cho biết thêm sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng tìm hiểu và có báo cáo cụ thể.
Cầu yếu, xuống cấp nhưng phải "gồng mình" chịu đựng xe tải nặng qua cầu.
Thực tế, tình trạng xe tải nặng vô tư chạy qua những cây cầu nhỏ, yếu không chỉ xảy ra trên huyện lộ 72, mà còn xảy ra ở nhiều nơi khác trên địa bàn huyện Cái Bè trong những năm qua.
Đơn cử, đêm 29-11-2020, tài xế điều khiển xe tải 8,8 tấn trên xe có chở 15 tấn lúa chạy qua cầu dân sinh Thiên Hộ, nối 2 xã Hậu Mỹ Bắc A và Hậu Mỹ Bắc B của huyện Cái Bè. Hậu quả đã làm cho cả cầu và xe đều rơi xuống sông, làm gián đoạn việc đi lại của người dân trong một thời gian dài.
Bài học sập cầu Thiên Hộ do xe tải gây ra vẫn còn đó. Đây không chỉ là vấn đề về giao thông, mà còn là ý thức và trách nhiệm của mỗi người. Đã đến lúc ngành chức năng địa phương cần phải quyết liệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh “mất bò mới lo làm chuồng”.
HÀ NAM