Theo Tờ Nikkei Asia, tập đoàn Lego đã mở trung tâm sản xuất thứ hai ở châu Á tại Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, nhấn mạnh sự chú trọng ngày càng tăng của nhà sản xuất đồ chơi Đan Mạch tới địa điểm sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro do chính sách thuế quan của Mỹ.
Tờ báo này cho biết, trong chuyến thăm cơ sở mới tại tỉnh Bình Dương nhân dịp khai trương ngày 9/4, CEO Lego Niels Christiansen đã xác nhận việc "xây dựng nhà máy tại Việt Nam là một lựa chọn rất đúng đắn", đồng thời nói thêm quan điểm này đã được xác nhận "nhiều lần" trong ba năm qua.
Tuyên bố của vị CEO này đưa ra cùng ngày mức thuế mà Tổng thống Donald Trump áp lên một số nước, trong đó có mức thuế lên tới 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, có hiệu lực. Mặc dù sau đó hầu hết các mức thuế đã tạm thời bị hoãn lại, mức thuế 10% vẫn được áp dụng.
Nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Việt Nam sẽ cung cấp sản phẩm cho các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản và Ấn Độ, những thị trường mà nhu cầu đối với các sản phẩm của Lego đang tăng lên. Đến nay, nhà sản xuất này đã vận chuyển hàng hóa đến các nước trên từ các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc. Riêng tại Mỹ, thị trường lớn nhất của Lego, công ty hiện chưa có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vận chuyển sản phẩm từ Mexico. Lego cũng đang xây dựng một nhà máy ở Virginia - nhà máy thứ bảy trên toàn thế giới - dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2027.
CEO Lego cho biết, tập đoàn "muốn sản xuất các sản phẩm ở những khu vực càng gần người tiêu dùng càng tốt". Nhưng điều này sẽ đi kèm chi phí gia tăng. Đến nay, công ty đã chi hơn 1 tỷ USD cho nhà máy Virginia và sau khi hoàn thành, tất nhiên sẽ mất thời gian để đào tạo công nhân và đưa hoạt động sản xuất đi vào ổn định.
Bên cạnh đó, các biện pháp bảo vệ môi trường cũng đang làm tăng chi phí của công ty. Nhà máy tại Việt Nam dự kiến sẽ trở thành nhà máy đầu tiên sử dụng 100% năng lượng tái tạo từ năm 2026, với 12.400 tấm pin mặt trời được lắp đặt tại địa điểm này.
Chi phí nhân công và khấu hao của Lego năm ngoái cao gấp ba lần tổng chi phí của một thập kỷ trước. Sự gia tăng này không được bù đắp hoàn toàn bởi doanh thu cao hơn, góp phần làm giảm 8,7 điểm trong biên lợi nhuận hoạt động trong cùng kỳ xuống còn 25,2%. Mặc dù vẫn còn cao, các cơ sở sản xuất mới có thể gây thêm áp lực lên thu nhập.
Mặc dù vậy, khi hoạt động thương mại tự do đang thu hẹp, công ty vẫn cam kết xây dựng mạng lưới cung ứng tập trung vào sản xuất tại địa phương để tiêu dùng tại địa phương nhằm giảm thiểu rủi ro.
Nhà máy Lego mới tại tỉnh Bình Dương, Việt Nam sẽ cung cấp cho các thị trường như Nhật Bản và Ấn Độ. (Tập đoàn Lego)
Tuy nhiên, Lego vẫn sẽ cảm nhận được tác động nếu thuế quan của Trump làm giảm nền kinh tế toàn cầu và tâm lý người tiêu dùng. Khoảng 70% sản lượng đồ chơi trên toàn thế giới được xử lý tại Trung Quốc - hiện đang phải đối mặt với tổng mức thuế bổ sung là 145% từ Mỹ - và con số đối với đồ chơi được phân phối tại Mỹ nói riêng được cho vào khoảng 80%.
Ông Greg Ahearn, Chủ tịch Hiệp hội Đồ chơi có trụ sở tại Mỹ, cho biết: "Thuế quan sẽ làm tăng giá đồ chơi" và "làm giảm việc làm trong ngành đồ chơi".
Riêng với Christiansen, vị CEO này cho biết "còn quá sớm để nói" mức thuế quan sẽ tác động đến ngành công nghiệp như thế nào. Doanh số của Lego đã tăng trong thời kỳ Covid-19 giúp công ty này hoạt động tốt hơn các đối thủ như Hasbro và Mattel. Việc thúc đẩy sản xuất tại địa phương có giúp công ty vượt qua được mức thuế quan của Tổng thống Trump hay không sẽ sớm có lời giải đáp.
(Theo Nikkei Asia)
Huỳnh Minh