Bất chấp khó khăn, gần 76.200 doanh nghiệp Việt Nam 'tái xuất'

Bất chấp khó khăn, gần 76.200 doanh nghiệp Việt Nam 'tái xuất'
7 giờ trướcBài gốc
Theo Tổng Cục Thống kê, năm 2024 kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh đó, tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường vẫn có những điểm sáng.
Cụ thể, năm 2024, cả nước có hơn 233,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với năm trước và gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân mỗi tháng có gần 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Nhà máy sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bão Yagi. Ảnh: H.MINH
Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay với gần 76,2 nghìn công ty. Doanh nghiệp quay lại hoạt động ở tất cả các ngành, nghề đều tăng so với năm 2023.
Cụ thể, ngành xây dựng có gần 9,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 29,9%. Ngành bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy có 27,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,1%. Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có 3,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,4%. Ngành kinh doanh bất động sản có hơn 3,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 42,2%. Các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đang xây dựng kế hoạch để đón nhận cơ hội sản xuất kinh doanh trong năm 2025.
Tổng cục Thống kê dự báo tình hình thế giới năm 2025 tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro với kinh tế toàn cầu. Trong nước, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Nguyên nhân là cộng đồng doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, sức chống chịu suy giảm đáng kể do chi phí tăng cao, sức mua chậm. Hoạt động đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng do hậu quả nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Theo Công điện 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, Tổng cục Thống kê kiến nghị cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp. Cụ thể, Nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong đó, cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về cá nhân kinh doanh theo hướng thừa nhận một bộ phận của kinh tế tư nhân tại Việt Nam thông qua việc bổ sung mô hình cá nhân kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác và các loại hình khác theo quy định, đặc biệt là các lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế trao đổi, chia sẻ, kết nối thông tin về doanh nghiệp giữa cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Chính phủ đã chỉ đạo cần có các giải pháp tăng cường kiểm soát, quản lý việc thành lập doanh nghiệp, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động để trốn thuế.
Vì vậy, việc chia sẻ thông tin tình hình hoạt động của doanh nghiệp là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nhận biết sớm rủi ro, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Đồng thời, việc này giúp Chính phủ có thông tin để xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
TÚ UYÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/bat-chap-kho-khan-gan-76200-doanh-nghiep-viet-nam-tai-xuat-post829511.html