Ngày 7/1, CBRE Việt Nam tổ chức sự kiện công bố báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam quý IV/2024, đồng thời đưa ra dự báo cho năm 2025. Sự kiện đã cung cấp cái nhìn toàn diện về các phân khúc như nhà ở, bán lẻ, văn phòng và bất động sản công nghiệp. Đặc biệt, phân khúc bất động sản công nghiệp nhận được sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư nhờ tiềm năng phát triển vượt bậc trong bối cảnh thị trường đang có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Kinh doanh Văn phòng và Bất động sản Công nghiệp tại CBRE Việt Nam, lĩnh vực bất động sản công nghiệp trong năm 2024 đã ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực. Với sức hút từ các công ty đa quốc gia trong các ngành như điện tử, ô tô và các ngành công nghiệp mới nổi, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Kinh doanh Văn phòng và Bất động sản Công nghiệp, CBRE Việt Nam, chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Việt Dũng)
Trong đó, miền Nam và miền Bắc vẫn là những khu vực dẫn đầu với tỷ lệ lấp đầy hơn 80%, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với giá thuê đất cao. Đáng chú ý, miền Trung như Nghệ An, Thanh Hóa, và các khu vực Nam Trung Bộ như Tây Nguyên đang nổi lên như những điểm đến thay thế với giá thuê đất cạnh tranh chỉ từ 50-90 USD/m2.
“Những chuyển biến này đang tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt khi khoảng cách giá thuê giữa Hà Nội và TP.HCM đã thu hẹp đáng kể – từ mức chênh lệch 50% cách đây 5 năm xuống còn 27-30% vào năm 2024”, ông Hiếu nói.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, tổng diện tích nhà máy cho thuê tại TP.HCM và Hà Nội đã vượt 1,2 triệu m2 vào năm 2024, con số cao nhất trong 3 năm qua. Trong khi đó, phân khúc kho bãi dù chưa đạt được mức tăng trưởng tương tự nhưng cũng ghi nhận mức hấp thụ ròng hơn 600.000 m2, với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 65% ở miền Bắc và gần 80% ở miền Nam.
Hoạt động mua bán & sáp nhập (M&A) cũng trở thành xu hướng nổi bật, khi các nhà đầu tư lựa chọn hình thức này để gia nhập hoặc mở rộng thị trường. Những thương vụ tiêu biểu bao gồm Tập đoàn ESR mua lại phần còn lại của LOGOS, đẩy nhanh quá trình hợp nhất hoàn toàn, hay các nhà phát triển Nhật Bản đầu tư mạnh vào GLB và SLB.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng với các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, đường vành đai 3, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Tại miền Bắc, các tuyến đường sắt kết nối Hà Nội, Hải Phòng, và biên giới phía Bắc cũng đang được mở rộng, tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới… điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tác động đến thị trường bất động sản công nghiệp. Đặc biệt với các quy trình cấp phép và hoạt động hậu cấp phép được cải thiện trong năm 2025.
Theo ông Hiếu, xu hướng thị trường trong năm 2025 sẽ chịu tác động bởi 3 yếu tố chính. Đầu tiên là cơ hội và thách thức khi Chính quyền Trump 2.0 nắm quyền. Khả năng Mỹ áp thuế bổ sung lên Trung Quốc và Việt Nam, điều này có thể tác động trực tiếp đến lĩnh vực công nghiệp Việt Nam.
Tiếp đến là việc cải cách quản lý hành chính, việc tinh gọn các bộ ngành và cơ quan chính phủ sẽ tác động đến quy trình cấp phép và sau cấp phép đối với khách thuê. Cuối cùng là yếu tố liên quan đến Luật đất đai mới, các điều chỉnh trong luật đất đai dự kiến sẽ mang lại cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức mới cho các nhà đầu tư.
Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp, ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh Công ty cổ phần Long Hậu cho biết, hiện tại, các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, trong khi những sản phẩm dành cho xuất khẩu toàn cầu đã được dịch chuyển sang các quốc gia khác. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút những ngành sản xuất có giá trị cao, nhờ các chiến lược xúc tiến đầu tư được định hướng rõ ràng và hiệu quả.
Một thay đổi quan trọng khác là quan niệm về đầu tư sản xuất của các nhà đầu tư quốc tế. Nếu trước đây, các dự án thường được lên kế hoạch với chu kỳ dài 20-30 năm, thì hiện nay, thời gian này đã rút ngắn xuống còn khoảng 5-10 năm. Điều này đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu về bất động sản công nghiệp theo mô hình nhà xưởng xây sẵn và cho thuê.
Đại diện Công ty cổ phần Long Hậu cho biết thêm, trong năm 2024, các ngành nghề thu hút đầu tư lớn nhất vào Việt Nam bao gồm: Ngành công nghiệp điện tử (chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư); Cao su, dệt may, và các ngành sản xuất khác (chiếm khoảng 7-8% mỗi ngành).
Những con số này không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn mở ra cơ hội lớn cho thị trường bất động sản công nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh các khu vực như miền Trung và miền Nam Trung Bộ đang trở thành điểm đến tiềm năng với giá thuê đất cạnh tranh và tỷ lệ lấp đầy thấp hơn các trung tâm truyền thống như Hà Nội hay TP.HCM.
Việt Dũng