Bất động sản công nghiệp 'chia lửa' Bắc - Trung - Nam

Bất động sản công nghiệp 'chia lửa' Bắc - Trung - Nam
11 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo mới đây của CBRE, năm 2024, lĩnh vực bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong tổng thể thị trường bất động sản.
Minh chứng là trong suốt năm qua, các nhà sản xuất toàn cầu lớn như Samsung, LG, Foxconn, Hyosung và Nestle... đã công bố kế hoạch mở rộng và khởi động nhiều dự án tại nhiều khu vực khác nhau. Giải ngân vốn FDI đạt 25 tỷ USD - mức kỷ lục từ trước tới nay.
Các khu công nghiệp ở các thị trường cấp 1 tại khu vực phía Bắc ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình là 80%, trong khi khu vực phía Nam đạt 89%.
Khoảng cách về giá thuê ở hai khu vực công nghiệp chính của cả nước cũng đang dần thu hẹp do tăng trưởng giá thuê mạnh mẽ ở các thị trường có ngưỡng giá cạnh tranh hơn ở phía Bắc, như: Hải Dương và Hải Phòng. Đến cuối năm 2024, giá thuê trung bình của các khu công nghiệp ở phía Bắc đạt 137 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi ở phía Nam đạt 175 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, khu vực miền Trung, đặc biệt là Nghệ An, đã thu hút các nhà sản xuất lớn như Luxshare ICT và Foxconn. Điều này đã thay đổi bối cảnh phát triển công nghiệp của Nghệ An và các tỉnh miền Trung lân cận, như Thanh Hóa.
“Với những lợi thế như lực lượng lao động dồi dào và giá thuê cạnh tranh (60 - 90 USD/m2/kỳ hạn còn lại), thị trường công nghiệp ở khu vực miền Trung được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”, CBRE đưa ra kỳ vọng.
Trong số các địa phương đang nổi lên như điểm đến chiến lược cho các nhà đầu tư ngoại có thể kể đến là Hưng Yên. Tại kỳ họp thứ 23, Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XVII ngày 10/12 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Lê Huy cho biết thu hút đầu tư, điều chỉnh đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh này đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với 1,4 tỷ USD.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn trong bản đồ thu hút FDI. Đơn cử, vừa qua, Tập đoàn bất động sản Hulic (Nhật Bản) đã thành lập liên doanh với Indochina Kajima nhằm thúc đẩy phát triển hai dự án nhà xưởng xây sẵn Core5 Hưng Yên và Core5 Quảng Ninh.
Dự án Core5 Quảng Ninh hiện có tỷ lệ lấp đầy 100%, nằm trong Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, cách Cảng Lạch Huyện 14 km và cách Sân bay quốc tế Cát Bi 20 km. Dự án cung cấp hơn 69.000 m2 diện tích sàn cho thuê, với các khối nhà xưởng xây sẵn một tầng, một tầng với gác lửng và khối nhà hai tầng.
Còn dự án Core5 Hưng Yên nằm tại Khu công nghiệp Minh Đức, cách trung tâm Hà Nội 40 km và cách Sân bay quốc tế Nội Bài 55 km, cung cấp hơn 63.000 m2 diện tích nhà xưởng xây sẵn tiêu chuẩn quốc tế cho thuê. Sau 9 tháng hoạt động, tỷ lệ lấp đầy của Core5 Hưng Yên đang tiệm cận mức trung bình toàn quốc là 77%, với danh mục các khách thuê tiềm năng nhiều triển vọng.
Với liên doanh này, Hulic và Indochina Kajima sẽ tập trung vào việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng của hai dự án hiện có, hướng đến việc tối ưu hóa chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp thuê.
Thiên Di
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-chia-lua-bac-trung-nam.htm