Hình thành nhiều KCN
Hệ thống giao thông đồng bộ, cảng biển hoàn thiện, cơ chế chính sách phù hợp cộng với quỹ đất lớn với giá cho thuê thấp so với các tỉnh lân cận, Hà Tĩnh đang có sức hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Formosa Hà Tĩnh, hướng đến phát triển công nghiệp xanh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2/4 KCN trong khu kinh tế Vũng Áng được đầu tư hạ tầng. Trong đó, KCN Phú Vinh có diện tích hơn 200ha đang được coi là "thỏi nam châm" thu hút vốn đầu tư FDI vào Hà Tĩnh. Đến nay, KCN này đã thu hút được 7 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.
Còn KCN Hoành Sơn có diện tích gần 42ha, đến nay đã hoàn thành các thủ tục về quy hoạch xây dựng, môi trường, đất đai. Một số hạng mục như khu xử lý nước thải, đường trục chính, nhà điều hành, điện chiếu sáng… đang được triển khai.
Trong năm 2024, có 3 KCN trên địa bàn tỉnh đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng, gồm: KCN Bắc Thạch Hà (giai đoạn 1) do Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) làm chủ đầu t. KCN này có mục tiêu phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghệ cao như sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, bán dẫn, cơ khí chính xác, may mặc, giày da, năng lượng, pin xe điện, kim loại, phụ tùng ô tô, chế biến thực phẩm…
KCN Vinhomes Vũng Áng thì hướng đến thu hút các loại hình công nghiệp hiện đại, sử dụng công nghệ cao như: Công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, thiết bị, linh kiện cho ô tô, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
KCN Gia Lách mở rộng do Công ty CP đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long làm chủ đầu tư với tính chất là KCN đa ngành, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 10/21 cụm công nghiệp (CCN), trong đó có 5 CCN (Thái Yên, Kỳ Hưng, Cổng Khánh 2, Xuân Lĩnh, Yên Huy) đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh đã và đang hoạt động; 3 CCN (Cổng Khánh 1, CCN huyện Can Lộc và CCN huyện Đức Thọ) đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo quy định và 2 CCN (Thạch Bằng, Cẩm Nhượng) đang hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để triển khai đầu tư.
Giám đốc Công ty CP Đầu tư IDI, ông Trần Tiến Sỹ cho biết: IDI đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Thái Yên (Đức Thọ) và CCN Cổng Khánh 1 (thị xã Hồng Lĩnh). Đến nay, CCN Thái Yên phần mở rộng có tổng diện tích 15,75ha, đã được đầu tư hoàn thiện hạ tầng và đã có 72 dự án đầu tư, chủ yếu ngành nghề sản xuất kinh doanh đồ gỗ, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 80%. CCN Cổng Khánh 1 với tổng diện tích là 45ha, tổng vốn đầu tư gần 255 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư 3 giai đoạn, kỳ vọng sẽ thu hút đa ngành nghề vào cụm, trong đó ưu tiên các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ... Hiện nay, CCN Cổng Khánh 1 đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật".
Bên cạnh đó, thời gian qua, Hà Tĩnh đã thực hiện các dự án công nghiệp lớn trên địa bàn như Dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh); Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh); Dự án sản xuất Pin VinES và Dự án sản xuất Cellpin (Tập đoàn Vingroup); Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 (Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2)... Trong số này có Nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast dự kiến quý III năm 2025 sẽ đi vào hoạt động.
Xanh hóa khu công nghiệp để đón sóng đầu tư
Hình thành các hệ sinh thái khu công nghiệp theo hướng xanh, bền vững đang là mục tiêu quan trọng mà Hà Tĩnh đặt ra giai đoạn này.
Đường nội bộ Formosa Hà Tĩnh.
Theo nhận định của Sở Xây dựng Hà Tĩnh, việc xây dựng hạ tầng các KCN, CCN và thực hiện các dự án lớn trên địa bàn sẽ là động lực chính cho phát triển công nghiệp của tỉnh, đặc biệt chú trọng phát triển theo hướng công nghiệp xanh. Mặc dù vậy, BĐS CN Hà Tĩnh còn một số khó khăn, hạn chế như tiến độ đầu tư còn chậm; hạ tầng các KCN, CCN chưa đồng bộ; tỷ lệ lấp đầy các KCN, CCN chưa tương xứng với tiềm năng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn… gây khó cho các nhà đầu tư hạ tầng và việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng: "Để phát triển BĐS CN xanh cần đẩy mạnh thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng vào bất động sản công nghiệp, nhất là hạ tầng các KCN, CCN; đồng hành cùng các doanh nghiệp đã đầu tư dự án để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai; nhanh chóng ban hành bảng giá đất tại các KCN, CCN và các cơ chế, chính sách liên quan, quy định đơn giá các dịch vụ công ích trong KCN, CCN theo quy định của pháp luật".
Ông Phạm Văn Tình, Phó Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng nhìn nhận: "Khu kinh tế Vũng Áng đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS CN tại Hà Tĩnh. Sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kỹ thuật trong KKT Vũng Áng giúp nâng cao khả năng kết nối và tiếp cận của các KCN, CCN, từ đó khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là sản xuất và dịch vụ".