Một phần Khu công nghiệp Becamex Bình Định. Ảnh: Chí Thiện.
“Đại bàng” về làm tổ
Tại Bình Định, Khu công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định có quy mô 1.374 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5.600 tỷ đồng được khởi công vào tháng 9/2020 và khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 4/3/2024.
Tính đến tháng 10/2024, Becamex VSIP Bình Định có 5 dự án của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó 1 dự án đã hoàn thành và đi vào sản xuất; 4 dự án còn lại đang triển khai. Tổng diện tích đất cho thuê để thực hiện các dự án này là 60 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 161,1 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Lăng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Becamex Bình Định, chủ đầu tư dự án Becamex VSIP Bình Định cho biết, khu vực Duyên hải Trung bộ với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên phong phú, chính sách ưu đãi hấp dẫn và nguồn nhân lực dồi dào đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
Nắm bắt cơ hội này, Becamex IDC (công ty mẹ của Becamex Bình Định) đã đầu tư phát triển hệ thống khu công nghiệp tại đây.
Về phía chính quyền địa phương, nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư cho các dự án, tỉnh Bình Định đã quy hoạch, triển khai nhiều công trình và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng trên địa bàn, chẳng hạn xây dựng tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 19 đến dự án Becamex VSIP Bình Định với tổng mức đầu tư 1.171 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa tuyến Quốc lộ 19C; phối hợp xây dựng ga hàng hóa đáp ứng nhu cầu vận tải trung chuyển cho cảng Quy Nhơn, Khu công nghiệp Becamex và Khu kinh tế Nhơn Hội…
Theo đó, nhiều nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp trong và ngoài nước đã chọn Bình Định là điểm đến đầu tư. Đơn cử, cuối tháng 7/2024, Công ty EVER YOUNG có văn bản đề xuất thực hiện đầu tư dự án Khu công nghiệp Vân Canh tại huyện Vân Canh.
Tiếp đó, vào trung tuần tháng 8/2024, Công ty cổ phần Đại An Sài Gòn đề xuất thực hiện đầu tư Dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ (tại huyện Phù Mỹ)… Để thuận tiện cho việc kết nối, tỉnh Bình Định đang hoàn thiện phương án đầu tư tuyến đường kết nối từ cao tốc Bắc - Nam về Khu công nghiệp Phù Mỹ và Bến cảng Phù Mỹ.
Tại Quảng Nam, mới đây, UBND tỉnh này đã trao thỏa thuận nguyên tắc nghiên cứu địa điểm đầu tư dự án Khu công nghiệp Nam Thăng Bình, tổng vốn đầu tư 6.850 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tập đoàn Bin Corporation và Khu công nghiệp phía Tây cao tốc đoạn qua huyện Thăng Bình, tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng của Công ty WHA Industrial Development Public Company Limited (Thái Lan).
Hay tại Phú Yên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này thông tin, địa phương đang kêu gọi đầu tư 6 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Nam Phú Yên có tổng diện tích 3.031,6 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 29.500 tỷ đồng.
Trong đó, Khu công nghiệp Hòa Tâm có vốn đầu tư cao nhất là 13.300 tỷ đồng, tiếp theo là Khu công nghiệp Hòa Thành (3.800 tỷ đồng), Khu công nghiệp Hòa Xuân Tây (3.650 tỷ đồng)...
Theo kế hoạch điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, đến năm 2025, đối với các khu công nghiệp, UBND tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 gồm Khu công nghiệp Hòa Thành, Khu công nghiệp Hậu cần sân bay, Khu công nghiệp Hòa Xuân Đông, Khu công nghiệp Hòa Xuân Tây…
Song hành với công tác lập quy hoạch, UBND tỉnh Phú Yên đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát về dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm, Công ty cổ phần Tập đoàn N&G về dự án Khu công nghiệp công nghệ cao vào đầu tháng 3/2024.
Những tồn tại cần sớm xử lý
Mặc dù sở hữu đầy đủ các loại hình giao thông từ đường bộ, đường sông, đường biển tới đường hàng không, nhưng tại nhiều địa phương, hạ tầng giao thông phục vụ kết nối còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Đơn cử, tại Bình Định, tuyến đường Quốc lộ 19C được nâng cấp từ đường tỉnh ĐT638 vào năm 2014, nhưng tới nay vẫn chưa được đầu tư thêm. Tuyến đường này hiện trạng cơ bản chỉ đạt cấp VI, bề rộng nền đường khoảng 6,5 m, mặt đường từ 3,5-5,5 m; công trình cầu, cống trên tuyến đa số chỉ đảm bảo khai thác với tải trọng H13…
UBND tỉnh Bình Định đánh giá, với quy mô như hiện tại, Quốc lộ 19C sẽ không đảm bảo nhu cầu lưu thông, dễ gây ách tắc… Do đó, tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải đưa kế hoạch đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 19C đoạn qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch được duyệt vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 540 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vào tháng 4/2024, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng chiến lược… nên chưa thể cân đối nguồn lực để thực hiện thêm các dự án khác, trong đó có Quốc lộ 19C.
Một trở ngại khác trong thu hút đầu tư tại địa phương này đó là kết nối chuyến bay quốc tế. Ông Nguyễn Văn Lăng cho biết, hiện nay, việc di chuyển bằng đường hàng không tới Bình Định chưa thuận tiện, cần phải đến TP.HCM, Hà Nội hoặc gần nhất là TP. Đà Nẵng, sau đó cần thêm thời gian di chuyển để đến được đây. Do đó, việc nâng cấp, mở rộng sân bay Phù Cát trở thành sân bay quốc tế là rất quan trọng, sẽ tác động mạnh mẽ đến công tác thu hút đầu tư nước ngoài.
“Hiện tại, tỉnh Bình Định rất nỗ lực trong công tác nâng cấp hệ thống logistic, cụ thể là sân bay Phù Cát phấn đấu trở thành sân bay quốc tế theo quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang đầu tư tuyến đường kết nối trực tiếp sân bay Phù Cát đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định nhằm giảm thời gian di chuyển xuống khoảng 20-25 phút”, ông Lăng cho hay.
Cùng góc nhìn, ông Mai Công Hồ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng đánh giá, khu vực miền Trung dù có lợi thế về hạ tầng giao thông, có giá thuê đất và giá nhân công cạnh tranh..., nhưng cũng tồn tại không ít hạn chế như vướng mắc về cơ chế đất đai chưa được tháo gỡ và chưa định hướng rõ ràng, các ngành nghề phụ trợ chưa phát triển, lao động chất lượng cao khan hiếm, chưa có nhiều kinh nghiệm trong thu hút đầu tư…
Lãnh đạo Công ty Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương đã công bố quy hoạch và tại các lễ công bố này đã ký kết bản ghi nhớ với các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để họ tìm hiểu và đầu tư tại địa phương.
Do đó, để thúc đẩy phát triển lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện khu công nghiệp cần ưu tiên kinh nghiệm về thu hút đầu tư; chính sách đất đai phải nhất quán và minh bạch, nhất là về giá thuê đất.
“Việc giao đất chậm sẽ làm giá đất tính theo thời điểm giao đất tăng lên rất cao, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Do vậy, cần phải nhanh chóng giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các dự án. Đồng thời, nên cho phép nhà đầu tư linh hoạt trong việc cho thuê đất trả tiền một lần hoặc nhiều lần để thuận lợi thu hút đầu tư…”, ông Mai Công Hồ đề xuất.
Chí Thiện