Bất động sản Đà Nẵng: Nơi nhộn nhịp, nơi đìu hiu

Bất động sản Đà Nẵng: Nơi nhộn nhịp, nơi đìu hiu
9 giờ trướcBài gốc
Thị trường bất động sản tại Đà Nẵng cũng có sự phân hóa nhất định, với những nơi giao dịch nhộn nhịp ở trung tâm nhưng cũng có nơi giao dịch ảm đạm, nguồn hàng tồn kho còn nhiều.
Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
* Đất trung tâm thành phố Đà Nẵng “neo cao”
Vừa qua, Quyết định số 45/2025/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung giá đất của UBND thành phố Đà Nẵng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 7/7. Theo đó, dọc 3.390 đoạn, tuyến đường và khu vực trong bảng giá đất trên địa bàn thành phố sẽ tăng so với cuối năm 2024, để phù hợp với tình hình thực tế về giá đất trên địa bàn. Cụ thể, giá đất ở đô thị tại vị trí 1 dọc 107 đoạn, tuyến đường tăng từ 14 đến 20% so với giá đất theo Quyết định số 59/2024/QĐ- UBND; 1.950 đoạn, tuyến đường tăng từ hơn 20-50%; 549 đoạn, tuyến đường tăng từ hơn 50-70%; 314 đoạn, tuyến đường tăng từ hơn 70-110%; 60 đoạn, tuyến đường tăng từ hơn 110-130%; 4 đoạn tuyến đường tăng từ hơn 130% đến 140%. Đoạn đường có giá đất ở cao nhất là 340,97 triệu đồng/m2 dọc đường Bạch Đằng (đoạn từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Văn Linh). Việc UBND thành phố Đà Nẵng quyết định điều chỉnh tăng giá đất cho thấy, từ cuối năm 2024 đến nay, giá mua bán đất tại nhiều khu vực thành phố Đà Nẵng đã tăng trưởng mạnh. Theo thống kê của trang batdongsan.com, mức giá bán đất phổ biến tại khu vực Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (nay là phường Ngũ Hành Sơn) tháng 1/2025 là 29 triệu đồng/m2; đến tháng 4/2025 đã vọt lên 36 triệu đồng/m2 và vẫn neo cao cho đến nay. Còn mức giá phổ biến tại phường Hòa Xuân đã tăng từ 44 triệu đồng/m2 vào tháng 1/2025 lên 51 triệu đồng/m2 vào tháng 4/2025 và neo cao đến hiện tại. Nguyên nhân vì tháng 4/2025 là thời điểm có thông tin về hợp nhất hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng nên giá đất tại các khu vực giáp ranh đã tăng “phi mã”. Theo anh Trần Phước Hùng, chuyên đầu tư, môi giới bất động sản tại khu vực Hòa Xuân, Ngũ Hành Sơn, từ sau khi hai địa phương hợp nhất và thành phố Đà Nẵng ban hành bảng giá đất mới, thị trường bất động sản tại khu vực này bị ảnh hưởng nhẹ, vì bảng giá đất tăng sẽ dẫn tới thuế tăng theo. Tuy nhiên đây là khu vực giàu tiềm năng, ở vị trí đắc địa, còn nhiều nguồn cung nên thị trường vẫn giao dịch khá sôi động. Còn anh Nguyễn Quốc Thành, nhà đầu tư đến từ Hà Nội cho biết, anh chọn đầu tư tại khu vực Nam Việt Á (phường Ngũ Hành Sơn) vì được quy hoạch bài bản, gần biển, dân cư đông. Giá đất tại khu vực này đã tăng mạnh trong khoảng nửa năm qua, các lô góc có giá từ 100 triệu đồng/m2, còn các lô thường cũng khoảng 70-80 triệu đồng/m2. Theo đánh giá của anh Thành, hiện nay lượng giao dịch tại khu vực này khá ổn định, một phần do mong muốn sở hữu bất động sản ven biển của các nhà đầu tư, một phần là nhu cầu mua đất làm nhà thực tế của người dân địa phương.
* Một số vùng “đóng băng”
Trái với thị trường bất động sản tại trung tâm thành phố Đà Nẵng, thị trường bất động sản tại phía Nam thành phố (tỉnh Quảng Nam cũ) lại khá đìu hiu, có nguy cơ dần “đóng băng”. Thị trường bất động sản tại Quảng Nam (cũ) thời điểm này không thể phục hồi, nguồn hàng tồn kho tương đối nhiều. Khảo sát tại một số dự án, khu vực trước đây từng là điểm nóng của thị trường như: Núi Thành, Điện Bàn, Tam Kỳ hay Duy Xuyên, thị trường rất ảm đạm. Một số khu đô thị, khu dân cư vắng lặng không có giao dịch.
Đất trung tâm thành phố Đà Nẵng “neo cao”. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và rất am hiểu thị trường tại tỉnh Quảng Nam (cũ), anh Nguyễn Văn Thân cho biết, giá đất khoảng 2-3 năm trước tăng "phi mã", nhiều nhà đầu tư sẵn sàng “ôm hàng”. Một vài khách hàng của anh đã chi tiền để mua đất nhưng không cần quan tâm đến vị trí chính xác của sản phẩm. Tuy nhiên, gần một năm qua, tình hình thị trường bất động sản chậm đi rất rõ rệt, khách đầu tư không còn mặn mà kiểu đầu cơ ngắn hạn. Hiện nay, các nhà đầu tư và người buôn đất trên đại bàn tỉnh Quảng Nam (cũ) không bán, chờ đợi để thị trường phục hồi.
Chị Nguyễn Thị Thúy, người môi giới bất động sản khu vực Núi Thành cho biết, từ đầu năm đến nay, khách hàng giao dịch mua bán đất rất ít so với mấy năm trước. Đặc biệt, các nhà đầu tư bất động sản đang hướng về các trung tâm hành chính mới sau sáp nhập đê đầu tư kinh doanh phục vụ nguồn khách mới… Địa bàn tỉnh Quảng Nam (cũ) có khoảng 200 dự án đã và đang triển khai. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đóng băng, không thể đấu giá đất, không có giao dịch, doanh nghiệp không thể chuyển nhượng dự án. Gần như địa phương không còn khả năng thu tiền sử dụng đất. Các địa phương đối mặt với việc hụt thu ngân sách...
Trần Tĩnh – Quốc Dũng/vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/bat-dong-san-da-nang-noi-nhon-nhip-noi-diu-hiu/380188.html