“Di sản vàng” từ APEC 2027...
APEC 2027 được xem là một cơ hội lịch sử cho Phú Quốc, song cũng đặt ra cho đảo Ngọc nhiều thách thức, đặc biệt là tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm nhằm nâng cấp hạ tầng giao thông, dịch vụ và du lịch để chào đón sự kiện này.
Để các công trình có thể kịp “về đích”, sẵn sàng chào đón APEC 2027, hạ tầng giao thông không, thủy, bộ tại Phú Quốc đều được gấp rút đầu tư. Theo đó, Phú Quốc sẽ xây dựng cảng hàng không đạt cấp 4E, bao gồm đầy đủ các hạng mục nâng công suất nhà ga, ga hàng hóa, nhà ga VIP, vị trí đỗ tàu bay, nâng cấp đường cất hạ cánh…
Đặc biệt Phú Quốc mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Phú Quốc lên công suất 10 triệu khách/năm, đầu tư nhà chờ VIP cấp nguyên thủ, kéo dài đường băng và sân đỗ, mở thêm nhiều đường bay mới từ Singapore, Nga, Bắc Kinh (Trung Quốc), New Delhi, Mumbai (Ấn Độ)… để phục vụ các đoàn khách quốc tế đến với thành phố đảo tham dự APEC 2027.
APEC 2027 được kỳ vọng sẽ là bước đệm giúp Phú Quốc phát triển bền vững và vươn tầm thế giới trong những thập kỷ tiếp theo. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, cảng hàng không Rạch Giá cũng được chỉ đạo nâng cấp, mở rộng với quy mô khoảng 200ha, kéo dài đường băng khoảng 2,4km và xây mới nhà ga, nhằm tiếp nhận máy bay cỡ lớn.
Cùng với đó, Phú quốc cũng nâng cấp Cảng biển quốc tế An Thới lên quy mô 100ha để có thể đón những tàu du lịch lớn nhất thế giới, xây dựng mới tuyến tàu đô thị, nâng cấp các tuyến đường trục Dương Đông đi Bắc Đảo (975B)…
Ngoài các tuyến đường mới, Phú Quốc cũng sẽ tiến hành chỉnh trang, ngầm hóa nhiều hạng mục tại những đô thị hiện hữu như An Thới, Dương Đông và gấp rút hoàn thiện các công trình hạ tầng tạo sự phát triển đồng bộ cho TP như: Đầu tư Hồ nước và các nhà máy nước; cải tạo sông Dương Đông; xây dựng nhà máy xử lý nước thải và xử lý rác thải sinh hoạt.
Sự lột xác về hạ tầng cũng kéo theo dòng vốn đầu tư cả từ trong và ngoài nước đổ về Phú Quốc. Thống kê của UBND TP Phú Quốc cho thấy, đảo Ngọc hiện đang có khoảng 320 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 412.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam và các thương hiệu nghỉ dưỡng toàn cầu như Marriott International, Accor, Rosewood Hotels, Curio Collection by Hilton, Wyndham… Ngoài ra, nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế cũng đang tiến hành khảo sát và lựa chọn mặt bằng kinh doanh tại thành phố đảo.
APEC 2027 không chỉ là một sự kiện quan trọng đối với Phú Quốc mà còn là cơ hội để tạo ra những “di sản” lâu dài cho đảo ngọc. Ảnh minh họa
Sự phục hồi ngoạn mục của du lịch là minh chứng rõ nét nhất cho sức bật của Phú Quốc. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, Phú Quốc ước đón hơn 1,4 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế là 320.888 lượt khách, tăng 52,7% so với cùng kỳ và đạt 29,8% kế hoạch năm.
Nhờ sức hút từ APEC 2027, Phú Quốc hứa hẹn sẽ là tâm điểm sống - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí - mua sắm - hội họp hàng đầu thế giới. Đây cũng là nền tảng của mô hình du lịch mua sắm, du lịch đầu tư và là nơi quảng bá cho các sản phẩm quốc gia, mặt hàng tiêu dùng cao cấp để tăng thu ngoại tệ.
Không chỉ là cú hích phát triển hạ tầng và thúc đẩy du lịch, APEC 2027 còn tạo nên những cột mốc gia tăng giá trị cho bất động sản Phú Quốc trong dài hạn. Trong đó, các sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng bền vững. Các nhà đầu tư kinh nghiệm dày dặn sẽ không muốn bỏ lỡ cơ hội gia tăng dòng tiền kinh doanh và tích sản bền vững khi “sóng” APEC 2027 đang dâng cao từng ngày.
Bất động sản Phú Quốc sẽ tăng trưởng 30% nhờ APEC 2027?
Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển cho rằng, trước APEC 2027, sức hút của bất động sản Phú Quốc đã có từ lâu, phần lớn đến từ sự phát triển kinh tế, đầu tư, du lịch, và tiềm năng này sẽ phát huy mạnh mẽ hơn ở APEC 2027, khi dòng người đổ về. "Thời điểm này, nếu nhà đầu tư chọn được sản phẩm tốt ở phân khúc trung - cao cấp từ những nhà phát triển có uy tín, giá có thể tăng 20-30% trong giai đoạn cuối 2025 đầu 2026" - TS Đinh Thế Hiển nói.
Môi trường đầu tư hấp dẫn, với các chính sách ưu đãi, hệ sinh thái kinh tế đa dạng, cùng "di sản vàng" từ APEC 2027, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc đang hướng tới chu kỳ phát triển bền vững. Ảnh minh họa
Đặc biệt, TS Đinh Thế Hiển nhận định, có hai yếu tố giúp bất động sản Phú Quốc tăng trưởng dài hạn là mặt bằng giá và tiềm năng khai thác. Về giá, sản phẩm cùng phân khúc tại Phú Quốc đang rẻ hơn khoảng 20-30% so với Đà Nẵng hay Nha Trang nên hấp dẫn, dễ tiếp cận. Trong khi đó, tiềm năng khai thác hoạt động lưu trú, kinh doanh nhờ sức hút du lịch hay APEC 2027 giúp sản phẩm tối ưu khai thác dòng tiền. Các giỏ hàng nắm lợi thế sẽ nằm trong các dự án khu đô thị có năng lực nội sinh với quy hoạch bài bản, chủ đầu tư tên tuổi, thu hút được hoạt động thương mại - giải trí, từ đó thu hút được nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, Phú Quốc còn giàu tiềm năng hơn Singapore - đảo quốc này được quy hoạch bài bản, phát triển đúng hướng, song quỹ đất đã hết: “Phú Quốc thì ngược lại, phát triển sau nhưng có lợi thế hiếm thành phố nào có được, vừa có rừng, vừa có biển, không gian đô thị hiện đại, ít thiên tai. Các chính sách, phê duyệt quy hoạch cũng quan tâm đến thiên nhiên khi bảo tồn, bảo vệ hơn 70% diện tích rừng tự nhiên hiện có” - TS Nguyễn Văn Đính nói và nhấn mạnh, đây là những chất liệu tuyệt vời để khai thác tiềm năng du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng, chữa lành, từ đó tạo đòn bẩy cho các loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng của Phú Quốc.
Các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư đều tin rằng, tác động từ APEC 2027 sẽ là bàn đạp hoàn hảo tạo ra một chu kỳ tăng trưởng mới cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc.
Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Hội thảo “Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc hướng tới APEC năm 2027 và sự phát triển bền vững”, vào chiều ngày 18/4/2025
Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 với chủ đề "Kết nối, xây dựng các nền kinh tế bao trùm và tự cường" sẽ là dấu mốc quan trọng, thể hiện vị thế của Việt Nam trong khu vực. Đây đồng thời là cơ hội để Phú Quốc trở thành một trung tâm hợp tác kinh tế, xã hội, giao thương toàn cầu, và mở ra kỳ vọng trở thành "đòn bẩy" cho sự phát triển bền vững của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc.
Trước thềm sự kiện mang tính lịch sử này, chiều ngày 18/4/2025, tại Hội trường UBND TP Phú Quốc, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Hội thảo “Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc hướng tới APEC năm 2027 và sự phát triển bền vững”.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng đầu tư, quản lý, sử dụng bất động sản du lịch trên TP Phú Quốc, từ đó đề xuất phương án quy hoạch phát triển một cách bền vững, đặc biệt là những công trình cấp thiết phục vụ cho APEC 2027.
Đây còn là dịp để chính quyền địa phương, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, các đơn vị đầu tư bất động sản trên TP Phú Quốc tương tác trực tiếp, chia sẻ và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quy hoạch, đảm bảo hiệu quả trong đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia gồm: PGS, TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị; ông Nguyễn Anh Quê - ỦY viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA); PGS, TS Nguyễn Văn Sánh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đồng bằng sông Cửu Long; PGS, TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam…
Với những nội dung được trao đổi, tham luận, phân tích, Hội thảo “Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc hướng tới APEC năm 2027 và sự phát triển bền vững” sẽ mang lại những thông tin đặc biệt cần thiết, hữu ích cho cả cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội, doanh nghiệp về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc, hướng đến một chu kỳ phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.
Tiểu Thúy