Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nền kinh tế Việt Nam năm 2025 đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ với kỳ vọng đạt mức tăng trưởng GDP từ 8%. Mặc dù thị trường toàn cầu đối mặt với những yếu tố bất định, Việt Nam vẫn có những cơ hội cho các ngành, bao gồm cả bất động sản. Thị trường bất động sản Bình Dương phản ánh tích cực nền kinh tế vĩ mô, với sự phát triển hạ tầng, tăng trưởng đầu tư công và nền tảng công nghiệp vững mạnh.
Gần 30 năm qua, Bình Dương đã chuyển mình từ tỉnh thuần nông thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế. Bình Dương không chỉ thu hút dòng vốn FDI mà còn là nơi quy tụ lực lượng lao động đông đảo, trở thành động lực phát triển cho khu vực miền Nam Việt Nam.
Theo dữ liệu do Batdongsan.com.vn tổng hợp, Bình Dương có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ổn định và luôn cao hơn trung bình cả nước. Dù thành lập muộn hơn so với các tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh, đến năm 2024. quy mô kinh tế Bình Dương đã vượt lên dẫn đầu khu vực với 520 nghìn tỷ đồng.
Từ năm 2015 đến nay, giá bất động sản tại Bình Dương ghi nhận mức tăng trưởng ổn định. Nguồn: batdongsan
Năm 2025 đánh dấu một thời điểm chuyển mình rõ rệt của thị trường bất động sản Bình Dương. Theo dữ liệu mới nhất của Batdongsan.com.vn, trong quý I/2025, giá rao bán bất động sản tại Bình Dương đã tăng tới 700% so với quý I/2015. Đây là mức tăng cao nhất trong số các tỉnh, thành lân cận TP. Hồ Chí Minh, bao gồm Đồng Nai (tăng 500%), Long An (tăng 433%) và Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 140%).
Dữ liệu từ thị trường cho thấy mức độ quan tâm và giao dịch tại khu vực này đang phục hồi, đặc biệt ở các khu vực giáp ranh TP. Hồ Chí Minh như Thuận An. Lượng tìm kiếm bất động sản tại Bình Dương trong tháng 3/2025 tăng 49% so với tháng 2/2025. Đây là mức tăng mạnh nhất trong khu vực ven TP. Hồ Chí Minh.
Mức độ quan tâm đến bất động sản tại Bình Dương trong tháng 3/2025 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Nguồn: batdongsan
Trước đó, tại Nghị quyết số 60 được Trung ương Đảng thông qua tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Trung ương Đảng đồng ý phương án sáp nhập còn 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương). Đặc biệt, đối với TP. Hồ Chí Minh, việc hợp nhất với 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương để tạo thành một “siêu đô thị” kỳ vọng sẽ tạo ra cho khu vực này một sức bật kinh tế mạnh mẽ từ sự kết nối giao thông đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực cho thị trường bất động sản tại nơi đây.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn nhận định, Bình Dương đang đứng trước một “chương mới” khi sáp nhập với TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo nên “siêu đô thị” tầm cỡ khu vực. Tầm nhìn cho siêu đô thị này không chỉ đơn giản là nâng cao vị thế của Bình Dương, mà còn tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2030-2045.
Bình Dương đang đứng trước cơ hội lớn khi sáp nhập với TP. Hồ Chí Minh và BRVT, tạo thành siêu đô thị. Nguồn: batdongsan
Về mặt lợi ích kinh tế, siêu đô thị mới dự kiến đóng góp khoảng 25% GDP cho Việt Nam, mang đến tiềm năng lớn trong các lĩnh vực công nghiệp và logistics. Đặc biệt, trong thương mại quốc tế, siêu đô thị này được kỳ vọng trở thành cửa ngõ giao thương toàn cầu, kết nối qua cảng biển và các sân bay trọng điểm.
Về phát triển đô thị, hạ tầng giao thông của siêu đô thị mới sẽ bao gồm các tuyến đường sắt container Bình Dương - Vũng Tàu, Vành đai 3-4 và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, tạo nên một mạng lưới kết nối hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển bền vững./.
Bên cạnh đó, siêu đô thị này còn có tiềm năng lớn trong việc phát triển đô thị thông minh, khi kết hợp công nghệ tiên tiến từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và tận dụng tài nguyên biển của Vũng Tàu. Môi trường sống tại đây cũng hứa hẹn sẽ cân bằng hơn, với sự giao hòa giữa yếu tố thiên nhiên từ Vũng Tàu và Bình Dương, mang đến chất lượng sống lý tưởng cho cư dân.
Thanh Sơn