Bất động sản phía Nam vào 'mùa gặt' cuối năm

Bất động sản phía Nam vào 'mùa gặt' cuối năm
4 giờ trướcBài gốc
Rổ hàng bất động sản khu vực phía Nam cuối năm 2024 dự kiến đón loạt dự án mới, với khoảng 10.000 sản phẩm được tung ra thị trường. Phân khúc cao cấp tập trung ở TP.HCM, còn phân khúc trung cấp và bình dân chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Đua tung rổ hàng mới
Bình Dương đang là một trong những điểm nóng sôi động nhất tại khu vực phía Nam loạt dự án chung cư trong khoảng giá trên dưới 30 triệu đồng/m2 được đưa vào rổ hàng.
Điển hình như các dự án như Phú Đông Skyone, Phú Đông Sky Garden, Ben Hill Thuận An, Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An, TT Avio, Bcons City, A&T Sky Garden, Picity Sky Park, The Gió, Honas Residence, The Emerald 68… Hầu hết đều nhận được sự quan tâm của khách hàng.
Bất động sản phía Nam được kỳ vọng khởi sắc hơn trong "mùa gặt" cuối năm.
Trong khi đó, tại Đồng Nai và Long An, ngoài những dự án đang được triển khai như Aqua City, Gem Sky World, Swan Bay, Cù lao Phước Hưng…, mới đây, Daewoo E&C phát đi thông báo sẽ hợp tác với Công ty Taekwang Vina cùng đầu tư phát triển dự án tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) vào cuối năm 2024.
Cũng trong quý IV, Prodezi Long An cho biết sẽ chính thức ra mắt dự án mang tên La Home tại huyện Bến Lức. Dự án có diện tích 100 ha với gần 4.000 sản phẩm nhà phố, biệt thự. Nam Long Group sẽ ra mắt khoảng 5.000 sản phẩm căn hộ chung cư tại dự án Waterpoint có tổng diện tích 355 ha, mức giá sản phẩm khoảng 1 tỷ đồng/căn…
Đáng chú ý, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang là thị trường “nóng” tại khu vực phía Nam khi chủ đầu tư TDG Group đã cho ra mắt sản phẩm căn hộ nghỉ dưỡng Tháp Polaris thuộc dự án The Maris tọa lạc ngay mặt tiền đường 3/2 với quy mô khoảng 500 căn hộ, giá bán trung bình từ 75-85 triệu đồng/m2…
Việc hàng loạt dự án mới được tung ra thị trường được giới chuyên môn kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phía Nam khởi sắc hơn sau nửa đầu năm 2024 khá ảm đạm cả về nguồn cung và thanh khoản. Theo ghi nhận, tính đến tháng 8, nguồn cung căn hộ sơ cấp tại TP. HCM và các tỉnh lân cận đạt 12.092 căn, nhưng thanh khoản chỉ 6%, tương đương 774 căn được bán ra.
Với nhà phố, biệt thự, nguồn cung là 4.466 căn, mức tiêu thụ ghi nhận 207 căn, tương đương 5% nguồn cung. Còn đất nền, các tỉnh phía Nam hiện có 6.500 sản phẩm, tỷ lệ bán được là 184 nền, sức mua tương đương 2,7%.
Vốn ngoại chảy mạnh
Chia sẻ với VnBusiness, ông Lâm, đại diện chủ đầu tư một dự án quy mô 350 căn hộ kèm shophouse tại khu Nam TP.HCM, cho biết công ty ông bắt đầu nhận đặt chỗ trước tại dự án, với rổ hàng mới giai đoạn 1 khoảng 130 căn (giá bình quân 75 triệu đồng/m2), từ đầu tháng 10.
Chỉ sau vài ngày tung rổ hàng mới, tỷ lệ booking đã đạt khoảng 30%. Dù không quá đột phá nhưng đây rõ ràng là tín hiệu tốt nếu so với cùng kỳ năm 2023. “Các chính sách ưu đãi sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm đảm bảo tỷ lệ đặt trước đạt trên 80% vào cuối tháng 10, hoặc chậm nhất là trong tháng 11”, vị đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong “mùa gặt” cuối năm, tuy nhiên theo các chuyên gia, các chủ đầu tư địa ốc khu vực phía Nam vẫn đang phải đối diện với không ít thách thức, trong đó có áp lực trả nợ trái phiếu, tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn, pháp lý chưa khơi thông...
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, nhìn nhận những khó khăn về dòng tiền, trái phiếu và pháp lý khiến tiến độ các dự án khó đẩy nhanh, nguồn cung theo đó cũng khó có sự đột phá. Chưa kể, giá nhà phía Nam cũng đang neo cao, tình trạng lệch pha cung cầu thừa nhà cao cấp thiếu nhà giá rẻ, nhất là ở TP.HCM, phần nào ảnh hưởng đến sức thanh khoản.
Vẫn có những khó khăn hiện hữu, tuy nhiên, một điểm sáng khác khiến giới quan sát tin vào khả năng phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản phía Nam trong thời gian tới là dòng vốn ngoại chảy mạnh, trong đó có một phần không nhỏ chảy vào các dự án nhà ở.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam đánh giá, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam khá mạnh mẽ trong 3 - 4 năm trở lại đây. Dòng vốn đó đến nay bắt đầu thẩm thấu và các dự án có vốn FDI đã bắt đầu thực hiện.
Chẳng hạn, mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư TT Capital cùng hai đối tác đến từ Nhật Bản là Cosmos Initia (thành viên của Daiwa House Group) và Koterasu hợp tác phát triển dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền tại Bình Dương và các tỉnh lân cận.
Liên doanh này tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 150 triệu USD trong 5 năm tới, mục tiêu mỗi năm đưa ra thị trường hàng ngàn căn hộ giá rẻ. Đến nay, liên doanh này đã hoàn tất việc góp vốn vào Dự án TT AVIO tại TP. Dĩ An với quy mô gần 2.000 căn hộ, giá bán dưới 2 tỷ đồng/căn, nhiều khả năng ra mắt trong quý III/2024.
Trước đó, Kim Oanh Group cũng mới bắt tay với 3 tập đoàn hàng đầu đến từ Nhật Bản, gồm Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi và Công ty Phát triển đô thị NTT để lên kế hoạch triển khai một dự án đô thị quy mô 1 tỷ USD tại Bình Dương. Dự kiến, liên doanh này còn hướng đến phát triển thêm hàng loạt dự án khác với giá bán thuộc phân khúc trung cấp và bình dân.
Có thể thấy, dù hồi phục chậm hơn so với kỳ vọng, song theo các chuyên gia, thị trường bất động sản phía Nam đang đi chậm mà chắc. Thời gian tới, để vực dậy sức nóng cho thị trường bất động sản phía Nam, các chuyên gia cho rằng cần khơi thông nguồn cung cho thị trường khu vực này.
Thực tế TP.HCM và các tỉnh vệ tinh thời gian qua cũng đang từng bước hồi phục nhưng nguồn cung còn rất hạn chế. Bên cạnh chờ đợi các chính sách vĩ mô, như bộ 3 luật Nhà đất, Kinh doanh bất động sản và Nhà ở, có thể thẩm thấu nhanh, tác động tích cực, theo chuyên gia, bản thân doanh nghiệp cần chủ động tái cơ cấu đầu tư, cấu trúc sản phẩm hướng về nhu cầu thực, giảm giá nhà ở về mức tương đối, thực chất... từ đó cải thiện tâm lý khách hàng và cải thiện thanh khoản thị trường.
Nhật Minh
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//toan-canh/bat-dong-san-phia-nam-vao-mua-gat-cuoi-nam-1102797.html