Bên ngoài một tòa nhà được gọi là căn hộ dành cho thanh thiếu niên của China Vanke tại Thâm Quyến (Trung Quốc). Ảnh: Reuters.
Năm 2021, Evergrande - "đế chế" bất động sản quy mô lớn của Trung Quốc - đã tuyên bố vỡ nợ. Sự sụp đổ của nhà phát triển bất động sản này báo hiệu sự bắt đầu, cũng là một trong những tác nhân đẩy nhanh cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở tại Trung Quốc.
Kể từ sau sự kiện của Evergrande, doanh số bán căn hộ tại đất nước tỷ dân đã sụt giảm nghiêm trọng. Các công ty bất động sản, dù lớn hay nhỏ, đều lần lượt rơi vào tình trạng chật vật trả nợ. Tháng 1/2024, Tập đoàn Evergrande đã bị tòa án Hong Kong yêu cầu thanh lý tài sản sau khi không thể đưa ra kế hoạch tái cấu trúc nợ thỏa đáng.
Với tình hình kinh doanh thua lỗ và nợ nần của 2 “đại gia" bất động sản Trung Quốc khác là China Vanke và Country Garden, nước này đang lo ngại về “bóng ma" Evergrande sẽ quay trở lại một lần nữa.
Khủng hoảng liên tiếp của China Vanke
Giới chức Trung Quốc đang nỗ lực ổn định hoạt động của China Vanke sau khi tập đoàn bất động sản này gặp khó khăn về thanh khoản và các tin đồn liên quan lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp khiến trái phiếu, cổ phiếu China Vanke lao dốc tuần qua, Bloomberg trích dẫn theo các nguồn tin thân cận.
Ngày 17/1, chính quyền thành phố Thâm Quyến, nơi đặt trụ sở của Vanke, đã tổ chức một cuộc họp kín để thảo luận về tình hình tập đoàn. Được biết, Vanke có cổ đông lớn nhất là một công ty nhà nước thuộc quyền kiểm soát của Thâm Quyến.
Chính quyền cam kết giữ vững hoạt động ổn định của Vanke và sẽ mời các kiểm toán viên, cố vấn tài chính mới để đánh giá tình hình tài chính và dự án bất động sản của tập đoàn.
Những cuộc thảo luận này mới chỉ ở giai đoạn đầu và có thể thay đổi, các nguồn tin cho biết. Trong quá khứ, các cơ quan tài chính và chính quyền Thâm Quyến đã từng đóng vai trò điều phối việc gia hạn tài chính cho Vanke. Vì đó, Vanke từ lâu được coi là “bất khả xâm phạm” nhờ mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ.
Tuy nhiên, tình trạng của công ty đã trở nên đáng lo ngại từ đầu năm nay khi đối mặt với khối nợ "khổng lồ" cần thanh toán, doanh thu bán nhà sụt giảm và thua lỗ tăng lên giữa bối cảnh suy thoái chưa từng có của thị trường bất động sản.
Ngày 16/1, tin đồn về CEO Zhu Jiusheng của Vanke bị cảnh sát bắt giữ đã gây hoang mang trong giới đầu tư. Sau đó, Economic Observer đưa tin ông Zhu vẫn an toàn và thông tin trước đó bị xóa bỏ. Tuy nhiên, hiện chưa có cập nhật chính thức về tình hình của ông Zhu từ Vanke hay chính quyền Thâm Quyến.
Vanke đang gặp khó khăn về thanh khoản trong năm nay khi khoản nợ khoảng 5 tỷ USD đến hạn. Biểu đồ: Bloomberg.
Theo các nhà phân tích Kristy Hung và Monica Si của Bloomberg, nếu không có cứu trợ từ nhà nước, khả năng thanh khoản của Vanke là bất khả thi trong năm 2025. Hiện tỷ lệ tiền mặt/nợ ngắn hạn của công ty là 65%, và có thể sụt giảm thêm. Tài chính của cổ đông lớn nhất, Shenzhen Metro Group, cũng đang trong tình trạng căng thẳng.
Trong năm 2025, Vanke sẽ đối mặt với khối lượng trái phiếu đến hạn hoặc có quyền mua lại tổng trị giá 4,9 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và là mức cao nhất mà các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc phải trả năm 2025.
Ông Raymond Cheng, Trưởng bộ phân tích bất động sản Trung Quốc tại CGS International Securities Hong Kong, nhận định: “Vanke là một thương hiệu quốc dân. Nếu chính phủ có thể cứu trợ Vanke, tình hình sẽ không quá xấu.”
Country Garden - nỗi lo về viễn cảnh Evergrande tái diễn
Trong khi đó, một "đại gia" bất động sản khác - Country Garden - đang đàm phán để tái cấu trúc khoản nợ 16,4 tỷ USD và dự kiến trình tòa án vào tháng 4. Country Garden, từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã vỡ nợ 11 tỷ USD trái phiếu vào cuối năm 2023, càng làm sâu sắc thêm khủng hoảng ngành bất động sản nước này, theo The Strait Times.
Theo báo cáo tài chính phát ra hôm 14/1, doanh nghiệp này báo lỗ 178,4 tỷ nhân dân (24,3 tỷ USD) trong năm 2023, tăng mạnh so với mức lỗ 6 tỷ nhân dân (830 triệu USD) của năm 2022. Tuy nhiên, lỗ trong nửa đầu năm 2024 đã thu hẹp còn 12,8 tỷ nhân dân (1,76 tỷ USD) so với 48,9 tỷ nhân dân (6,72 tỷ USD) cùng kỳ năm 2023.
Kết quả được công bố muộn cho thấy những khó khăn của Country Garden trong bối cảnh khủng hoảng nhà ở đã gây rúng động nền kinh tế lớn nhất châu Á suốt hơn 3 năm qua.
Doanh thu bán hàng của Country Garden sụt giảm nghiêm trọng khi người mua nhà thiếu tự tin vào khả năng bàn giao dự án. Nhà phân tích Jeff Zhang của Morningstar không kỳ vọng có sự cải thiện lớn trong năm 2024.
Các tòa nhà dân cư đang được xây dựng tại khu phức hợp Luxury Mansion của Country Garden Holdings Co. ở Phật Sơn (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg.
Country Garden đã tuyên bố khoản lỗ năm 2024 sẽ giảm đáng kể so với năm 2023. Kết quả này được công bố trước khi tập đoàn phải làm việc với tòa án Hong Kong vào ngày 20/1, trong vụ kiện yêu cầu thanh lý tài sản do một đơn vị thuộc Kingboard Holdings đệ trình từ tháng 2 năm ngoái.
Ông Huang Tao, Giám đốc dự án của Centaline Property tại Quảng Châu, nhận định tình hình tài chính của Country Garden giống với Evergrande nhưng không nghiêm trọng bằng và có thể chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách "cứu được bao nhiêu hay bấy nhiêu".
Từ khi Trung Quốc triển khai các chính sách kích thích bất động sản vào tháng 9/2024, đến nay thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Theo dữ liệu thống kê trên Trading Economics, giá nhà mới ở Trung Quốc trong tháng 12/2024 đã lần đầu tiên đạt trạng thái ổn định sau 18 tháng giảm liên tiếp.
Đây là kết quả của chuỗi các biện pháp kích thích kinh tế mà chính phủ Trung Quốc đã triển khai. Trước đó, vào tháng 11/2024, giá nhà mới tại nước này vẫn giảm 0,1% so với tháng trước đó và giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Phương Linh