Các chuyến hàng ma túy bị tịch thu trong chiến dịch Orion. Ảnh: Colombian navy.
Trong chiến dịch Orion kéo dài 6 tuần, cơ quan thực thi pháp luật cùng các tổ chức từ 62 quốc gia đã chặn bắt 6 tàu chở đầy cocaine và tịch thu tổng cộng 1.400 tấn ma túy, trong đó có hơn 1.000 tấn cần sa.
Ngoài ra, giới chức bắt giữ hơn 400 nghi phạm, đồng thời ngăn chặn các chuyến hàng vận chuyển vũ khí bất hợp pháp và kẻ buôn người di cư, Guardian đưa tin.
Việc thu giữ 225 tấn cocaine trong 6 tuần - kỷ lục toàn cầu trong hoạt động bài trừ ma túy - giáng một đòn mạnh vào các băng đảng ma túy ở Mỹ Latin, khi Liên Hợp Quốc ước tính mỗi năm có khoảng 2.700 tấn cocaine được sản xuất trên toàn cầu. Kỷ lục thu giữ hàng năm của Colombia là 671 tấn vào năm 2022.
"Điều này sẽ ngăn chặn hàng nghìn ca tử vong do dùng thuốc quá liều và 8,5 tỷ USD đến tay các băng đảng ma túy, do đó chắc chắn sẽ làm giảm lợi nhuận của các tổ chức tội phạm này”, Đại úy Manuel Rodríguez - Giám đốc đơn vị chống ma túy của Hải quân Colombia - cho biết.
Hải quân Colombia ghi nhận thành công lịch sử này nhờ sự hợp tác chưa từng có giữa 62 quốc gia và các tổ chức học thuật. Theo ông Rodríguez, các quốc gia đối tác cùng dùng máy bay, trực thăng và khinh hạm để chặn các lô hàng bất hợp pháp, nhưng quan trọng trên hết vẫn là chia sẻ thông tin tình báo.
Một trong những bước đột phá lớn nhất là ngăn chặn 6 tàu chở cocaine, phát hiện ra một tuyến đường mới được sử dụng để vận chuyển số lượng ma túy chưa từng có đến Australia. Phần lớn tàu - thường được gọi là “tàu ngầm ma túy - dài 10-25 m nửa chìm nửa nổi nên gần như không thể nhìn thấy chúng lướt trên biển.
Một tàu bán ngầm đang trên đường đến Australia với 5 tấn bột trắng, cách đảo Clipperton 2.000 km về phía tây nam. “Đây là tuyến đường mới mở. Con tàu được tìm thấy khi đang lênh đênh, cách bờ biển Colombia gần 4.800 km hướng đến Australia và New Zealand”, ông Rodríguez cho biết.
Tội phạm buôn bán ma túy Colombia thường chỉ vận chuyển 5-50kg đến Australia và giấu trong các tàu chở hàng. Đây là lần đầu tiên phát hiện một tàu bán ngầm đang đi đến Châu Đại dương.
Phương Linh