Ngày 25-2, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm Nguyễn Thị Cẩm Nguyên, Nguyễn Văn Ngon, Lê Hữu Nhân và Phạm Duy Khánh về tội "Môi giới mại dâm".
Bị cáo Nguyên là người trực tiếp điều hành chuỗi nhà hàng trên địa bàn TP HCM, trong đó có nhà hàng 97 trên đường Sương Nguyệt Anh (phường Bến Thành, quận 1).
Theo cáo trạng của VKSND TP HCM, Nguyên cầm đầu đường dây mại dâm núp bóng hoạt động kinh doanh nhà hàng.
Thời điểm bị bắt, Công an TP HCM thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc tổ chức cho tiếp viên nữ bán dâm tại các khách sạn trên địa bàn. Lời khai của một số khách hàng cho thấy sau khi ăn uống, hát karaoke tại nhà hàng 97, họ được Nguyễn Văn Ngon – quản lý nhà hàng – môi giới 4 tiếp viên nữ với giá 12 triệu đồng/người/đêm.
Các bị cáo thời điểm bị bắt. Ảnh: Công an cung cấp
Quá trình điều hành, Nguyên chỉ đạo cấp dưới sử dụng tiếng lóng như "ăn cơm, ăn cháo" để ám chỉ việc tiếp viên đi bán dâm, đồng thời thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động nhằm đối phó cơ quan chức năng.
Ngoài ra, nhà hàng còn trang bị hệ thống báo động tinh vi gồm bộ đàm, đèn báo sáng, chế độ tự động tắt âm thanh... cùng đội ngũ 3-5 bảo vệ túc trực để kịp thời cảnh báo khi có biến.
Bên cạnh đó, Nguyên móc nối với nhiều quản lý nhằm lôi kéo hàng trăm tiếp viên nữ làm việc trong chuỗi nhà hàng do mình điều hành. Mỗi tháng, hệ thống này thu hút hàng nghìn lượt khách, mang về nguồn lợi bất chính ước tính hàng chục tỉ đồng.
Làm việc với cơ quan chức năng, Nguyên và các đồng phạm thừa nhận hành vi môi giới mại dâm.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, các bị cáo bất ngờ kêu oan, khai rằng do hoảng loạn khi bị bắt nên mới nhận tội.
Trước lập luận này, chủ tọa phiên tòa đặt vấn đề: "Sợ quá thì chối tội, sao lại nhận tội? Vô lý!". Dù vậy, Nguyên và đồng phạm vẫn khẳng định mình bị oan, không hề biết nhân viên có hoạt động mua bán dâm.
Chủ tọa sau đó công bố lời khai cùng các tin nhắn trong nhóm chat nội bộ, trong đó có nhiều tiếng lóng được sử dụng để môi giới mại dâm. Khi bị chất vấn, Nguyên phủ nhận hoàn toàn.
Một trong những tin nhắn được trích dẫn có nội dung: "…Anh chị em quản lý có khách thích ở đâu thì mình bán ở đó nhé!". Nguyên thừa nhận đã nhắn tin này nhưng giải thích rằng câu nói chỉ liên quan đến việc kinh doanh đồ ăn, nước uống. "Bị cáo bán đồ ăn, uống nên nói khách thích ăn ở đâu bán ở đó chứ không có ý gì khác" – Nguyên lý giải.
Chủ tọa tiếp tục công bố một tin nhắn khác của Nguyên: "Nhân viên đẹp cần hỗ trợ chạy show kiếm thêm". Nguyên lý giải rằng cụm từ "chạy show" ám chỉ nhân viên "chăm sóc khách hàng", tức phục vụ đồ ăn, gấp đá, bưng bê trong phòng khách. Theo bị cáo, bị cáo yêu cầu nhân viên "chạy show" nghĩa là nhân viên cần phải di chuyển liên tục giữa các phòng để làm việc, kiếm thêm thu nhập, mới gắn bó lâu dài với nhà hàng.
Đáng chú ý, Nguyên khai rằng trong thời gian bị tạm giam hơn ba tháng, bị cáo phải điều trị tâm thần. Ngoài ra, bị cáo còn viện dẫn một số tình tiết giảm nhẹ, bao gồm hoàn cảnh gia đình nhiều năm là gia đình văn hóa.
Sau một buổi xét hỏi, HĐXX nhận định vụ án còn một số vấn đề chưa được làm rõ nên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Trần Thái