LTS: Những câu chuyện về vàng bạc, kho báu ẩn sâu trong lòng đất Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho trí tưởng tượng và khát vọng khám phá. Trang Đời sống & Pháp luật trân trọng giới thiệu tuyến bài đặc biệt đưa quý vị ngược dòng thời gian, lật lại những vụ việc truy tìm kho báu, kho vàng nổi tiếng trên khắp dải đất hình chữ S.
Từ huyền thoại về kho báu vương triều đến lời đồn về của cải ngoại xâm, giấc mơ "vàng" dường như đã khắc sâu trong tâm trí người Việt. Tuyến bài này không chỉ đơn thuần kể lại những câu chuyện ly kỳ, mà còn đi sâu phân tích bối cảnh lịch sử, văn hóa đã tạo nên những huyền thoại ấy. Chúng tôi sẽ khám phá những hành trình tìm kiếm đầy gian nan, những hệ lụy pháp lý và xã hội đi kèm.
Liệu những kho báu đó có thực sự tồn tại? Động lực nào thúc đẩy con người theo đuổi giấc mơ xa vời này? Và sau tất cả, những câu chuyện này còn gửi gắm những bài học sâu sắc. Đó là sự tỉnh táo trước những lời đồn thổi, là giá trị của lao động chân chính, và đôi khi, kho báu lớn nhất lại nằm ở những di sản văn hóa, lịch sử vô giá mà chúng ta cần trân trọng và bảo tồn hơn là mải miết theo đuổi những ảo ảnh vàng bạc.
Bắt đầu từ ngọn lửa trên núi Tàu khơi gợi ký ức về 4.000 tấn vàng, đến những "hầm thần của" bí ẩn, hay những vụ phát hiện tài sản gây xôn xao dư luận, tuyến bài sẽ tái hiện một cách chân thực và đa chiều. Chúng tôi mong muốn mang đến cho quý vị không chỉ sự thỏa mãn trí tò mò, mà còn cái nhìn sâu sắc hơn về những khía cạnh lịch sử, văn hóa đặc sắc của dân tộc.
"Kho báu khổng lồ" qua những lời rỉ tai nhau
Theo thông tin được người dân xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội rỉ tai nhau, trên núi Cô Tiên (hay còn gọi là núi Bạch Tuyết) có một kho báu với vô số vàng bạc, nhưng được "yểm bùa" bằng những cô gái đồng trinh bị chôn sống.
Lời đồn về "kho báu đồng trinh" được người người truyền tai nhau theo những cốt truyện khác nhau. Ảnh minh họa.
Người đưa tin dẫn lời ông Nguyễn Đình Vượng, một người dân sống cạnh núi giãi bày, ngọn núi không biết có từ thời nào, nhưng khi lớn lên ông đã được nghe nhiều câu chuyện xung quanh.
Ông Vượng nói thêm: "Theo cha ông kể lại, ngày xưa khi người Trung Quốc qua Việt Nam họ mang theo nhiều vàng bạc, châu báu. Để bảo vệ số tài sản đó, họ đã dựng lên nhiều hòn đá kết thành hầm sâu, sau đó bắt một cô gái xinh đẹp "yểm bùa" rồi làm "thần giữ của". Nghe đâu, cô gái bị bắt có tên Bạch Tuyết. Ngọn núi chúng tôi gọi từ cái tên đó mà ra".
"Đây là ngọn núi thiêng. Người dân ai cũng xem như vật báu mà thờ phụng. Ở đây lâu rồi, tôi chưa được nghe "núi thần" cho của bao giờ. Tôi chỉ nghe tin rằng, nhiều người đến núi đào vàng đã bị điên, gia đình trở nên lục đục, không thuận hòa. Có một điều nữa, nhiều hôm cứ đến 4h chiều, ở ngọn núi bốc ra một mùi nước mắm nồng nặc, khó chịu. Bởi thế, mỗi lần đi qua ai cũng sợ, chẳng dám "xâm phạm" gì ở "núi thần" nữa", ông Nguyễn Văn Phê, một cao niên ở xã Vân Côn cho biết.
Sự thật về "kho báu"
Trao đổi trên báo Dân Việt, ông Vũ Tiến Ỉnh (cán bộ thôn Linh Thượng, xã Vân Côn) cho hay, ông nắm được việc nhiều người đào bới muốn tìm vàng ở núi Bạch Tuyết nhưng đều thất bại.
"Còn thông tin các thanh niên, người đào núi về bị tai ương, làm ăn thất bại có thể chỉ là tin đồn thất thiệt. Trong cuộc sống, làm ăn của chúng ta mỗi người mỗi khác nhau nên có lúc gặp khó khăn, thất bại, nguy hiểm là chuyện thường ngày", ông Ỉnh nói thêm.
Cận cảnh khu vực núi Bạch Tuyết có tin đồn có kho báu bí ẩn. Ảnh: Dân Việt
Cũng theo ông Ỉnh, núi Bạch Tuyết nơi đồn có kho báu bí ẩn thực ra nơi đây có 4 tảng đá lớn chụm đầu vào nhau, chữ không có gì đặc biệt. Đến giờ, khu vực này đã có cây cổ thụ mọc lên khá to tỏ bóng rất mát mẻ.
Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân thôn tin ở ở núi Bạch Tuyết, nơi có 4 tảng đá lớn nhô lên linh thiêng nên đã góp tiền dựng một miếu nhỏ gọi là quán Linh Thượng để thờ sơn thần.
Vị cán bộ thôn Linh Thượng cho biết, quán Linh Thượng mới được mới được đưa vào danh mục di tích được quản lý. Trước kia quán bị phá tan hoang, người dân mới quyên góp tiền xây dựng quán và tường rào bao quanh.
Hàng năm, vào khoảng tháng 2 Âm lịch, làng Linh Thượng lại tổ chức lễ hội rước kiệu qua quán Linh Thượng về các đình, chùa của xã thu hút hàng nghìn người tham gia.
Thùy Dung (t/h)