Bất ngờ tỷ giá và sự can thiệp của nhà điều hành

Bất ngờ tỷ giá và sự can thiệp của nhà điều hành
6 giờ trướcBài gốc
Việc tỷ giá đã hạ nhiệt nhờ nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào và đồng đô la Mỹ đi xuống trên thị trường quốc tế có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhà điều hành mua ngoại tệ.
Tỷ giá biến động bất ngờ
Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã bất ngờ tăng trở lại với mức 4% trong tháng 10-2024 (tính đến ngày 21-10), sau khi đã giảm từ mức 4,3% vào đầu tháng 7-2024 xuống mức 1,4% trong tháng 9-2024. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đô la Mỹ tăng từ 100,3 điểm lên 103,6 điểm, do chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 9-2024 vượt dự báo, làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không thể hạ lãi suất nhanh như dự kiến.
Thêm vào đó, rủi ro từ các xung đột địa chính trị leo thang (đặc biệt giữa Iran và Israel), cùng với việc một số ngân hàng trung ương như ECB và PBoC giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm lần lượt vào các ngày 17 và 21-10-2024, đã khiến các nhà đầu tư tìm đến đô la Mỹ như một tài sản trú ẩn an toàn.
Ít sự can thiệp từ cơ quan quản lý vào tỷ giá
Từ tháng 9-2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ngừng phát hành tín phiếu, đồng thời giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO) xuống 4%/năm, mức thấp nhất kể từ tháng 4-2024. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm sâu, xuống chỉ còn 2,7%/năm, phản ánh thanh khoản dồi dào trên thị trường.
Từ đầu năm, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện năm đợt mua ngoại tệ với tổng khối lượng 500 triệu đô la Mỹ từ các ngân hàng thương mại. Riêng trong hai tháng 9 và 10-2024, KBNN chào mua thêm 400 triệu đô la Mỹ khi tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng giảm.
Trong khi đó, KBNN chỉ huy động được hơn 271.000 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm 2024, so với kế hoạch cả năm là 400.000 tỉ đồng. Dự kiến, trong quí 4-2024, KBNN sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu nội địa đi vay do lãi suất trong nước hiện đang hấp dẫn hơn so với vay nợ nước ngoài.
Những yếu tố này đã dẫn đến việc nguồn cung tiền dồi dào, kéo theo lãi suất giảm nhanh. Điều này gây ra tình trạng chênh lệch lãi suất âm giữa tiền đồng và đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng, tạo áp lực tăng lên tỷ giá, góp phần vào đợt tăng mạnh của tỷ giá trong tháng 10-2024.
Trước sự biến động nhanh của tỷ giá, NHNN đã can thiệp bằng cách phát hành tín phiếu (SBV-Bill) kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày với lãi suất lần lượt là 3,74%/năm và 4%/năm. Động thái này được coi như một biện pháp nhằm ngăn chặn sự giảm sâu của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, đồng thời kiểm soát thanh khoản, góp phần giảm bớt áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.
Tỷ giá sẽ nằm trong vùng kiểm soát
Dự kiến, cho tới cuối năm nay, Fed sẽ tổ chức hai cuộc họp để xem xét khả năng giảm lãi suất. Dữ liệu từ CME Group cho thấy xác suất Fed giảm 0,25 điểm phần trăm trong tháng 11 và tháng 12 lần lượt là 85% và 64% (tính tại ngày 21-10-2024). Nếu Fed thực hiện hai lần giảm lãi suất với tổng cộng 0,5 điểm phần trăm thì lãi suất sẽ giảm xuống mức 4,25-4,5%/năm vào cuối năm 2024, qua đó làm giảm chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ, và giảm áp lực lên tỷ giá.
Bên cạnh đó, xu hướng giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương khác như ECB và PBoC cũng sẽ góp phần làm giảm áp lực lên tỷ giá chéo của tiền đồng so với các đồng tiền khác.
Vừa qua NHNN dường như đã “thả lỏng” tỷ giá và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng nhằm theo dõi diễn biến của thị trường, trước khi có động thái can thiệp trở lại. Theo đánh giá, NHNN đang có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục can thiệp và ổn định tỷ giá trong quí 4-2024, giúp giảm thiểu rủi ro từ các biến động lớn.
Dòng tiền ngoại tệ vào được dự báo sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm. Thặng dư thương mại quí 3-2024 đạt gần 9 tỉ đô la, cao hơn mức trung bình khoảng 5 tỉ đô la trong hai quí đầu năm. Vốn FDI giải ngân cũng tăng mạnh, đạt 6,5 tỉ đô la trong quí 3-2024, so với 4,6 tỉ đô la và 6,2 tỉ đô la trong quí 1 và quí 2. Bên cạnh đó, hoạt động vay, trả nợ và tiền gửi (đã dẫn đến việc rút ra khoảng 9,5 tỉ đô la trong nửa đầu năm) cũng được dự báo sẽ ít có biến động lớn trong nửa sau của năm.
Vì vậy, vừa qua NHNN dường như đã “thả lỏng” tỷ giá và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng nhằm theo dõi diễn biến của thị trường, trước khi có động thái can thiệp trở lại. Theo đánh giá, NHNN đang có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục can thiệp và ổn định tỷ giá trong quí 4-2024, giúp giảm thiểu rủi ro từ các biến động lớn.
Biến động của giá vàng có thể là một nhân tố ảnh hưởng nhưng sẽ không tác động quá lớn
Thời gian qua, giá vàng trong nước liên tục “nhảy múa” cùng với sự biến động của giá vàng thế giới, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu ngoại tệ để mua vàng. Mặc dù không có thống kê chính thức, nhưng có thể thấy rằng khi giá vàng tăng mạnh, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trên thị trường tự do cũng có xu hướng tăng theo.
Năm nay, NHNN đã phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng, nhằm giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán giá vàng có thể tiếp tục tăng lên mức 3.000 đô la/ounce trong nửa đầu năm 2025, dẫn đến một lượng ngoại tệ sẽ được chuyển sang vàng. Số ngoại tệ này thường nằm một phần trong mục lỗi và sai sót của cán cân tổng thể quốc gia, với con số lỗi và sai sót hơn 12,3 tỉ đô la trong nửa đầu năm 2024, tăng mạnh so với 6,1 tỉ đô la trong nửa đầu năm 2023.
Mặc dù vậy, với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vàng và thắt chặt nguồn cung, NHNN hy vọng sẽ hạn chế mức độ tác động của thị trường vàng lên tỷ giá theo đúng mục tiêu đã đề ra. Điều này cho thấy sự quyết tâm của NHNN trong việc ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát, đồng thời bảo vệ lợi ích của nền kinh tế quốc gia.
Trịnh Duy Viết
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/bat-ngo-ty-gia-va-su-can-thiep-cua-nha-dieu-hanh/