Các đại biểu châu Âu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Brazil không hài lòng với quyết định của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva về việc kết thúc các cuộc đàm phán và đưa ra tuyên bố chung của nhóm sớm hơn 1 ngày so với bình thường để hạn chế các cuộc thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 19/11 cho biết ông "lấy làm tiếc" vì tuyên bố chung của G20 không phản ánh cuộc chiến ở Ukraine, đặc biệt là khi cuộc xung đột đạt đến cột mốc ngày thứ 1.000.
Không chỉ Hội nghị Thượng đỉnh kéo dài 2 ngày của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) tại Rio de Janeiro, mà kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, các Hội nghị Thượng đỉnh G20 đều gặp khó trong việc ra tuyên bố chung và tìm ra từ ngữ phù hợp mô tả vấn đề này.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro, ngày 18/11/2024. Ảnh: Getty Images
Tuyên bố chung thường được ban hành vào cuối Hội nghị Thượng đỉnh, nhưng ông Lula đã quyết định phê duyệt văn bản khi kết thúc phiên họp toàn thể vào ngày 18/11 – tại thời điểm các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Mỹ không có mặt trong phòng, theo nguồn tin của Reuters.
"Tổng thống Lula đã chốt văn bản của tuyên bố chung. Nó không đạt được lập trường mà chúng tôi có thể có", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với các phóng viên vào cuối hôm 18/11, đồng thời nói thêm rằng sẽ tốt hơn nếu văn bản nêu rõ hơn về cuộc chiến.
"Điều này không thay đổi bất cứ điều gì trong lập trường của Pháp" đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine và ưu tiên đạt được hòa bình lâu dài, ông Macron nói thêm.
Một quan chức châu Âu phàn nàn với Reuters về "chiến thuật" của Brazil, nhưng cho biết đất nước ông quyết định tôn trọng đặc quyền của nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh trong việc quyết định thời điểm ban hành tuyên bố chung.
Brazil đã đẩy nhanh việc phê duyệt thông cáo vào cuối hôm 18/11 để tránh nguy cơ Hội nghị Thượng đỉnh kết thúc mà không có tuyên bố cuối cùng, mặc dù người châu Âu đã yêu cầu ngôn từ mạnh mẽ hơn về vai trò của Nga trong cuộc chiến, 3 nhà ngoại giao Brazil có mặt tại các cuộc đàm phán nói với Reuters.
Bộ Ngoại giao Brazil đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Đại sứ các nước G20 đã đạt được thỏa thuận về tuyên bố chung vào sáng sớm ngày 17/11 sau các cuộc đàm phán căng thẳng, nhưng chiều hôm đó, Pháp và Đức bắt đầu gây sức ép buộc Brazil mở lại văn bản sau khi có thông tin về các cuộc không kích lớn của Nga vào Ukraine. Brazil đã từ chối.
Đáng lẽ vào ngày 18/11 các nhà ngoại giao Pháp có thể đã yêu cầu hoãn việc phê duyệt văn bản cho đến khi ông Macron có mặt trong phòng, nhưng họ đã không làm vậy, khiến người Brazil nhẹ nhõm.
"Việc mở lại văn bản sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ nỗ lực đàm phán trong một tuần trước đó", một quan chức Brazil nói với Reuters.
Thủ tướng Đức Scholz coi sự bất đồng về văn bản G20 là dấu hiệu của thời đại trong một thế giới đang thay đổi. Ông nói: "Có thể thấy rõ ràng căng thẳng địa chính trị đang tác động đến G20 như thế nào".
Minh Đức (Theo Straits Times)