Một cơ sở khai thác khí đốt ở gần thành phố Novy Urengoi, Nga. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Bất chấp áp lực trừng phạt, cuộc xung đột đang diễn ra và nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới của ông Donald Trump, EU vẫn nhập khẩu khí đốt từ Nga với tốc độ kỷ lục trong tháng 1/2025.
Điều này giúp Điện Kremlin thu về hàng tỷ USD, làm gia tăng lo ngại về khả năng Nga sử dụng nguồn tiền này để tài trợ cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích hàng hóa Kpler và tờ Politico, trong 15 ngày đầu tháng 1/2025, 27 quốc gia thuộc EU đã nhập khẩu 837.300 tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga.
Con số này tăng so với 760.100 tấn cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức kỷ lục mới và dấy lên câu hỏi về cam kết của phương Tây trong việc siết chặt nguồn tài chính của Nga.
Sự gia tăng nhập khẩu diễn ra ngay sau khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine hết hạn vào ngày 1/1/2025. Ukraine tuyên bố không đàm phán gia hạn, buộc các quốc gia châu Âu phải tìm đến nguồn LNG vận chuyển qua đường biển từ các cảng của Nga.
Một số quốc gia như Slovakia và Hungary, vốn phụ thuộc vào tuyến đường qua Ukraine, đã cảnh báo rằng việc kết thúc thỏa thuận sẽ khiến họ phải chi nhiều hơn cho LNG. Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người có quan điểm thân Nga, thậm chí đe dọa ngừng cung cấp điện cho Ukraine và giảm hỗ trợ người tị nạn nếu Kiev không nhượng bộ.
Tuy nhiên, xu hướng nhập khẩu LNG từ Nga của toàn EU không có dấu hiệu suy giảm.
Ông Charles Costerousse, chuyên gia phân tích LNG tại Kpler, giải thích rằng các yếu tố như thời tiết lạnh kéo dài từ tháng 12, sản lượng điện gió giảm và các hợp đồng dài hạn đã thúc đẩy nhập khẩu.
Ông cho biết, 95-96% LNG từ Nga nhập vào EU đến từ nhà máy Yamal, một cơ sở sản xuất khổng lồ tại Siberia. "Đây chủ yếu là các hợp đồng dài hạn, chứ không phải các đơn hàng mua thêm trên thị trường giao ngay", ông nói.
Bà Anna-Kaisa Itkonen, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, thừa nhận rằng mặc dù EU đã đạt được những tiến bộ trong việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, nhưng khí đốt, đặc biệt là LNG, vẫn hiện diện ở châu Âu.
"Những kết quả đạt được là đáng kể, nhưng việc nhập khẩu khí đốt Nga, bao gồm cả LNG, vẫn gia tăng trong năm 2024. Điều này gây ra mối lo ngại nghiêm trọng", bà nói.
Dự kiến, Ủy ban châu Âu sẽ công bố một lộ trình nhằm chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga vào cuối tháng 2 tới.
Trong khi đó, 10 quốc gia EU đã kêu gọi áp đặt trừng phạt đối với LNG của Nga. Một đề xuất bị rò rỉ cho rằng việc tăng cường nhập khẩu LNG của Nga đang gián tiếp hỗ trợ cuộc xung đột tại Ukraine.
Tài liệu rò rỉ đánh giá khả năng duy trì nỗ lực xung đột của Nga gắn chặt với doanh thu từ năng lượng. Và EU cần có bước tiến xa hơn để xử lý vấn đề này, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu LNG của Nga càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, EU cũng đang chịu áp lực từ Mỹ trong việc tăng cường nhập khẩu khí đốt từ nước này. Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump đã tuyên bố ủng hộ tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu khí đốt.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc thay thế khí đốt Nga bằng LNG của Mỹ. "Tại sao không thay thế bằng LNG Mỹ, rẻ hơn và giúp giảm giá năng lượng", bà phát biểu vào tháng 11/2024.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo politico)