Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán: BMP) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 với doanh thu chỉ đạt 1.052 tỷ đồng, giảm mạnh 28% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng cũng giảm 10%, còn 231 tỷ đồng.
Xét cả năm 2024, doanh thu của công ty ghi nhận 4.600 tỷ đồng và lãi ròng đạt 991 tỷ đồng, đều sụt giảm nhẹ so với năm 2023. Tuy nhiên, Nhựa Bình Minh vẫn duy trì dấu ấn đáng ghen tị với biên lãi gộp phá kỷ lục, chạm ngưỡng 43,1% – một con số đáng ngưỡng mộ trong ngành nhựa.
Năm 2018, Tập đoàn SCG - một doanh nghiệp lớn tại Thái Lan đã thông qua công ty con có tên Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., tiến hành mua 20,4% cổ phần của Nhựa Bình Minh, đặt dấu mốc chi phối trong lĩnh vực nhựa xây dựng. Từ khi trở thành cổ đông lớn, Nawaplastic đã nhận khoảng 2.300 tỷ đồng tiền cổ tức từ Nhựa Bình Minh do doanh nghiệp này có tỷ lệ trả cổ tức hàng năm rất cao, đỉnh điểm lên tới 84% vào năm 2022.
Ngược lại, từ khi thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn SCG, Nhựa Bình Minh đã thể hiện sức bền ấn tượng, từ doanh thu kỷ lục năm 2022 đến lợi nhuận đột phá năm 2023. Đặc biệt, biên lãi gộp cải thiện không ngừng.
Nếu quay ngược lại năm 2021, biên lãi gộp của Nhựa Bình Minh chỉ hơn 15%, con số này giờ gấp gần 3 lần nhờ khả năng tối ưu chi phí. Trong năm 2024, công ty mạnh tay cắt giảm chi phí phân phối xuống còn 351 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với 509 tỷ đồng năm 2023.
Kết quả tích cực trên không thể không đề cập đến giá hạt nhựa PVC - nguyên liệu cốt lõi để sản xuất ống nhựa giảm mạnh trong suốt năm qua, mang lại lợi thế đáng kể. So với năm 2021, khi giá hạt nhựa đạt đỉnh 13.319 CNY/tấn, lợi nhuận Nhựa Bình Minh chỉ dừng ở mức 214 tỷ đồng, đến nay giá đã giảm 63%, giúp lợi nhuận duy trì ở mức cao.
Dưới sự điều hành của Tổng Giám đốc Chaowalit Treejak và Chủ tịch Sakchai Patiparnpreechavud, Nhựa Bình Minh không chỉ duy trì hiệu quả hoạt động mà còn tạo ra những giá trị bền vững. Báo cáo tài chính của công ty cũng tiết lộ tổng thu nhập của ban lãnh đạo năm 2024 vượt 11 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Đặc biệt, ông Chaowalit nhận 6,2 tỷ đồng, tăng 22%, trong khi Chủ tịch Sakchai nhận hơn 3,2 tỷ đồng, tăng 16%.
Tổng Giám đốc Chaowalit Treejak từng chỉ nhận 3,6 tỷ đồng năm 2022, đồng nghĩa tăng 72% trong vòng 2 năm, khi điều hành công ty liên tục đạt hiệu quả cao. Tương tự với khoản thu nhập của Chủ tịch Sakchai Patiparnpreechavud, gấp đôi so với 2 năm trước.
Bước sang năm 2025, nhiều dự đoán đưa ra rằng Nhựa Bình Minh đang đứng trước nhiều cơ hội tươi sáng. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định nhu cầu tiêu thụ ống nhựa sẽ khả quan khi thị trường bất động sản dần hồi phục, các chính sách tài khóa như giảm thuế VAT và đẩy mạnh đầu tư công được triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Nhựa Bình Minh còn có kế hoạch tung ra chính sách bán hàng mới nhằm giành lại thị phần từ các đối thủ như Nhựa Tiền Phong (mã chứng khoán: NTP) hay Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG).
Doanh thu của Nhựa Bình Minh trong năm 2025 theo đó được dự báo có thể đạt 5.500 tỷ đồng, còn lãi ròng được kỳ vọng tiếp tục "neo" ở mức cao, dao động từ 1.000-1.100 tỷ đồng trong giai đoạn 2024-2026, dựa trên quan điểm mức giá thấp của hạt nhựa PVC được duy trì.
Diễn biến thị giá cổ phiếu BMP trong thời gian qua
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/1, giá cổ phiếu BMP hiện đang ghi nhận ở mức 125.600 đồng/cổ phiếu, thuộc top những cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán. Theo đó, vốn hóa của doanh nghiệp nhựa này ước đạt hơn 10.280 tỷ đồng.
Hồng Hạnh