Khảo sát do nhà phân tích dữ liệu nổi tiếng Nate Silver công bố cho thấy: 53,5% người được hỏi có quan điểm không thiện cảm với Elon Musk, trong khi chỉ 39,6% bày tỏ thái độ tích cực. Đây là mức tăng đáng kể so với tỷ lệ 38% không ưa vào đầu năm 2024.
Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: AFP/TTXVN
Mức thiện cảm giảm rõ rệt hơn sau khi Musk công khai ủng hộ mạnh mẽ cho chiến dịch tranh cử lần hai của ông Donald Trump, bao gồm cả việc tài trợ chi phí cho cử tri. Tỷ lệ phản đối tiếp tục gia tăng khi ông chính thức tham gia DOGE - tổ chức đang thực hiện kế hoạch tinh giản bộ máy hành chính liên bang.
Nate Silver cho biết quy trình khảo sát lần này được áp dụng tương tự như đối với cựu Tổng thống Trump, nhưng đã điều chỉnh lại để phù hợp với dữ liệu ít hơn về Elon Musk, nhằm tránh thiên lệch.
Dù Silver Bulletin là một bản tin cá nhân, không phải đơn vị khảo sát chuyên nghiệp như Pew Research hay Gallup, nhưng xu hướng này được củng cố bởi nhiều khảo sát lớn khác.
Theo khảo sát Harvard Harris cuối tháng 3 (trên 2.746 người Mỹ), mức độ yêu thích Musk giảm xuống -10 điểm, chuyển từ trung lập sang tiêu cực.
Một khảo sát toàn quốc của Fox News giữa tháng 3 ghi nhận 58% phản đối cách Musk điều hành DOGE.
Nhiều người Mỹ cho rằng phần lớn các khoản chi tiêu chính phủ là lãng phí, và quá trình cải tổ hiện tại không được thực hiện một cách cẩn trọng.
Theo The Verge, hình ảnh gây tranh cãi của Musk đang bắt đầu ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử tại Mỹ. Tại bang Wisconsin đầu tháng 4, ông đã chi khoảng 20 triệu USD để ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa Brad Schimel. Tuy nhiên, phản ứng của cử tri lại đi ngược kỳ vọng.
Musk sắp rời DOGE theo kế hoạch 130 ngày
Vào đầu tháng 4, Nhà Trắng xác nhận Elon Musk sẽ rút khỏi vai trò tại DOGE vào tháng 5, đúng theo kế hoạch 130 ngày kể từ khi nhậm chức.
Tổng thống Donald Trump chia sẻ ngắn gọn về điều này: “Chúng tôi không vội vã. Nhưng sẽ đến lúc, bạn biết đấy, ông ấy sẽ phải rời đi.”
Tổng thống Trump và Elon Musk đang phối hợp để hiện đại hóa chính phủ liên bang.
Elon Musk từng được xem là biểu tượng của sự đổi mới trong thế giới công nghệ với loạt thành tựu mang tính cách mạng: từ xe điện Tesla, tên lửa tái sử dụng của SpaceX đến tham vọng kết nối não người với máy tính qua Neuralink. Tuy nhiên, kể từ khi thâu tóm mạng xã hội Twitter vào năm 2022 (nay là X), hình ảnh của ông dần chuyển hướng sang một nhân vật chính trị xã hội gây nhiều tranh cãi.
Trong vai trò lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), Elon Musk đã triển khai loạt biện pháp cải cách nhằm cắt giảm chi tiêu và tăng hiệu quả bộ máy hành chính liên bang. Một trong những động thái nổi bật là việc mở cổng thông tin trực tuyến để người dân góp ý loại bỏ các quy định rườm rà. Musk cũng công bố kế hoạch tiết kiệm 150 tỷ USD cho ngân sách năm 2026 bằng cách rà soát gian lận và lãng phí trong các cơ quan công. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu là 1.000 tỷ USD trong 130 ngày. Ngoài ra, DOGE còn tiếp cận các hệ thống nhạy cảm như dữ liệu Bộ Tài chính và An sinh Xã hội để điều tra các sai phạm, dẫn đến nhiều tranh cãi về quyền hạn và quyền riêng tư. Những hành động quyết liệt của Musk tại DOGE nhận được cả sự ủng hộ lẫn chỉ trích gay gắt từ công chúng và giới lập pháp.
Quỳnh Hoa