Lo các con sướng quá!
Có cầu ắt có cung. Nhiều loại hình trại hè bùng nổ do nhu cầu lớn từ phía phụ huynh. Phụ huynh An Ngọc, có con trai đang học lớp 7, nhìn nhận: “Có nhiều loại hình trại hè thể hiện đời sống phát triển, con người nói chung và trẻ con nói riêng được quan tâm hơn. Các tổ chức và cá nhân có điều kiện tổ chức các trại hè nhiều hơn, không như ngày xưa chọn mãi mới được một số ít học sinh có thành tích tham dự trại hè do Đoàn, Hội tổ chức”. Theo anh, ở lứa tuổi học sinh, được đi dự trại hè là cơ hội tốt để trải nghiệm và giao lưu. “Càng tốt hơn nữa trong bối cảnh có rất nhiều học sinh bị nghiện game, điện thoại và máy tính như hiện nay”, anh nói.
Một số gia đình có điều kiện cho con tham gia trai hè quốc tế Nguồn: Phạm Thu Hà
Phụ huynh Phạm Thu Hà (Hà Nội) cho rằng phong trào gửi con đến trại hè dâng cao chủ yếu vì các bậc phụ huynh mong muốn dành những điều tốt đẹp cho con. “Cha mẹ quyết định gửi con đến trại hè vì mong con phát triển kỹ năng. Trại hè cung cấp cơ hội cho trẻ em phát triển các kỹ năng mới như làm việc nhóm, lãnh đạo, giải quyết vấn đề và tự lập, giúp trẻ thêm tự tin, vượt qua nỗi sợ hãi, thử thách bản thân lại có thêm cơ hội mở rộng vòng tròn bạn bè, thêm những trải nghiệm mới mẻ”, chị Hà nói. Vợ chồng chị thường cho con tham gia trại hè quốc tế vì mong muốn con có cơ hội cải thiện kỹ năng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác thông qua giao tiếp với bạn bè quốc tế, được trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa mới.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa con đến trại hè quốc tế. Loại hình trại hè nào được nhiều phụ huynh nhắm tới? Phụ huynh An Ngọc nhận định: “Loại hình trại hè quân đội thu hút hơn cả”. Không chỉ học trò ở các thành phố lớn, mà học trò ở tỉnh lẻ cũng được cha mẹ gửi tới trại hè quân đội. Chị Phương Linh, sinh sống và làm việc ở Cao Bằng, chia sẻ: “Cháu tôi cũng từng tham gia trại hè quân đội. Khi trở về nhà, tuần đầu tiên, cháu thay đổi đến giật mình, thức dậy đúng giờ không cần cha mẹ gọi như hò đò, gấp chăn gọn gàng, ăn uống cũng không kén như trước. Nhưng sau một tuần đâu hoàn đấy, cháu trở lại sinh hoạt như khi chưa đi trại hè”. Dù vậy, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng nên cho con trải nghiệm trại hè quân đội ít nhất một lần. Chị Minh Hòa, phụ huynh của học sinh lớp 12, Trường THPT Everest (Hà Nội), nói: “Nhờ trại hè quân đội, con tôi dễ dàng thích ứng hoàn cảnh sống hơn những bạn chưa từng trải nghiệm loại hình trại hè này”.
Chị kể, một bạn nữ bằng tuổi con chị đã khóc khi đêm ngủ không có điều hòa, buộc phụ huynh phải thuê khách sạn cho con “lánh nạn” khi mất điện. Chị Minh Hòa nói: “Mỗi lần cho con đi trại hè quân đội, tôi cũng mất ăn mất ngủ, vì con trai tôi sức khỏe yếu. Sau khóa rèn luyện, có khi con lăn ra ốm, lại phải nghỉ học”. Chị cho rằng trại hè giúp các con trải nghiệm làm nông dân, làm lính… được nhiều phụ huynh lựa chọn.
“Bởi vì thời bây giờ các con đầy đủ quá. Cha mẹ lo lắng các con sướng quá. Nếm vị khổ trong dịp hè cũng là để các con bớt bỡ ngỡ, suy sụp nếu chẳng may cuộc sống sau này không như ý”. Nhưng chị phản đối loại hình trại hè cho con trải nghiệm nhà vệ sinh ô nhiễm khiến trẻ nhiều ngày không dám đi vệ sinh như ở Làng Háo Hức vừa qua. “Thế hệ cha mẹ đã nỗ lực bao nhiêu để có được nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh. Nhà vệ sinh ô nhiễm là nỗi ám ảnh của thế hệ chúng tôi nên trại hè có tính nhân văn không được phép đưa ra trải nghiệm ám ảnh ấy cho các trại sinh”, chị Minh Hòa nói.
Có nhất thiết tặng con “quà mùa hè”?
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi là một phụ huynh thành công trong nuôi dạy con cái. Năm ngoái, con gái ông ẵm hàng loạt học bổng của nhiều trường đại học nổi tiếng ở Mỹ. Từ con mắt của nhà sư phạm và phụ huynh, ông chỉ ra một số nguyên nhân khiến các phụ huynh nhiệt tình gửi con tới trại hè.
“Phụ huynh muốn tặng con một phần thưởng dịp hè. Trại hè như món quà của họ dành cho con. Khi gửi con đến trại hè họ muốn con học cách sống độc lập hơn là thu lượm kiến thức. Cũng có thể họ cần chứng nhận tham gia trại hè, để làm đẹp hồ sơ cho con khi cần xin học bổng chỗ này, chỗ kia. Đây là “bệnh” chạy theo thành tích”.
Còn một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng khiến trại hè dễ lọt mắt xanh các bậc phụ huynh. “Vì cạnh tranh nên xuất hiện trại hè giá rẻ. Một số đơn vị tổ chức coi việc mở trại hè như mở tua du lịch bình dân hơn là coi nó như trại học tập, đào tạo để trẻ phát triển toàn diện như họ quảng cáo.
Ở nước ngoài, để con trải nghiệm những khóa trại hè có nội dung đào tạo tốt, cha mẹ phải bỏ ra không ít chi phí”, Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội, nói. Theo ông, với những khóa trại hè có sự tham gia của diễn giả, phụ huynh nên tìm hiểu xem diễn giả đến từ đâu, nội dung họ nói là gì. “Bởi có khi diễn giả còn làm thay đổi suy nghĩ của con theo hướng tiêu cực. Điều này hoàn toàn không tốt”, ông cảnh báo.
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi đồng tình với ý kiến cho rằng, gửi con tới trại hè còn phản ánh cha mẹ thiếu thời gian dành cho con hoặc lười quản lý con. Có những phụ huynh thú nhận, họ đưa con đến trại hè để đỡ phải quản con. Họ coi trại hè chỉ như điểm trông trẻ con mùa hè. Có những đứa trẻ sợ trại hè.
Phụ huynh An Ngọc chia sẻ, dù cha mẹ khuyến khích, động viên nhưng con trai của anh vẫn không chịu tham gia trại hè vì mê ở nhà chơi game, ôm máy tính hơn. Đó là một vòng luẩn quẩn: Phụ huynh gửi con đến trại hè để kéo con ra khỏi những phương tiện gây mê của thời công nghệ. Nhưng chính người lớn đã đẩy trẻ con đến với thế giới game, điện thoại, máy tính… khi mỗi ngày họ ngại dành thời gian cho con.
TS Bùi Thiên Thai, Viện Văn học, nói rằng: Chị chưa từng cho con tham dự trại hè. Chị nói: “Cố gắng cho con tham dự tất cả hoạt động do trường lớp tổ chức, kể cả qua đêm. Nhiều cha mẹ không cho con đi qua đêm. Còn tôi xác định đi một ngày đàng học một sàng khôn nên không cấm con đi qua đêm, nếu có sự giám sát của người lớn”.
TS Mai Quyên, đang giảng dạy ở ĐH Vân Nam (Trung Quốc), khoa Tiếng Việt, có con gái đang học tiểu học ở Trung Quốc, chia sẻ: “Ở Trung Quốc, không có cơn sốt trại hè, vì chi phí siêu đắt đỏ, người tham gia cực ít. Vì trẻ con bên này bài tập hè nhiều như núi mà ngày nào cũng phải nộp online cho giáo viên kiểm tra. Ở bên này, nghỉ hè chỉ là thay đổi chỗ học từ học ở trường sang học ở nhà hoặc đi trung tâm học, không có nghỉ ngơi”.
Làng Háo Hức là mô hình trại hè khá nổi tiếng do MC Minh Trang sáng lập. Ồn ào xảy ra đầu tháng 7, khi một vị phụ huynh viết bài tố Làng Háo Hức không tuyệt vời như quảng cáo. Bằng chứng là con trai của chị không dám đi vệ sinh trong suốt 8 ngày vì nhà vệ sinh bẩn. Thêm nữa, con của chị còn gặp những vấn đề về sức khỏe như viêm da nghiêm trọng, tâm lý bị ảnh hưởng vì bị bắt nạt khi trải nghiệm trại hè Làng Háo Hức 8 ngày, 7 đêm ở Thái Nguyên. Bài tố của vị phụ huynh nọ lập tức “viral” (phủ sóng) mạng xã hội. Nhiều phụ huynh khác cũng lên tiếng vén màn góc khuất của Làng Háo Hức. Thậm chí họ còn tràn vào fanpage Làng Háo Hức chia sẻ trải nghiệm không hài lòng khiến Làng Háo Hức nhận bão 1 sao. MC Minh Trang và chồng - người đại diện pháp luật của Làng Háo Hức đã lên tiếng giải thích, xin lỗi, song nhiều phụ huynh vẫn kiên quyết quay lưng. Cơn ác mộng Làng Háo Hức là tiếng chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ nên tìm hiểu kỹ mô hình trại hè trước khi gửi con tham gia. Một nhà văn bình luận: “Những ồn ào về quảng cáo kẹo rau củ, sữa giả liên quan đến người nổi tiếng nhắc nhở người tiêu dùng nên tỉnh táo khi mua sắm. Trại hè cũng là một sản phẩm, phụ huynh chính là khách hàng mua sản phẩm cho con cái trải nghiệm. Đừng mất tiền mua những trải nghiệm tồi tệ, bởi chúng sẽ biến thành dấu ấn sợ hãi trong tuổi thơ của con”.
Đã đến lúc cần có bộ tiêu chuẩn về quy trình đảm bảo chất lượng cho các chương trình trại hè, chương trình ngoại khóa ngoài nhà trường. Tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, lúc xảy ra sự cố không ai chịu trách nhiệm. Mời xem tiếp bài cuối: Nếu trẻ bị tổn thương, ai chịu trách nhiệm?
Đào Nguyên