HTX Sản xuất Rau an toàn Thành Lợi, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, là một trong những điển hình trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm ổn định cho các thành viên và người lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Nâng tầm sản xuất
Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ cao trong nông nghiệp, HTX Thành Lợi đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới với diện tích gần 3.000 m² để trồng rau mồng tơi.
Việc trồng rau trong nhà lưới giúp HTX kiểm soát môi trường, giảm thiểu tác động của sâu bệnh và điều kiện thời tiết, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.
Các HTX trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng hiện đại.
Bên cạnh đó, HTX còn triển khai trồng 1,5 ha khoai lang Nhật và giống khoai tây Atlantic trên diện tích còn lại. Nhờ việc tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và ứng dụng các tiến bộ khoa học, các sản phẩm của HTX đạt chất lượng cao, được thị trường đón nhận tích cực.
Việc ứng dụng công nghệ cao không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. HTX Thành Lợi đã thu hút nhiều hộ gia đình tham gia vào quá trình sản xuất, từ đó cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho các thành viên.
Sự liên kết chặt chẽ giữa HTX và các doanh nghiệp tiêu thụ trong những năm qua cũng giúp đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tạo niềm tin và động lực cho các hộ thành viên, người lao động.
Tương tự, thời gian qua, việc ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ cũng là điểm tựa để các thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, vươn lên làm giàu.
Bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên HTX, vừa đứng trên bờ quan sát máy móc làm việc, vừa phấn khởi kể chuyện chưa bao giờ làm ruộng lại nhàn như hiện tại, từ khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật… đã có các thiết bị công nghệ hiện đại thực hiện.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao, theo bà Mùi, các thành viên HTX giảm đáng kể các chi phí đầu vào như nhân công (giảm 40%), phân bón (giảm thất thoát 30-35%). Đặc biệt, việc bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay vừa tăng hiệu quả, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bắt nhịp khoa học kỹ thuật
Thực tế, việc ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất đã được HTX Nhân Lý triển khai thực hiện từ nhiều năm qua, và đến nay, HTX đang là một trong các đơn vị đi đầu trong phát triển nông nghiệp thông minh gắn với an toàn sinh thái trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Chủ tịch HĐQT Lê Thị Hương cho hay, HTX đang quản lý và tổ chức sản xuất, canh tác với diện tích trên 150 ha đất nông nghiệp của 3 thôn Lý Hải, Lý Nhân và Dương Cốc thuộc xã Phú Xuân (Bình Xuyên), với 6 tổ sản xuất gồm 635 hộ, tập trung sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa, ngô nếp, ngô ngọt, rau các loại ...
Từ năm 2015 đến nay, HTX duy trì 130 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng thành công thương hiệu gạo an toàn sản xuất theo hướng hữu cơ với sản lượng cung cấp ra thị trường hàng năm là trên 50 tấn gạo, đã được cấp thương hiệu sản phẩm gạo OCOP 3 sao năm 2020.
Sản xuất giàu khoa học kỹ thuật giúp nông dân, HTX tại Vĩnh Phúc nâng cao giá trị.
HTX cũng xây dựng thành công 6 ha sản xuất rau có chứng nhận an toàn theo hướng VietGAP. Ngoài ra, HTX còn hướng dẫn cho các hộ nông dân trong vùng vệ tinh sản xuất theo hướng dẫn của HTX và toàn bộ sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ được HTX thu mua với giá cao hơn thị trường 15-40%.
HTX Nhân Lý chỉ là một trong rất nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua. Chỉ tính riêng giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã hỗ trợ cho 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất VietGAP và 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ.
Đáng chú ý, để tạo điểm tựa cho các HTX, tổ hợp tác phát triển, trở thành cầu nối liên kết thành viên, nông dân ứng dụng sản xuất hiện đại, gia tăng giá trị canh tác, Liên minh HTX Việt Nam, thông qua Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc, đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển của các HTX trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc cùng các ban ngành địa phương tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý, kỹ năng lãnh đạo và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX.
Các chương trình tập huấn về kỹ thuật sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong nông nghiệp cũng liên tục được tổ chức giúp các thành viên HTX, tổ hợp tác nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Thúc đẩy nông nghiệp bền vững
Liên minh HTX Việt Nam cũng tăng cường phối hợp với Liên minh HTX tỉnh để đẩy mạnh hỗ trợ các HTX trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và các tổ chức tín dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX trong việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, như xây dựng nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tự động, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, trong vấn đề xúc tiến thương mại, Liên minh HTX Việt Nam đã tăng cường phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc để tổ chức và hỗ trợ kinh phí cho các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng và đối tác tiềm năng. Đồng thời, hỗ trợ các HTX trong việc kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm.
Chính những đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã và đang góp phần thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, an toàn.
Đến nay, tỉnh đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4.800ha tại 71 xã, phường, thị trấn và nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ khác tại các huyện Lập Thạch, Bình Xuyên, Tam Đảo, Yên Lạc, Tam Dương, Sông Lô…
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, nhờ bắt nhịp tốt với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, nông dân thời 4.0 tại Vĩnh Phúc đã và đang mạnh dạn thay đổi nhận thức, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó xây dựng thành công nhiều mô hình điển hình.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp nông dân không phải ghi chép nhật ký sản xuất thủ công như trước đây, mà chỉ cần kiểm tra theo số liệu được cập nhật đầy đủ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh chờ ngày sản xuất và thu hoạch theo đúng quy trình.
Đông Phong