Bất thường trong đấu giá quyền sử dụng đất - Phải sớm có câu trả lời

Bất thường trong đấu giá quyền sử dụng đất - Phải sớm có câu trả lời
một ngày trướcBài gốc
Bài 1: Những cuộc đấu giá đất gây... hoang mang
Trong bối cảnh giá nhà, đất không ngừng tăng, thời gian gần đây, Hà Nội đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của người dân cả nước bởi những phiên đấu giá quyền sử dụng đất có giá cao ngất ngưởng. Việc "thổi giá" bất thường này đang khiến người dân hoang mang, không biết đâu là giá trị thực của bất động sản...
Khu đất đấu giá tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Đình Phong
Phi lý mức giá... trên trời
Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện các phiên đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội có mức bỏ giá cao bất thường. Ở vị trí “quán quân” phải kể đến phiên đấu giá quyền sử dụng đất vừa diễn ra ngày 29-11 với 58 thửa, ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn). Giá khởi điểm 2,488 triệu đồng/m2; tiền đặt cọc đấu giá 44-111 triệu đồng (bằng 20% giá trị thửa đất đấu giá theo giá khởi điểm). Theo quy định, cuộc đấu giá phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc.
Điểm bất thường diễn ra tại phiên đấu giá khi đến vòng thứ 5, ông Phạm Ngọc Tuấn trả giá 30 tỷ đồng/m2 cho 3 thửa đất; ông Ngô Văn Dương trả giá hơn 101 triệu đồng/m2 cho 13 thửa đất; 2 khách hàng kế tiếp trả giá 98,4 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất... Đáng nói, đến vòng thứ 6, tất cả số khách hàng trả giá cao bất thường ở vòng 5 không tham gia trả giá tiếp.
Sau cuộc đấu giá ở Sóc Sơn 1 ngày, phiên đấu giá quyền sử dụng đất vào ngày 30-11 tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) với 22 thửa, giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2 cũng có dấu hiệu bị gây "nhiễu". Khi mức trả cao nhất là 70 triệu đồng/m2 ở vòng 8, nhiều người tham gia đấu giá đã bỏ cuộc, khiến phiên đấu giá phải dừng lại và cuộc đấu giá phải hủy kết quả.
Trước đó, người dân ở huyện Thanh Oai cũng một phen sửng sốt trước phiên đấu giá ngày 10-8-2024 với 68 thửa đất, ở khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao. Với mức giá khởi điểm từ 8,667 triệu đến 12,575 triệu đồng/m2, kết quả đấu giá nhiều lô đất cao gấp 6-8 lần so với giá khởi điểm. Mức trúng đấu giá phi lý, dao động từ 51,767 triệu đồng/m2 đến 100,575 triệu đồng/m2 đã gây “thất thần” nhiều người dân khu vực.
Như vết dầu loang, giá đấu giá đất tại nhiều vùng ven ngoại thành tiếp tục “leo thang”. Điển hình như: Giá đấu giá đất ở xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) vào tháng 8 vừa qua cũng cao hơn mức khởi điểm 6 lần; trong đó, thửa bị cho là ở vị trí “xấu nhất” có giá trúng chênh so với giá khởi điểm lên đến 20 triệu đồng/m2...
Tương tự, tại huyện Hoài Đức, phiên đấu giá đất ngày 19-8-2024 với 19 thửa ở xã Tiền Yên với mức khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá tổ chức xuyên đêm và “phát sốt” khi giá trúng cao nhất là 133,3 triệu đồng/m2, giá thấp nhất là 91,3 triệu đồng/m2... Còn đến 2 phiên đấu giá ngày 4-11 và 11-11 (52 lô đất), mức giá trúng cao nhất là 109,3 triệu đồng/m² và thấp nhất là 79,3 triệu đồng/m².
Gần đây, phiên đấu giá đất ngày 12-11 ở huyện Phúc Thọ, giá trúng của 7 thửa đất tại khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc) cũng ở mức cao, dao động từ 28,8 triệu đồng/m² đến 37,6 triệu đồng/m², tăng khoảng 20% so với giá khởi điểm. Đây là mức vượt xa giá thị trường khu vực này.
Đâu là giá trị thực?
Quang cảnh phiên đấu giá đất tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai). Ảnh: Minh Đỗ
Trong khi hàng loạt phiên đấu giá đất ở ngoại thành Hà Nội có giá cao ngất ngưởng, thì kết quả đấu giá quyền sử dụng hơn 9.660m2 đất ở quận Bắc Từ Liêm (tổ chức cuối năm 2023) lại gây bất ngờ. Trải qua 7 vòng trả giá, Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh đã trúng đấu giá với giá 114,2 triệu đồng/m2, chỉ cao hơn giá khởi điểm 1,8 triệu đồng/m2. Sau phiên đấu, UBND quận Bắc Từ Liêm có văn bản báo cáo UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt công nhận kết quả trúng đấu giá, nhưng ngày 13-12-2023, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm rà soát quy trình đấu giá và giải quyết khiếu nại của một đơn vị khác về kết quả đấu giá.
Ngay sau đó, Thanh tra thành phố Hà Nội đã vào cuộc, chỉ rõ nhiều tồn tại trong quá trình thực hiện đấu giá. Trước những tồn tại này, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất không công nhận kết quả đấu giá hơn 9.660m2 đất mà Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh trúng đấu giá... Sau hơn 1 năm không được công nhận kết quả, đến nay, diện tích này vẫn đang để không, chưa được tổ chức đấu giá lại.
Đặc biệt, trước 2 cuộc đấu giá tại Sóc Sơn, Thanh Oai với việc "thổi giá" bất thường, phi lý, trả giá cao rồi bỏ không tham gia đấu giá tiếp gần đây, dư luận đặt câu hỏi là có hay không hành vi cố tình gây nhiễu loạn giá đất, thị trường bất động sản?
Tại huyện Mỹ Đức, qua phiên đấu giá đất ở xã Hương Sơn, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Triều cho biết, 6 người trả giá cao nhất đã bỏ cọc, không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Còn những người trúng đấu giá các thửa còn lại đã nộp tiền, giá có chênh so với mặt bằng chung bởi lợi thế hạ tầng... Còn tại huyện Thanh Oai, Chủ tịch UBND xã Thanh Cao Vũ Mạnh Tuấn cho biết, với cuộc đấu giá ở thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, sau đấu giá, 14/68 thửa đất được người trúng đấu giá nộp nghĩa vụ tài chính với mức giá dao động từ 51,6 triệu đồng đến hơn 55 triệu đồng/m² và đây là mức giá không chênh nhiều so với thị trường. Còn toàn bộ các lô có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m², người trúng đấu giá đều bỏ cọc bởi đây là mức giá bất hợp lý so với thực tiễn.
Nhìn vào “bức tranh” trên cho thấy, những thửa đất phù hợp với giá thị trường thực sự mang lại lợi ích cho Nhà nước và người dân. “Khoảng tối” còn đọng lại ở những thửa đất trả giá cao bất thường rồi sau đó bỏ, không đấu vòng tiếp theo và bỏ cọc, đang gây những hệ lụy xấu cho xã hội...
(Còn nữa)
Nhóm phóng viên
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/bat-thuong-trong-dau-gia-quyen-su-dung-dat-phai-som-co-cau-tra-loi-686348.html