"Đám giỗ bên cồn" trở thành cụm từ hot search (tìm kiếm phổ biến) khi xuất hiện trong những đoạn video của TikToker Lê Tuấn Khang. Từ đó, nhiều du khách mong muốn một lần trải nghiệm vui chơi bên cồn, kéo theo sự chú ý cho tour cù lao ở miền Tây.
Cồn (cù lao) là gò đất nổi lên ở đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều nông sản ngon và làng nghề truyền thống. Trong những năm gần đây, cồn được phát triển du lịch với nhiều tour đưa khách sang tham quan, trải nghiệm.
Tri Thức - Znews gợi ý những tour du lịch cồn nổi bật nhất miền Tây dành cho du khách muốn trải nghiệm cuộc sống sông nước.
Cồn Thới Sơn (Tiền Giang)
Nằm trên sông Tiền, cồn Thới Sơn (cồn Lân) thuộc tứ linh cù lao Long - Lân - Quy - Phụng ở miền Tây, cách TP.HCM khoảng 70 km theo hướng quốc lộ 1A, du khách dễ dàng đi về trong ngày. Cồn Thới Sơn lợi thế về các loại nông sản, hoa trái vì nằm ở khu vực hạ lưu.
Từ bến tàu du lịch TP Mỹ Tho (Tiền Giang), du khách di chuyển bằng ghe máy sang cồn, kèm theo hướng dẫn viên thuyết minh. Khi đến bến, xuồng ba lá đợi sẵn sẽ đưa du khách đi dọc lạch nước nhỏ, ngắm vườn cây sai trái 2 bên. Trở lại bến, du khách có thể thuê cổ xe ngựa tham quan cồn, giá khoảng 60.000-100.000 đồng/người/chiều.
Hoạt động nổi bật nhất là thăm làng nghề thủ công mỹ nghệ, lò bánh tráng và cơ sở nuôi ong lấy mật. Tại đây, du khách tự tay gọt đẽo đồ thủ công, chạm vào tổ ong nhân tạo và thử trà mật ong nguyên chất.
Ở những khu nhà lá miệt vườn, du khách được chiêu đãi nhiều loại trái cây theo mùa, kèm đờn ca tài tử Nam Bộ - loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Cuối ngày, du khách thưởng thức thêm dừa tươi khi lên ghe máy trở về.
Cồn Phụng (Bến Tre)
Cồn Quy và cồn Phụng cùng thuộc xã Tân Thạch (Bến Tre), nhưng cồn Phụng lại nổi tiếng hơn về du lịch. Xuất phát từ bến tàu du lịch TP Mỹ Tho (Tiền Giang), ghe máy đưa du khách ngắm lồng bè cá, cầu Rạch Miễu và nghe giới thiệu về nét đặt trưng của tứ linh cù lao.
Điểm đến đầu tiên là trại nuôi ong hoa nhãn, du khách được tận mắt chứng kiến quá trình thụ phấn hoa và thu hoạch sữa ong chúa từ tổ. Bến Tre được mệnh danh là xứ dừa, những lò sản xuất kẹo dừa lâu đời cũng tập trung nhiều ở cồn Phụng. Ngoài thưởng thức kẹo dừa còn nóng, du khách có thể bắt tay sên kẹo, ép khuôn và đóng gói.
Dừng chân tại vườn trái cây, chủ vườn sẽ mời du khách tham quan, trải nghiệm 5 loại trái cây miễn phí và giao lưu đờn ca tài tử Nam Bộ, sau đó di chuyển đến khu di tích Ông Đạo Dừa.
Ở miền Tây, khu di tích này hiếm hoi được xây theo kiến trúc Hoàng Thành Huế, từng hoa văn được chạm khắc sắc sảo và nhiều màu sắc. Tại đây có nhiều loại hình giải trí như trò chơi dưới nước, câu cá sấu, cá bú bình, cá massage chân…
Vào buổi xế, trước khi trở về bến tàu, du khách được chiêu đãi bàn ăn thịnh soạn trên ghe máy hoặc trong nhà lá, gồm các món như cá chiên xù, bánh xèo, lẩu mắm…
Cồn Mỹ Phước (Sóc Trăng)
Cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách) sở hữu gần hàng trăm hecta diện tích trồng cây ăn trái. Tour này thường đính kèm lịch trình tham quan một số địa điểm khác ở Sóc Trăng như chùa Đất Sét, chùa Som Rong… trong ngày đầu tiên.
Ngày tiếp theo, du khách ngồi ghe máy khám phá vựa trái cây trên sông Hậu, sau đó di chuyển bằng phà đến cồn Mỹ Phước. Tại đây trồng phần lớn là những loại nhãn. Du khách được cung cấp xe đạp và rong ruổi trên những còn đường làng, tự tay hái trái trên cây.
Cuối ngày, khi trở về homestay địa phương, du khách có thể "bắt trend" đám giỗ bên cồn bằng việc cùng người dân chế biến các món ăn đậm phong vị miền Tây, thường được chiêu đãi chính trong đám giỗ như bánh xèo, gỏi điên điển, canh chua bần, cá lóc nướng trui, thịt rim, cá trắm kho…
Cồn Sơn (Cần Thơ)
Cồn Sơn nổi trên sông Hậu, dần được xây dựng thành một mô hình du lịch cộng đồng. Di chuyển từ bến Ninh Kiều (quận Ninh Kiều), du khách bắt đầu hành trình bằng việc tham quan bè cá nổi tiếng. Tại đây, du khách được xem cá lóc bay và thưởng thức sản phẩm từ cá thát lát cườm.
Điểm thú vị của tour này là du khách có dịp vào nhà dân, trực tiếp làm những loại bánh dân gian Nam Bộ thủ công như bánh lá, bánh da lợn, bánh chuối, bánh ít, bánh tét lá cẩm… Đặc biệt là thưởng thức bánh phu thê nhân mặn - loại bánh sáng tạo đạt giải nhất Hội thi Bánh ngon Nam Bộ 2015.
Trước khi trở về bến tàu, du khách di chuyển đến chòi lá trên sông, ăn mâm cơm cộng đồng với những món ăn dân dã do chính người dân chế biến.
Trúc Hồ