Báo cáo mới nhất của UBND huyện Bát Xát cho thấy, hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện đều bị ảnh hưởng bởi đợt mưa bão vừa qua. Điển hình như trên Tỉnh lộ 156b (Bản Vược - Mường Hum) có 12.800 m3 đã sạt lở (chủ yếu sạt đất, đá từ taluy dương xuống lòng đường), một số điểm có khối lượng lớn thuộc đoạn xã Bản Vược tới Bản Xèo. Tuyến Quốc lộ 4E từ (Quang Kim - Lũng Pô thuộc xã A Mú Sung), lượng đất, đá sạt lở lên tới 121.000 m3, gây chia cắt mạnh tuyến đường từ xã Trịnh Tường đến xã Lũng Pô. Với đường tỉnh 158 từ A Mu Sung tới xã Mường Hum cũng có lượng đất, đá tính được là 120.000 m3, lớn nhất là địa bàn các xã Y Tý, A Lù, Dền Sáng; tuyến Tỉnh lộ 155 từ Bản Xèo tới xã Pa Cheo có lượng đất, đá khoảng 2.600m3.
Hầu hết tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện tính đến ngày 21/9 cơ bản đã thông xe mức tối thiểu, đủ cho các loại xe máy, ô tô loại gầm cao (2 cầu) và xe tải dưới 2,5 tấn lưu thông.
Trong khi đó, lượng đất, đá sạt lở vào đường giao thông nông thôn (đường cấp huyện quản lý) lên tới 654.961 m3 và thiên tai còn gây hư hỏng 2 cầu, 135 cống bê tông. Tính đến ngày 21/9, nhiều tuyến giao thông từ xã tới các thôn, đường liên thôn của huyện Bát Xát vẫn bị chia cắt bởi khối lượng đất, đá quá lớn, xe máy công trình chưa tiếp cận được điểm sạt lở.
Để đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian sớm nhất có thể, huyện Bát Xát đã huy động mọi nguồn lực về thiết bị, phương tiện, máy móc và nhân lực, tập trung nguồn lực cơ giới cho giải phóng các tuyến giao thông trọng điểm như Quốc lộ, tỉnh lộ đang bị ách tắc.
Với các tuyến giao thông nông thôn là phát huy tích cực với phương châm “4 tại chỗ”, trong đó với phương tiện tại chỗ, UBND xã huy động các doanh nghiệp, nhà thầu có phương tiện như máy xúc, máy ủi, ô tô tải tham gia đào lấp, san sạt các vị trí sạt lở lớn, nơi con người không thể giải phóng. Các điểm nhỏ hơn, Đảng ủy, UBND xã huy động nguồn nhân công tại các thôn tập trung san gạt, đào đắp thủ công, đảm bảo cho các phương tiện giao thông qua lại ở mức tối thiểu.
Sau đây là ghi nhận tinh thần khắc phục điểm sạt lở trên các tuyến giao thông tại một số xã vùng cao Bát Xát, hình ảnh do phóng viên thực hiện ngày 21/9.
Đường vào xã Nậm Pung thông từ ngày 15/9 nhưng thường xuyên bị ách tắc trở lại do đất, đá tiếp tục sạt lở. UBND xã Nậm Pung đề nghị nhà thầu đang thi công nâng cấp tuyến đường này thường trực một máy xúc để khi đất, đá sạt lở xuống là giải phóng ngay.
Khối đất, đá lớn chặn ngang đường tại trung tâm xã Nậm Pung, tuyến đường này dẫn tới các thôn Kin Chu Phìn 1, Kin Chu Phìn 2, hiện nhân lực làm thủ công chỉ mở được một lối nhỏ đủ cho xe máy, người đi bộ qua lại.
Bà con xã Nậm Pung đoàn kết giải phóng lượng đất, đá gây ách tắc đường giao thông nông thôn. Ngoài Kin Chu Phìn 1 và 2, thôn Tả Chải vẫn bị chia cắt hoàn toàn. Ảnh: CTV.
Phương tiện tại chỗ được huy động giải phóng đường bị đất, đá vùi lấp tại thôn Kin Chu Phìn 1, xã Nậm Pung.
Nỗ lực giải phóng một cung đường giao thông nông thôn bị đất, đá vùi lấp tại Nậm Pung. UBND xã đề nghị các nhà thầu, đơn vị thi công làm việc không kể ngày đêm để thông đường tới các thôn đang bị ách tắc.
Nhân dân xã Sàng Ma Sáo tham gia khắc phục một tuyến giao thông nông thôn bị đất, đá vùi lấp, đảm bảo sớm thông đường tới các thôn. Đến ngày 21/9, xã Sàng Ma Sáo đã thông đường tới 8/9 thôn, riêng đường vào thôn Ky Quan San có lượng đất, đá quá lớn, sức người không thể khắc phục nên xã chờ huyện có phương án bố trí phương tiện cơ giới tham gia thông tuyến. Ảnh: CTV.
Đồng bào xã Sàng Ma Sáo luôn phát huy tinh thần đoàn kết trong mọi hoàn cảnh, nhất là thời điểm thiên tai gây hại. Ảnh: CTV.
Một điểm giao thông nông thôn tại xã Mường Hum bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ quét trên suối.
Phương tiện cơ giới tại chỗ được huy động giải phóng điểm sạt lở trên đường tỉnh 158, đoạn qua xã Mường Hum.
Thông xe, một đoàn chở hàng cứu hộ trên tỉnh lộ đoạn qua gần xã Mường Hum.
Cao Cường