Bầu chọn Giáo hoàng, quy trình bí ẩn và lâu đời nhất tại Vatican

Bầu chọn Giáo hoàng, quy trình bí ẩn và lâu đời nhất tại Vatican
5 giờ trướcBài gốc
Vương Cung thánh đường San Pietro (Ảnh: Vietnam+)
Bầu chọn Giáo hoàng là quá trình bí ẩn và lâu đời nhất của Vatican. Đám đông tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican sẽ chờ đợi và reo hò khi làn khói trắng từ những lá phiếu bị đốt cháy báo hiệu một cuộc bỏ phiếu thành công giữa các thành viên của hồng y đoàn, đánh dấu quá trình lựa chọn Giáo hoàng phức tạp và quan trọng.
Giáo hoàng
Giáo hoàng, (tiếng Latin papa, từ tiếng Hy Lạp pappas, "cha"), là người lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã, nhánh lớn nhất trong ba nhánh chính của Kitô giáo (Cơ đốc giáo, tiếng Anh: Christianity).
Giáo hoàng ban đầu là giám mục của Rome, vị trí đầu tiên do Thánh Peter (một trong 12 môn đệ của Chúa Jesus) nắm giữ, theo Giáo hội Công giáo. Phêrô là người mà Chúa Giêsu đã chọn để trở thành người đứng đầu Giáo hội. Sau đó đã được truyền lại cho mỗi Giáo hoàng kể từ nhiệm kỳ của ông.
Phêrô được coi là papa, một thuật ngữ Latin được những người theo đạo Thiên Chúa sử dụng vì lòng hiếu thảo. Vào thời đó, danh hiệu tương tự đã được sử dụng bởi các Giáo sỹ trong khắp các tôn giáo theo đạo Cơ đốc.
Trong ảnh: Giáo hoàng Francis (giữa) ban Phép lành truyền thống "Urbi et Orbi" bằng hình thức trực tuyến từ bục giảng bên trong Tòa thánh Vatican ngày 25/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Yêu Cầu về ứng cử viên
Vào năm 1059, Giáo hoàng Nicholas II đã ban hành một sắc lệnh nêu rõ quy trình bầu chọn các Giáo hoàng, nhấn mạnh vai trò của các giám mục hồng y với tư cách là những đại cử tri.
Sắc lệnh năm 1059 này đã giảm bớt ảnh hưởng của tầng lớp quý tộc La Mã và đặt nền móng cho hồng y đoàn, chính thức được thành lập vào năm 1150. Tiêu chí về ứng cử viên, quy định bầu cử và nhu cầu sắp xếp cử tri đã được chính thức hóa cho đến nay.
Từ năm 1179, yêu cầu đạt 2/3 số phiếu bầu. Số lượng hồng y tăng từ 30 lên 70 vào năm 1586. Đến năm 1975, Giáo hoàng Paul VI ấn định số lượng hồng y có quyền bầu cử tối đa là 120.
Giới hạn độ tuổi bầu cử hồng y hiện nay được ấn định là 80 tuổi. Đến cuối năm nay 2025, sẽ có 8 người không đủ điều kiện bỏ phiếu khi họ bước qua sinh nhật lần thứ 80.
Khi một Giáo hoàng qua đời hoặc từ chức, tất cả các thành viên của hồng y đoàn có nghĩa vụ tham dự cuộc bầu cử (gọi là mật nghị), trừ trường hợp sức khỏe kém hoặc vượt quá giới hạn độ tuổi. Tuy nhiên, việc từ chức là ngoại lệ chứ không phải là quy luật.
Khi tòa thánh Giáo hoàng trống, mật nghị chính thức sẽ bắt đầu trong vòng 15 đến 20 ngày kể từ ngày Giáo hoàng cuối cùng rời đi. Quy định về thời gian này được thiết lập vào năm 1922 để cho phép các hồng y có đủ thời gian đi đến các thủ tục tố tụng.
Mật nghị hồng y đầu tiên được diễn ra sau cuộc bầu cử Giáo hoàng dài nhất trong lịch sử
Năm 1268, thời điểm mà quá trình lựa chọn một Giáo hoàng mới trở thành một sự kiện hỗn loạn ở Ý thời Trung cổ khi cuộc bầu cử Giáo hoàng dài nhất trong lịch sử kéo dài đến 1.006 ngày.
Cái chết của Giáo hoàng Clement IV vào năm 1268 đã thúc đẩy việc lựa chọn một Giáo hoàng mới. Tuy nhiên, áp lực bên ngoài và bất ổn chính trị ở Rome có thể đã ảnh hưởng đến quyết định chuyển địa điểm bầu Giáo hoàng đến Viterbo. Nằm cách Rome khoảng 80 km về phía bắc, Viterbo được chọn vì gần Vatican và các hồng y có thể dễ dàng tiếp cận.
Khi các hồng y họp tại Viterbo, các cuộc đấu tranh chính trị và nội bộ của nhà thờ đã phủ bóng đen lên cuộc bầu cử Giáo hoàng. 17 hồng y được chia thành hai phe: 7 hoặc 8 người ủng hộ người Pháp (Guelphs) và những người ủng hộ người Angevins, và khoảng 10 người, trong đó có hai người đã chết trong mật nghị, là những người ủng hộ Đức (Ghibellines).
Ngoài ra, các hồng y tiếp tục chia rẽ và phản đối vì nhiều lý do, từ quan hệ gia đình đến những vấn đề cá nhân hơn, thành nhiều phe khác nhau, khiến việc đạt được bất kì thỏa thuận nào cũng trở nên cực kỳ khó khăn. Các hồng y không thể đạt được sự đồng thuận về một Giáo hoàng mới và thời gian thảo luận vượt quá mọi mong đợi.
Theo thời gian, thành phố ngày càng hỗn loạn. Podesta Alberto di Montebuono, cùng với Đại úy Nhân dân Raniero Gatti, cảm nhận được sự bất mãn của công chúng và muốn bảo vệ các hồng y khỏi những áp lực bên ngoài, đã ra lệnh đóng cổng thành vào ngày 1/6/1270.
Các hồng y dù cảm thấy khó chịu khi bị cô lập bên trong cung điện giám mục (Palazzo dei Papi) ở Viterbo, song "mật nghị" đầu tiên đã được diễn ra.
Những nỗ lực và áp lực liên tục cuối cùng đã mang lại kết quả. Để đi đến quyết định, các hồng y phải giao nhiệm vụ bầu cử cho một ủy ban gồm 6 hồng y cử tri, những người đã bất ngờ đạt được thỏa thuận về Giáo hoàng mới chỉ trong vòng hai giờ.
Vào ngày 1/9/1271, sau gần ba năm cân nhắc, Teobaldo Visconti, Tổng giám mục Lyon, đã được bầu làm Giáo hoàng mới và lấy tên là Giáo hoàng Gregory X, chấm dứt quá trình bầu cử kéo dài.
Quá trình bỏ phiếu và tín hiệu khói
Các hồng y đều là đại cử tri của vị Giáo hoàng tiếp theo, và về mặt kỹ thuật thì tất cả họ đều là ứng cử viên. Khi các hồng y đến Rome, mỗi vị được chỉ định một nhà thờ địa phương "chính hiệu" để giám sát và tổ chức Thánh lễ trong thời gian họ lưu trú. Đó cũng là một con đường để các hồng y làm cho tên tuổi của họ được cả thế giới biết đến.
Sau khi các hồng y chính thức được tập trung tại Nhà nguyện Sistine, họ sẽ tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối trước khi nhà nguyện được niêm phong. Giữ bí mật là vô cùng quan trọng và chỉ một số người tham dự được phép tiếp xúc với các hồng y bỏ phiếu.
Các hồng y bỏ phiếu kín cho đến khi chọn được ứng viên. Một cuộc bỏ phiếu được tiến hành vào ngày đầu tiên của mật nghị hồng y và bốn cuộc vào mỗi ngày tiếp theo, hai cuộc vào buổi sáng và hai cuộc vào buổi chiều. Trong mỗi lần bỏ phiếu, các hồng y cử tri viết tên người mà họ đã chọn vào phiếu bầu của mình. Những lá phiếu này được thu thập và kiểm đếm theo một quy trình phức tạp với sự tham gia của ba "người kiểm tra."
Mỗi người kiểm tra đọc từng lá phiếu trước khi chuyển cho người kiểm tra tiếp theo; hai người kiểm tra đầu tiên đọc từng tên trong im lặng, và người kiểm tra thứ ba đọc to tên rồi viết ra. Sau đó, các lá phiếu được luồn kim và theo cách này, tất cả chúng được giữ lại với nhau để đảm bảo an toàn. Những người cử tri còn lại cũng viết từng tên khi tên được công bố, và sau đó các phiếu bầu được kiểm.
Ngay sau khi kiểm phiếu, các lá phiếu và tất cả các ghi chú liên quan được đốt trong một lò sưởi trong nhà nguyện. Màu khói từ một đường ống xuyên qua mái nhà cho phép đám đông tụ tập tại Quảng trường Thánh Peter biết được cuộc bỏ phiếu diễn ra như thế nào: khi không có ứng cử viên nào nhận được đa số phiếu cần thiết, khói sẽ có màu đen; nếu một Giáo hoàng mới được bầu, khói sẽ có màu trắng.
Cho đến năm 2005, Vatican đã bổ sung các vật liệu tự nhiên như rơm ướt (cho màu trắng) và hắc ín (cho màu đen) vào lá phiếu. Đến năm 2013, Vatican mới tiết lộ các loại hóa chất mà họ đã sử dụng vào năm 2005 cho mục đích này: hỗn hợp kali clorat, lactose và nhựa cây lá kim để tạo ra màu trắng, và kali perchlorate, anthracene và lưu huỳnh cho màu đen.
Khi một người đã nhận được đa số phiếu cần thiết, vị hồng y trưởng sẽ chính thức hỏi người đó có chấp nhận cuộc bầu cử của mình không và muốn nhận danh hiệu gì. Sau khi chấp nhận, tin tức được thông báo cho toàn thể dân chúng: vị hồng y phó tế cao cấp xuất hiện trên ban công trung tâm ở mặt tiền của Nhà thờ Thánh Peter và tuyên bố “Habemus papam” (“Chúng ta đã có một Giáo hoàng”).
Ngay sau đó, tân Giáo hoàng, mặc áo choàng Giáo hoàng, xuất hiện tại cùng một ban công và ban phước lành đầu tiên với tư cách là Giáo hoàng cho đám đông. Mật nghị Giáo hoàng kết thúc khi tân Giáo hoàng giải tán, thường là sau khi phát biểu trước toàn thể hồng y./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/bau-chon-giao-hoang-quy-trinh-bi-an-va-lau-doi-nhat-tai-vatican-post1034165.vnp