Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo kênh CNN ngày 4/11, các cử tri Mỹ - hiện có hơn 75 triệu người đã bỏ phiếu - cuối cùng sắp được chứng kiến cuộc bầu cử có thể làm thay đổi sâu sắc nước Mỹ và thế giới, nhưng cũng khiến các cử tri ở cả hai đảng (Dân chủ và Cộng hòa) lo ngại nếu ứng cử viên của họ thua cuộc.
Căng thẳng trong cuộc tranh cử đã dâng cao khi ông Trump và bà Harris chạy nước rút tại các bang dao động có khả năng quyết định cuộc đua vốn được đánh dấu bằng những bước ngoặt bất thường nhưng vẫn kết thúc với tỷ lệ ủng hộ ngang ngửa trong các cuộc thăm dò.
Lịch sử vẫy gọi
Nếu ông Trump thắng vào ngày 5/11, đây sẽ là vị tổng thống thứ hai phục vụ 2 nhiệm kỳ không liên tiếp. Ông Trump sẽ hoàn thành một trong những sự trở lại chính trị đáng kinh ngạc nhất từ trước đến nay sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, bị kết án phạm tội và thoát khỏi hai nỗ lực ám sát trong năm nay.
Về phần mình, bà Harris có thể phá vỡ chuỗi gần 250 năm thống trị của các tổng thống nam và trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử. Đây sẽ là một kỳ tích đáng kinh ngạc sau khi bà đoàn kết đảng Dân chủ vốn đang suy sụp tinh thần vào tháng 7/2024 khi nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden bị ảnh hưởng bởi tuổi tác.
Vào ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, mức độ quan trọng của cuộc bầu cử càng tăng cao khi không ai có thể nói trước được ứng cử viên nào sẽ chiến thắng.
Các cuộc thăm dò trên toàn quốc và tại các bang dao động quan trọng không cho thấy người dẫn đầu rõ ràng, phản ánh một nước Mỹ bị phân cực mạnh như khi cuộc đua bắt đầu. Nhưng vẫn có khả năng một ứng cử viên đã xoay xở để tạo ra lợi thế muộn tại các bang chiến trường như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Georgia, North Carolina, Nevada và Arizona, và có thể giành chiến thắng rộng rãi hơn dự kiến.
Đảng Dân chủ đang được khích lệ bởi tỷ lệ cử tri nữ đi bỏ phiếu sớm cao, với quyền phá thai có khả năng là vấn đề then chốt. Phó Tổng thống Harris cũng đã nỗ lực hàn gắn những rạn nứt trong liên minh Dân chủ truyền thống, tìm cách thu hút sự chú ý của cử tri nam da đen và cử tri gốc La-tinh nói riêng.
Trong khi đó, ông Trump đang trông cậy vào những cử tri đã chán ngán giá thực phẩm và nhà ở cao và vẫn cảm thấy bị ảnh hưởng từ lạm phát dù hiện đã hạ nhiệt. Ông Trump cũng đã biến những người di cư không có giấy tờ thành vấn đề nghiêm trọng để làm nổi bật cuộc khủng hoảng biên giới phía Nam nước Mỹ.
Chính quyền Biden đã vật lộn trong nhiều tháng để nhận ra mức độ nghiêm trọng của từng vấn đề trên và đưa ra các biện pháp khắc phục. Dù vậy, nhóm vận động tranh cử của đảng Cộng hòa tin rằng ông Trump có thể làm suy yếu các khu vực bầu cử Dân chủ thiểu số truyền thống và một lần nữa đưa những người thường không tham gia bỏ phiếu đi bầu cử.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại chiến dịch vận động tranh cử ở Harrisburg, Pennsylvania. Ảnh: AA/TTXVN
Dấu hiệu của sự bất ổn
Nhưng cũng có những dấu hiệu đáng ngại từ ông Trump. Dường như ông Trump đang đặt nền tảng cho một nỗ lực mới nhằm lật ngược kết quả nếu ông thua cuộc. Những động thái của ông Trump cho thấy, nếu không có chiến thắng rõ ràng của một trong hai bên, sự bất ổn về cuộc bầu cử có thể kéo dài nhiều ngày.
Đây không phải là cuộc bầu cử bình thường, phần lớn là do sự hiện diện âm ỉ của ông Trump, vốn đã là vị tổng thống Mỹ gây "hỗn loạn" nhất của thời hiện đại. Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng và thực hiện lời hứa của mình, ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã bị luận tội hai lần này sẽ khiến các thể chế quản lý, tư pháp và hiến pháp của Mỹ phải chịu thử thách lớn nhất trong nhiều thế hệ.
Ông Trump cũng đang đề xuất lệnh trục xuất hàng loạt người di cư lớn nhất từ trước đến nay - một hoạt động có thể liên quan đến lực lượng thực thi pháp luật và thậm chí có thể là quân đội trong một cuộc bố ráp trong nước sẽ thách thức các quyền tự do dân sự. Ông Trump đã công khai cân nhắc sử dụng lực lượng vũ trang Mỹ chống lại các đối thủ chính trị của mình, những người mà ông gọi là "kẻ thù từ bên trong".
Cùng với đó, ông Trump đã đề xuất một cuộc chuyển đổi nền kinh tế nhân danh những người Mỹ lao động ủng hộ thông điệp dân túy, dân tộc chủ nghĩa của ông sau khi thấy sinh kế của họ bị ảnh hưởng bởi nhiều thập kỷ toàn cầu hóa. Nhưng lập trường thuế quan của ông Trump có nguy cơ gây ra phản ứng dữ dội và khiến nền kinh tế đảo ngược.
Ngược lại, bà Harris đang cố gắng khơi dậy tinh thần lạc quan và khát vọng thay đổi trong cộng đồng cử tri, nhấn mạnh rằng bà đại diện cho "thế hệ lãnh đạo mới" tại Mỹ. Bà Harris cũng đề xuất các cải cách để cải thiện cuộc sống của người lao động Mỹ - nhưng cải cách của bà dường như không mang tính cách mạng bằng cải cách của ông Trump.
Con đường tốt nhất để bà Harris giành chức tổng thống Mỹ là chiến thắng ở các bang "Bức tường xanh" của đảng Dân chủ gồm Michigan, Wisconsin và Pennsylvania. Các cuộc thăm dò của CNN, tính trung bình 5 cuộc khảo sát phi đảng phái gần đây nhất, cho thấy không có người dẫn đầu rõ ràng nào trong 3 bang này, mặc dù các cuộc khảo sát của CNN/SSRS tuần trước chỉ ra một lợi thế nhỏ cho bà Harris ở Michigan và Wisconsin.
Nếu thua ở Pennsylvania, bà Harris sẽ cần sự ủng hộ từ các bang dao động khác, bao gồm Georgia, Nevada và Arizona, nơi mà các cuộc thăm dò trung bình cũng cho thấy không có người dẫn đầu rõ ràng. Nếu ông Trump giành chiến thắng ở bang Pennsylvania - như ông đã làm vào năm 2016 - ông có thể tiến một bước lớn đến nhiệm kỳ thứ hai.
Chiến dịch của phó tổng thống Mỹ mới đây tuyên bố rằng bà Harris đang tạo ra động lực muộn trong cuộc đua. David Plouffe, cố vấn của Phó Tổng thống Harris, đã nhấn mạnh rằng việc tạo ra động lực muộn trong chiến dịch có thể mang lại lợi thế cho bà.
Đảng Dân chủ cũng trải qua một làn sóng lạc quan mới vào hôm 2/11 khi cuộc thăm dò cuối cùng của chiến dịch từ Des Moines Register và Mediacom cho thấy bà Harris nhận được 47% sự ủng hộ và ông Trump đạt 44% trong số những cử tri có khả năng bỏ phiếu ở một bang mà ông Trump đã giành chiến thắng dễ dàng vào năm 2020 và 2016. Ngay lập tức, ông Trump sử dụng dữ liệu mới này để làm rõ tuyên bố của mình rằng ông là "nạn nhân của một cuộc bầu cử gian lận".
Nhưng khi "Ngày bầu cử" (5/11, giờ Mỹ) chỉ còn cách vài giờ, không còn cuộc thăm dò nào quan trọng nữa. Người Mỹ sắp đưa ra lựa chọn của mình.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo CNN)