Bầu cử Mỹ: Máy bỏ phiếu hoạt động như thế nào?

Bầu cử Mỹ: Máy bỏ phiếu hoạt động như thế nào?
5 giờ trướcBài gốc
Khi cử tri Mỹ bắt đầu đi bỏ phiếu, niềm tin rằng lá phiếu của họ sẽ được tính chính xác cũng như tiến trình bầu cử không bị can thiệp là điều vô cùng quan trọng.
Trong bối cảnh ngày bầu cử đến gần, các thuyết âm mưu về tính an toàn của máy bỏ phiếu xuất hiện ngày càng nhiều và có thể ảnh hưởng cuộc bầu cử.
Theo đài ABC News, bất chấp các thuyết âm mưu về máy bỏ phiếu, chẳng hạn như tin tặc tấn công và bị can thiệp vật lý, đã bị vạch trần, thông tin sai lệch vẫn tràn lan trên mạng xã hội.
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn phim về một máy bỏ phiếu ở bang Kentucky mắc lỗi và chỉ chọn được ô có tên Phó Tổng thống Kamala Harris mà không thể chọn cựu Tổng thống Donald Trump. Đoạn phim gây tranh cãi, bất chấp sự bác bỏ từ các quan chức bầu cử bang.
Tỉ phú Elon Musk - một người ủng hộ nhiệt thành cựu Tổng thống Donald Trump - gần đây nêu quan ngại về tính chính xác của máy bỏ phiếu. “Tôi không thể tin tưởng vào một chương trình máy tính, vì nó quá dễ bị hack” - ông Musk nói tại một sự kiện.
Hồi năm 2020, ông Trump cũng cho rằng đã có gian lận phiếu bầu dẫn đến chiến thắng của Tổng thống Joe Biden.
Vậy, máy bỏ phiếu hoạt động như thế nào? Và những biện pháp an ninh nào được áp dụng để đảm bảo rằng mọi phiếu bầu đều không bị can thiệp?
Một máy bỏ phiếu tại Thư viện Công cộng Black Mountain, thị trấn Black Mountain, bang North Carolina (Mỹ) ngày 21-10. Ảnh: AFP
Các máy bỏ phiếu được sử dụng trong cuộc bầu cử
Mặc dù các quan chức bầu cử sử dụng công nghệ để đăng ký cử tri, kiểm phiếu, và trong một số trường hợp là bỏ phiếu, nhưng hệ thống bầu cử phần lớn vẫn dựa trên phiếu giấy.
“Ở gần như tất cả các bang trên khắp cả nước, khoảng 98% cử tri khi bỏ phiếu đều sẽ có một bản giấy của lá phiếu” - ông Derek Tisler, cố vấn cho chương trình bầu cử tại Trung tâm Công lý Brennan (trung tâm chuyên giám sát bầu cử Mỹ), trao đổi với ABC News.
Theo Phòng thí nghiệm Bầu cử MIT, đã có năm loại máy bỏ phiếu được sử dụng trong lịch sử Mỹ, bao gồm: máy kiểm phiếu giấy thủ công, máy đòn bẩy cơ học, máy đục lỗ, máy quét phiếu giấy, và thiết bị ghi kết quả điện tử.
Theo MIT, trong cuộc bầu cử năm 2024, hệ thống bỏ phiếu giấy quét quang học sẽ được sử dụng rộng rãi để kiểm phiếu, hoạt động của hệ thống này tương tự như công nghệ chấm điểm bài thi trắc nghiệm.
Cử tri sẽ đánh dấu phiếu của mình trong một buồng kín, sau đó phiếu được quét khi cho vào thùng phiếu và kết quả được tổng hợp vào cuối ngày.
Hệ thống ghi nhận điện tử trực tiếp (direct recording electronic) sử dụng các nút bấm hoặc màn hình cảm ứng để ghi lại lựa chọn của cử tri, và thường có bản ghi trên giấy để phục vụ việc kiểm lại phiếu.
Hiện nay, có 10 nhà sản xuất máy bỏ phiếu được Ủy ban Hỗ trợ Bầu cử liên bang (EAC) thử nghiệm và phê duyệt, bao gồm Clear Ballot, Dominion Voting Systems và Election Systems & Software (ES &S), v.v.
Theo EAC, quy trình phê duyệt bao gồm các bài kiểm tra đảm bảo các máy này có chức năng cơ bản và khả năng bảo mật cần thiết.
Những biện pháp an toàn nào được thực hiện để bảo vệ máy bỏ phiếu?
Ông Ted Allen, GS tại ĐH bang Ohio (Mỹ) và thành viên của Phòng thí nghiệm bầu cử MIT, nói rằng một trong những tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại hành vi can thiệp là tính bảo mật về mặt vật lý của máy bỏ phiếu.
Một cử tri cho lá phiếu đã điền đầy đủ vào máy kiểm phiếu ở TP Greensboro, bang North Carolina (Mỹ) ngày 22-10. Ảnh: AFP
Ông Allen nói với ABC News rằng trước ngày bầu cử và sau khi bỏ phiếu, các máy này được cất giữ ở những nơi an toàn và chỉ những viên chức bầu cử mới được phép ra vào.
Theo chuyên gia này, tại các địa điểm bỏ phiếu, các máy bỏ phiếu liên tục được giám sát, với các quan chức bầu cử và nhân viên an ninh được đào tạo để đảm bảo không có sự truy cập trái phép nào có thể xảy ra.
“Nói chung, lá phiếu, chuỗi lưu giữ thiết bị và chuỗi lưu giữ lá phiếu đều được nghiên cứu và kiểm soát rất cẩn thận” - ông Allen nói.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm 2020 đã chứng kiến một số cá nhân bị buộc tội can thiệp vào máy bỏ phiếu.
Bà Tina Peters, một quan chức bầu cử của đảng Cộng hòa tại bang Colorado, đã bị kết án 9 năm tù vì cầm đầu một vụ xâm phạm an ninh hệ thống bầu cử của quận. Bà này bị kết án vì cho phép một cá nhân truy cập vào phần mềm bầu cử cấp quận.
Tại Georgia, một nhân viên bầu cử tên Scott Hall đã bị buộc tội với cáo buộc “tham gia vào âm mưu can thiệp cố ý” vào kết quả bầu cử năm 2020 và “truy cập trái phép” vào các máy bỏ phiếu để lấy dữ liệu, bao gồm hình ảnh lá phiếu.
Theo ABC News, mặc dù không có hệ thống nào hoàn toàn miễn nhiễm với các mối đe dọa, nhưng các máy bỏ phiếu được bảo vệ bằng nhiều biện pháp kỹ thuật và thủ tục nên cực kỳ khó bị hack.
Người phát ngôn của hãng Election Systems & Software nói với ABC News rằng ngoài các biện pháp kiểm soát vật lý, thiết bị bỏ phiếu của công ty tuân thủ các biện pháp bảo mật để tạo, chuyển và lưu trữ các tập tin và dữ liệu quan trọng về bầu cử.
Theo Election Systems & Software, việc sử dụng mã hóa và chữ ký số cho dữ liệu, sử dụng các mô-đun mã hóa đạt tiêu chuẩn Xử lý Thông tin Liên bang (FIPS), và tạo ra các USB flash drive được mã hóa riêng cho cuộc bầu cử đều giúp ngăn chặn sự can thiệp từ những đối tượng không được phép.
Máy bỏ phiếu có kết nối với Internet không?
Một biện pháp bảo vệ quan trọng để máy bỏ phiếu khó bị hack là chúng không được kết nối internet trong quá trình bỏ phiếu.
Theo ông Chip Trowbridge, giám đốc công nghệ của hãng Clear Ballot, các máy dùng để quét phiếu bầu tại khu vực bỏ phiếu không có kết nối Wi-Fi, Bluetooth, radio hoặc mạng có dây.
“Những máy bỏ phiếu này hoàn toàn không thể có bất kỳ kết nối Internet nào. Trên thực tế, nếu bạn nhìn vào những chiếc máy của Clear Ballot, sợi dây duy nhất của chúng là dây nguồn” - ông Trowbridge lưu ý.
Theo ông Trowbridge, thiết bị quét trung tâm của máy được kết nối mạng, nhưng mạng này cách biệt hoàn toàn với mạng internet công cộng.
Ông cho biết điều này làm giảm đáng kể nguy cơ bị tấn công từ xa hoặc truy cập trái phép từ các nguồn bên ngoài.
Ngay cả khi tin tặc cố gắng truy cập vào máy bỏ phiếu, tin tặc cũng cần phải can thiệp vật lý vào máy bỏ phiếu, điều này có thể khó khăn hơn do các biện pháp bảo mật vật lý.
Hướng đến ngày 5-11, ông Derek Tisler, cố vấn cho chương trình bầu cử tại Trung tâm Công lý Brennan, nhấn mạnh rằng luôn có các biện pháp kiểm tra trong suốt quá trình bầu cử để đảm bảo không có cá nhân nào có thể gây ra bất cứ mối đe dọa nào.
“Lòng tin của công chúng rất cần thiết cho tiến trình dân chủ và đó là lý do tại sao các cuộc bầu cử phải minh bạch” - ông Tisler nhấn mạnh.
THẢO VY
Nguồn PLO : https://plo.vn/bau-cu-my-may-bo-phieu-hoat-dong-nhu-the-nao-post818050.html