Bảy chữ đắt giá quyết định màn kết xung đột Nga-Ukraine sau điện đàm Trump-Putin

Bảy chữ đắt giá quyết định màn kết xung đột Nga-Ukraine sau điện đàm Trump-Putin
10 giờ trướcBài gốc
Lập trường mâu thuẫn
"Nguyên nhân gốc rễ của xung đột" từ lâu đã là trọng tâm trong lập trường nhất quán của Tổng thống Nga Vladimir Putin - một lập trường không lay chuyển, dù đã trải qua hai tuần hay ba tháng, giữa lúc áp lực quốc tế ngày càng gia tăng nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong vòng 30 ngày.
Khi nhận cuộc điện thoại quan trọng nhất kể từ đầu năm, tại một trường nhạc ven biển Sochi, người đứng đầu Điện Kremlin tiếp tục chỉ trích NATO là bên khơi mào chiến sự ở Ukraine. Việc Moscow kiên trì nhấn mạnh đến “nguyên nhân gốc rễ của xung đột”, từ việc NATO mở rộng, vai trò của phương Tây trong cuộc xung đột hiện nay cho đến địa vị của người nói tiếng Nga ở Ukraine, không chỉ là chiến lược ngoại giao, mà còn là cách định hình lại cả bối cảnh đàm phán. Với Nga, việc tìm kiếm một giải pháp không đơn thuần là chấm dứt chiến sự mà là tái thiết lập trật tự an ninh châu Âu hậu xung đột, nhà báo Nick Walsh của CNN lập luận.
Ông Putin (trái) và ông Trump (phải). Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, "giải quyết tận gốc" ở đây là một khái niệm có hai mặt. Nếu xét theo logic của Moscow, điều này đòi hỏi phương Tây phải thừa nhận một số yêu sách chiến lược, như ngăn chặn NATO mở rộng, tái công nhận các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát và tái định nghĩa cấu trúc an ninh châu Âu theo mô hình phi liên kết hoặc đa cực. Nhưng với Kiev và phần lớn các quốc gia NATO, đó lại là những "lằn ranh đỏ" đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia và tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Chính vì thế, việc giải quyết tận gốc nguyên nhân nhân xung đột Nga–Ukraine đến nay vẫn là một bài toán chưa có lời giải, khi các bên đang theo đuổi những lập trường khác biệt.
Mỹ rút lui khỏi hòa đàm
Mong muốn rút lui của Mỹ đã được nêu lên trong nhiều tuần qua, không chỉ từ chính Tổng thống Trump mà còn từ Ngoại trưởng Marco Rubio và Phó Tổng thống J.D. Vance – những người liên tục bày tỏ sự thất vọng gần như ngang bằng với cả Nga lẫn Ukraine. Trong cuộc trao đổi với báo chí trước thời điểm diễn ra điện đàm Trump-Putin, ông Vance khẳng định sẽ đến lúc Washington phải thừa nhận một thực tế rằng: "Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta".
"Chúng tôi sẽ nỗ lực để chấm dứt cuộc chiến này, nhưng nếu điều đó không khả thi, đến một lúc nào đó chúng tôi sẽ phải nói: ‘Biết không, chúng tôi đã cố gắng, nhưng đến đây là đủ. Chúng tôi sẽ không tiếp tục nữa", ông Vance nói.
Chỉ vài phút sau cuộc gọi, ông Trump dường như quyết định quay lưng với cuộc chiến. Năm ngày trước, Tổng thống Mỹ vẫn là nhà trung gian nhiệt thành, người gìn giữ hòa bình đang cố gắng dàn xếp một cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sau cuộc trò chuyện ngày 19/5, ông chỉ lặp lại rằng “chỉ Ukraine và Nga có thể giải quyết điều này”, trao cơ hội hòa giải cho Vatican như một lựa chọn thay thế, mang màu sắc biểu tượng nhiều hơn là thực tế. Mỹ chưa hẳn đã thoái lui nhưng những tuyên bố mới đây dường như cho thấy họ đã sẵn lòng để người khác cầm lái hòa bình.
Giới hạn của Mỹ cũng rõ ràng không kém. Mỹ có thể gia tăng trừng phạt, như ông Trump từng cân nhắc với “lệnh trừng phạt thứ cấp” nhằm vào lĩnh vực sản xuất dầu khí được coi là "xương sống" của nên kinh tế. Nhưng điều đó có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng thương mại khác mà Washington chưa sẵn sàng đối mặt, đặc biệt là khi ông Trump vừa mở mặt trận thuế quan mới. Ngược lại, nếu Mỹ nới lỏng trừng phạt để “dụ” Moscow thỏa hiệp, điều đó có thể khiến các đồng minh châu Âu hoài nghi và xa rời, trong bối cảnh khối này đang lo ngại về những mối đe dọa an ninh tương lai từ phía Nga.
Ông Trump, nếu đi xa hơn trong trừng phạt, sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên mạnh tay với Nga hơn cả người tiền nhiệm Joe Biden – điều hoàn toàn mâu thuẫn với triết lý "nước Mỹ trên hết" của ông. Và đó không phải là cuộc chiến mà ông muốn đầu tư vào lâu dài, bởi nó gần như không thể mang lại bất kỳ thỏa thuận lớn hay chiến thắng chính trị cho ông chủ Nhà Trắng.
Năm 2025 đối với Ukraine nhiều khả năng sẽ là một viễn cảnh ảm đạm. Dự định rút lui để nhường sân khấu hòa giải cho hai bên tham chiến của Mỹ dường như sẽ mang lại nhiều lợi thế hơn cho Moscow, đặc biệt sau cuộc điện đàm vừa qua.
“Cuộc gọi với ông Trump là một chiến thắng cho ông Putin", ông Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine hiện đang làm việc tại Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế tại Đại học Stanford, cho biết. “Ông ấy đã nói rõ rằng lệnh ngừng bắn sẽ không sớm xảy ra. Và vẫn sẽ không có lệnh trừng phạt bổ sung nào được áp dụng".
Nga đang làm gì lúc này?
Trong khi đó, Nga cũng nhanh chóng tận dụng lợi thế hiện có. DeepState, một nhóm phân tích quân sự thân cận với Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết quân đội Nga đang "xâm nhập vào các vị trí" và áp sát ranh giới hành chính của vùng Donetsk - một trong bốn khu vực mà Moscow tuyên bố sáp nhập vào năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn. Nhóm này cũng mô tả tình hình hiện nay là "bất lợi" cho phía Kiev.
Một phát ngôn viên quân đội Ukraine cho biết, “các trận chiến ác liệt” đang diễn ra xung quanh thành phố chiến lược Pokrovsk ở miền đông Ukraine, cũng như khu vực phía bắc gần Toretsk. Một tuyến xa lộ, đóng vai trò trọng yếu trong chuỗi hậu cần, liên tục bị các máy bay không người lái tấn công, gây nguy cơ gián đoạn các hoạt động của lực lượng Ukraine trong khu vực, theo thông tin từ tiền tuyến.
Bản đồ cập nhật của DeepState, vốn theo dõi sát các diễn biến trên tiền tuyến, cho thấy các lực lượng Nga hiện chỉ còn cách biên giới khu vực giao tranh ác liệt chưa đầy 5 km. Việc kiểm soát trọn vẹn Donetsk, cùng với ba vùng lãnh thổ khác là Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia vẫn là một trong những mục tiêu quân sự ưu tiên hàng đầu của Moscow. Trong cuộc gặp với phái đoàn Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước, phía Nga được cho là đã gắn bất kỳ đề xuất ngừng bắn nào với điều kiện: Kiev phải rút toàn bộ lực lượng khỏi cả bốn vùng lãnh thổ nói trên.
Ông Rob Lee, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nhận định rằng Nga đã đạt được tiến triển rõ rệt trên tiền tuyến, đồng thời duy trì được nhịp độ tuyển mộ quân với quy mô lớn.
"Xét về khía cạnh quân sự, tôi cho rằng Nga vẫn có khả năng duy trì cuộc chiến ở thời điểm hiện tại, nhờ vào việc liên tục huy động các tình nguyện viên," ông nhận định. "Giới lãnh đạo tại Moscow dường như tin rằng họ vẫn còn dư địa để cải thiện vị thế trên chiến trường", ông Lee nói.
Theo ông Lee, mùa hè sắp tới sẽ tạo ra điều kiện thời tiết thuận lợi hơn cho các chiến dịch tấn công, điều có thể giúp Nga đẩy mạnh bước tiến quân sự: “Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu tối thiểu là chiếm đóng toàn bộ các vùng Donetsk và Luhansk... vì vậy, họ có thể sẽ cố gắng kiểm soát thêm càng nhiều lãnh thổ càng tốt vào mùa hè này trước khi tham gia đàm phán nghiêm túc hơn".
Diệp Thảo/VOV.VN Theo CNN, FT
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/bay-chu-dat-gia-quyet-dinh-man-ket-xung-dot-nga-ukraine-sau-dien-dam-trump-putin-post1200765.vov