Trả “học phí” bằng tiền thật cho những chiếc đồng hồ giả
Trong những năm gần đây, đồng hồ từ các thương hiệu nổi tiếng như Rolex, Omega, Patek Philippe, Hublot, hay Tissot... ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhu cầu tăng cao thì cũng là lúc thị trường đồng hồ giả bùng nổ.
Không khó để tìm thấy những chiếc đồng hồ “hiệu” được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử hay thậm chí tại các cửa hàng lớn. Với giá chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, những chiếc đồng hồ được quảng cáo là “auth 99%”, “like new” hoặc “hàng xách tay” khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn.
Những chiếc đồng hồ được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, khiến người tiêu dùng khó phân biệt thật giả. Ảnh chụp màn hình
Chị Trần Thu Hằng (nhân viên văn phòng, TP HCM) chia sẻ, “tôi từng mua một chiếc đồng hồ “hàng xách tay Thụy Sĩ” giá gần 7 triệu đồng qua một người bạn quen trên mạng. Hình ảnh và hộp đựng rất giống hàng thật, nhưng sau vài tháng, dây da bong tróc, máy chậm giờ liên tục. Khi mang đi kiểm tra thì mới biết đó là hàng nhái. Mình cứ nghĩ quen biết thì sẽ yên tâm, ai ngờ bị lừa”.
Anh Nguyễn Tuấn Long (TP HCM), một người chơi đồng hồ lâu năm, cho biết “hiện nay có những chiếc fake được gọi là “super fake”, nhìn gần như giống đến 90 – 95% hàng thật, kể cả trọng lượng. Nếu không mở máy hoặc soi chi tiết bằng kính lúp thì rất khó phát hiện. Người tiêu dùng thông thường gần như không có khả năng phân biệt nếu không được hướng dẫn cụ thể”.
Chị Nguyễn Phương Linh (sinh viên, TP HCM) chia sẻ câu chuyện của mình một cách bức xúc, “mình mua chiếc đồng hồ hiệu Michael Kors trên một trang thương mại điện tử lớn với giá khuyến mãi hơn 2 triệu, nhìn hình thì sang trọng lắm. Nhưng khi nhận được thì cảm giác rẻ tiền, mặt kính dễ xước, và nặng bất thường. Mang đến cửa hàng kiểm tra thì được báo là hàng nhái loại thường, không rõ nguồn gốc”.
Những chia sẻ trên cho thấy một thực tế rằng không ít người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang trả “học phí” bằng tiền thật cho những chiếc đồng hồ giả. Việc này không chỉ bị thiệt hại về tài chính mà người tiêu dùng còn đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn, như: Đồng hồ giả thường sử dụng kim loại rẻ, pha tạp chất có thể gây dị ứng da, đặc biệt với người có làn da nhạy cảm; Mua bán hoặc sử dụng hàng giả, dù vô tình, cũng có thể khiến người tiêu dùng vi phạm pháp luật. Trong một số trường hợp, việc mang đồng hồ giả ra nước ngoài có thể bị coi là hành vi buôn lậu...
Đừng để mất tiền vì thiếu hiểu biết
Tìm đến những nhóm hội giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chơi đồng hồ, phóng viên nhận thấy, rất nhiều người chơi sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng để mua một chiếc đồng hồ. Thậm chí với những nhà sưu tập nhiều năm, họ thậm chí sẵn sàng chi ra hàng tỷ đồng để sở hữu những chiếc đồng hồ mang thương hiệu nổi tiếng.
Dân chơi đồng hồ thường truyền tai nhau “nhất rô, nhì ô, tam lô” - tức nhất Rolex, nhì Omega, tam Longines. Đây có lẽ là thước đo “đẳng cấp” của một số người tiêu dùng có sở thích chơi đồng hồ. Thế nhưng, có lẽ thước đo này hiện nay đã kém hiệu quả đi khá nhiều, khi mà nhìn đâu người ta cũng phải đặt câu hỏi liệu chiếc đồng hồ này có phải là hàng chuẩn hay không?
Đồng hồ nghi giả nhãn hiệu Rolex bán tại Saigon Square. Ảnh: Quản lý thị trường TP HCM
Trao đổi với phóng viên, rất nhiều người chơi lâu năm có kinh nghiệm trong làng đồng hồ chia sẻ, hiện nay việc xác định giá trị của một chiếc đồng hồ đa phần là do chuyên gia “bổ máy” (khái niệm chuyên môn cho việc tháo rời một chiếc đồng hồ), việc nhìn bằng mắt thường gần như là việc bất khả thi.
“Hàng giả ngày nay không còn là loại nhái sơ sài như trước. Có những mẫu fake loại 1 được chế tác rất tinh vi, nhìn bằng mắt thường khó phân biệt với hàng thật. Nhiều người bỏ ra hàng chục triệu đồng mua mà không biết mình đang sở hữu một chiếc đồng hồ vô giá trị”, ông Lê Tuấn Khánh, chuyên gia kiểm định đồng hồ Thụy Sĩ tại TP HCM, cảnh báo.
Ông Khánh cũng cho biết thêm, có những khách hàng đem đồng hồ đến kiểm định và không tin nổi khi biết đó là hàng nhái. Thậm chí có người mua qua người quen, nhân viên bán hàng xách tay – vẫn bị lừa.
Bà Nguyễn Hồng Nhung (Giám đốc showroom đồng hồ cao cấp tại TP HCM) chia sẻ, nhiều người vì ham rẻ nên mua hàng qua mạng, qua trung gian không rõ nguồn gốc. Nhưng đồng hồ cao cấp là sản phẩm gắn liền với giá trị thương hiệu – đã là hàng thật thì không thể có giá rẻ bất thường. Người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn, đừng vì chút chênh lệch giá mà ôm lấy rủi ro.
Để chọn mua một chiếc đồng hồ chính hãng, tránh mua nhầm hàng nhái, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ trước khi mua và chọn những cửa hàng uy tín, hoặc đại lý ủy quyền, có giấy tờ bảo hành hợp pháp.
Việc mua và sử dụng hàng giả không chỉ là hành vi tiếp tay cho vi phạm sở hữu trí tuệ, mà còn góp phần làm méo mó thị trường tiêu dùng. Trong nhiều trường hợp, người dùng còn trở thành nạn nhân của những đường dây lừa đảo có tổ chức, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và cả sự an toàn cá nhân.
“Đừng để niềm tin bị đánh đổi bằng một chiếc đồng hồ giả. Sự tỉnh táo và kiến thức là tấm lá chắn tốt nhất cho người tiêu dùng thông minh” - Trích lời chuyên gia Lê Tuấn Khánh.
Thiên Bảo