Bảy giải pháp phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Bảy giải pháp phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045
5 giờ trướcBài gốc
Cảng Hải Phòng thực hiện cam kết cảng xanh, giảm thiểu tác động môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững. (Ảnh: TTXVN phát)
Nghị quyết 7/NQ-CP ngày 10/1/2025 về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 96-KL/TW ngày 30/9/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ đã ban hành.
Nghị quyết nêu rõ trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ yêu cầu các bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng và các địa phương trong cả nước cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai 7 nhiệm vụ giải pháp sau:
1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Kết luận số 96-KL/TW
Các bộ, cơ quan liên quan, thành phố Hải Phòng và các địa phương trong cả nước chủ động phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông để nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin về Kết luận số 96-KL/TW và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 96-KL/TW đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý và toàn thể nhân dân làm chuyển biến nhận thức và quyết tâm cao của các ngành, các cấp.
Tiếp tục tập trung quán triệt, tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 45-NQ/TW gắn với Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tiếp tục tạo sự thống nhất cao, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vai trò, vị trí chiến lược, tầm quan trọng của thành phố Hải Phòng trong vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước.
2. Công tác hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính
Rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; rà soát, đánh giá các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và nội dung công việc cụ thể tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 16/11/2019 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị để bảo đảm hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn.
Tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và các đề án về sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025.
3. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ, đổi mói sáng tạo là động lực chính đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng; trọng tâm là phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Thành phố Hải Phòng phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Khách du lịch quốc tế thăm đảo ngọc Cát Bà sau bão Yagi. (Ảnh: Quốc Khánh/ TTXVN)
Đẩy nhanh tiến độ việc triển khai có hiệu quả chuyển đổi số, áp dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất mới nhất là các ngành, nghề kinh tế mũi nhọn có giá trị gia tăng cao: Dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics điện tử, thương mại điện tử, du lịch,... đầu tư, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp số để tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Rà soát lại các chỉ tiêu phát triển của Thành phố, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng logistics của Hải Phòng kết nối với các quốc gia, địa phương trong cả nước về đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không để xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng sớm trở thành trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại.
4. Tăng cường thu hút vốn đầu tư phát triển, tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm có tính kết nối liên vùng và đẩy mạnh liên kết vùng
Tập trung thu hút các nguồn lực để tăng quy mô và hiệu quả đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ.
Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó vốn ngân sách trung ương đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, kết hợp với ngân sách Thành phố và nguồn huy động xã hội hóa để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, động lực, có tính lan tỏa, kết nối vùng, kết nối các phương thức vận tải khác nhau phát huy lợi thế về cảng biển, hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và các hành lang kết nối của vùng.
Chủ động phối hợp với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là các địa phương trong tam giác động lực phát triển kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh để rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành để hoàn thiện thể chế điều phối vùng đủ mạnh, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, mang tính liên kết vùng.
Nghiên cứu, đề xuất với Hội đồng điều phối vùng đồng bằng Sông Hồng các cơ chế, chính sách mới, đặc thù cho vùng để đáp ứng tốt hơn các điều kiện nhằm phát triển đột phá, nhằm khẳng định vai trò là một trong những cực tăng trưởng, động lực phát triển của vùng và cả nước.
5. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội và công bằng xã hội; quản lý, khai thác tài nguyên; thu hút đầu tư phát triển du lịch; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Đường dẫn lên cầu Rào ở hướng quận Ngô Quyền với biểu tượng mỏ neo, thể hiện nét độc đáo của thành phố Cảng. (Ảnh: Hoàng Hiếu/ TTXVN)
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm phát triển bền vững với phương châm "mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau". Thực hiện tốt chủ trương "Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế": Huy động mọi nguồn lực của nhà nước và xã hội để giúp người dân thoát nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo, phấn đấu không còn hộ nghèo; thực hiện tốt các chế độ, chính sách với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; tiếp tục quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là người dân tại hai huyện đảo Bạch Long Vĩ và Cát Hải.
Đầu tư phát triển văn hóa, con người đồng bộ, ngang tầm với phát triển kinh tế; xây dựng và phát triển con người Hải Phòng toàn diện và đậm đà bản sắc người Hải Phòng đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu của Thành phố.
Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng hàng đầu của vùng đồng bằng sông Hồng. Hiện đại hóa và mở rộng mạng lưới, quy mô giáo dục và đào tạo; quan tâm thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục và đào tạo
6. Gắn phát triển kinh tế-xã hội với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại
Xây dựng, củng cố thế trận toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; tiếp tục thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn gắn với xây dựng các công trình phòng thủ theo thế trận quân sự khu vực phòng thủ đúng với vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, thế trận an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội nhất là ở khu vực biển, đảo của thành phố, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh nhân dân, vừa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành thành phố an toàn, thân thiện, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân thành phố; phấn đấu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy.
7. Xây dựng chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị gắn với thực hiện mô hình chính quyền đô thị-
Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là đội ngũ chủ chốt, cấp chiến lược có đầy đủ phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, uy tín, nhiệt huyết, tư duy, tầm nhìn đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, gắn với chế độ đãi ngộ thích hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, công khai trong mọi lĩnh vực./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/bay-giai-phap-phat-trien-thanh-pho-hai-phong-den-nam-2030-tam-nhin-2045-post1007005.vnp