Bài học cay đắng
Những kỳ nghỉ lễ hay mùa hè luôn là thời điểm vàng để người lao động và gia đình lên kế hoạch cho những chuyến đi xả hơi, tái tạo năng lượng. Cũng giống như bao người khác, có nhu cầu đi du lịch vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, chị T (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã lên mạng xã hội đặt combo du lịch trọn gói cho cả gia đình gồm: Vé máy bay, phòng khách sạn với tổng giá trị hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên, chị mới đặt cọc trước 1 phần, còn lại ngày gần đi sẽ thanh toán nốt. Nhưng đến ngày gần đi, liên hệ với người bán combo không được, lúc này chị mới phát hiện mình đã bị lừa.
Người dân cẩn trọng trước bẫy lừa du lịch trên mạng xã hội
Trường hợp của chị T không phải cá biệt. Mới đây, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, chị P.T.N (ở xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) đã nếm trải bài học này khi tìm phòng khách sạn cho chuyến đi Quy Nhơn. Chị kể lại: “Tôi thấy Fanpage của khách sạn A.P.H. Quy Nhơn có tới 11.000 lượt thích và theo dõi, hình ảnh phòng ốc rất đẹp mắt nên đã tin tưởng liên hệ. Họ báo giá hơn 3,2 triệu đồng cho 3 ngày 2 đêm và yêu cầu đặt cọc 1 triệu đồng. Thấy trang có vẻ uy tín, tôi chuyển luôn cả 3,2 triệu đồng”.
Tuy nhiên, ngay sau đó, đối tượng thông báo chị chuyển sai nội dung, yêu cầu chuyển lại lần nữa và hứa hoàn tiền sau. Chúng còn kết nối chị với một tài khoản Facebook tên T.H tự xưng là kế toán, hướng dẫn thao tác trên app ngân hàng để “hỗ trợ hoàn tiền”. Nghi ngờ lừa đảo, chị N. không làm theo thì bị chặn Facebook ngay lập tức.
Nghiêm trọng hơn, nhiều người lao động đã mất trắng số tiền lớn để tổ chức du lịch tập thể. Chị N.M.P. (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã phải trình báo công an sau khi 5 lần chuyển tổng cộng hơn 45 triệu đồng cho một đối tượng lừa đảo đặt chuyến du lịch cho cơ quan. Chị L.H.O. (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng bị lừa gần 10 triệu đồng qua một Fanpage mạo danh thương hiệu du lịch lớn, đồng thời bày tỏ lo lắng khi thông tin cá nhân bị lộ.
“Ma trận” lừa đảo du lịch
Trong một thời gian ngắn, nhiều người dân đã phản ánh bị lừa đảo với cùng một thủ đoạn: fanpage giả mạo, giá combo hấp dẫn, yêu cầu chuyển khoản trước, sau đó mất liên lạc hoàn toàn. Fanpage giả mạo ngày càng được làm tinh vi. Không chỉ “mượn” hình ảnh từ website chính thức của các khu nghỉ dưỡng, các đối tượng còn lập hợp đồng giả mạo, sử dụng các tài khoản ngân hàng mở bằng giấy tờ giả để tạo lòng tin tuyệt đối với khách hàng. Thậm chí, một số Fanpage còn thuê người chạy quảng cáo để tăng độ tin cậy, thuê tài khoản Facebook ảo bình luận tích cực, nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất là giả mạo các thương hiệu du lịch, khách sạn, hãng hàng không uy tín. Chúng tạo ra các website, fanpage với tên miền, logo, hình ảnh giống hệt bản gốc, đôi khi chỉ khác một vài ký tự nhỏ hoặc sử dụng đuôi tên miền lạ (.cc, .xyz, .tk...).
Để tăng độ tin cậy, các trang giả mạo này thường có lượng theo dõi “khủng” nhờ các công cụ "ảo", đăng tải bình luận “chim mồi” tích cực, thậm chí còn chạy quảng cáo và sử dụng dấu tích xanh giả mạo, khiến người tiêu dùng rất khó nhận biết nếu không kiểm tra kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn tung ra các gói combo du lịch, phòng khách sạn với mức giá rẻ bất thường, thường đăng tải trong các hội nhóm du lịch kèm theo lời mời chào “tour phút chót”, “giảm giá sâu”, “chỉ còn vài suất cuối”. Chúng đánh vào tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội tốt của khách hàng, liên tục hối thúc chuyển tiền đặt cọc từ 30 - 50% hoặc toàn bộ chi phí để giữ chỗ, sau đó chiếm đoạt số tiền này và chặn mọi liên lạc.
Tinh vi hơn, chúng còn sử dụng chiêu trò “giao dịch lỗi”. Sau khi nạn nhân chuyển tiền lần đầu, kẻ lừa đảo sẽ thông báo giao dịch bị trục trặc (sai nội dung, hệ thống chưa nhận được tiền...) và yêu cầu nạn nhân chuyển khoản lại, đồng thời hứa sẽ hoàn trả khoản tiền đã chuyển “lỗi”. Tiếp đó, chúng có thể dẫn dụ nạn nhân kết nối với "”kế toán”, “bộ phận hoàn tiền” giả mạo, yêu cầu cung cấp mã OTP hoặc thực hiện các thao tác đáng ngờ trên ứng dụng ngân hàng nhằm chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản.
Dịp nghỉ lễ dài ngày là thời điểm lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn. Nhưng trước những chiêu trò ngày càng tinh vi của tội phạm lừa đảo và để tránh rơi vào bẫy của chúng, nhất là cao điểm lễ 30/4 - 1/5, cơ quan công an khuyến cáo người dân nên kiểm tra kỹ tên fanpage, thời gian lập trang, lượt tương tác thật. Ưu tiên đặt dịch vụ qua website chính thức hoặc các nền tảng uy tín. Không chuyển tiền trước khi xác nhận dịch vụ và chỉ thanh toán khi đã có thông tin rõ ràng của bên bán. Trong trường hợp bị lừa đảo hoặc phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân và du khách cần đến cơ quan Công an gần nhất trình báo sự việc để được hướng dẫn giải quyết kịp thời.
Minh Khánh